“Gieo mầm thiện” giúp phạm nhân hoàn lương
“Tôi luôn thầm cảm ơn các cán bộ trại”
Trong 8 phân trại của Trại giam Thủ Đức (Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an; đóng quân trên địa bàn xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) chỉ có Phân trại 1 là có khu giam giữ nữ PN có con nhỏ theo mẹ vào trại. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhà trẻ nằm ở vị trí gần như trung tâm của khu này được sắp xếp, tổ chức ngăn nắp, sạch sẽ với những tủ đồ dùng học tập của các bé được ghi tên đầy đủ. Trên các mảng tường được trang trí những hình ảnh vui tươi, bắt mắt…
Dạy chữ giúp phạm nhân hướng về nẻo thiện. |
Lúc này, những đứa bé chỉ mới vài tháng tuổi hoặc lớn hơn một chút, nhìn chúng như những thiên thần khi ngoan ngoãn ngồi trong lòng mẹ - là những nữ phạm nhân đang chấp hành án tại đây. Có lẽ chúng còn quá nhỏ để cảm nhận và hiểu được mình đang ở đâu và mẹ chúng đang phải làm gì ở nơi này. Điều chúng chỉ biết rõ nhất là vẫn đang được mẹ vỗ về, yêu thương, chăm sóc.
Hiện nơi đây đang có 23 cháu nhỏ là con phạm nhân theo mẹ vào trại, bé lớn nhất gần 3 tuổi, bé nhỏ nhất chỉ mới mấy tháng tuổi… Có lẽ ai cũng biết, 23 đứa trẻ ở đây là 23 phận đời gắn liền với những năm tháng chấp hành án của mẹ chúng.
Chia sẻ với chúng tôi, chị T. Mai (SN 1989, ở quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi chị chấp hành án ở đây (2018), mọi chế độ chính sách cho cả mẹ và con chị được trại rất quan tâm, thực hiện đầy đủ và khách quan. Chị Mai lãnh án 11 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Chị sinh con ngay tại trại; hiện con trai chị đã được 28 tháng tuổi. Điều đáng buồn là chồng chị cũng đang chấp hành án 7 năm tù (cùng tội danh như vợ mình) tại Phân trại 7 của trại giam này.
“Khi em nhập trại thì đã mang thai được 7 tháng, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là em sinh. Và cán bộ ở đây đã cho em nghỉ ngơi để dưỡng tới ngày sinh. Khi sinh con trong trại, em cũng được các cán bộ hết sức giúp đỡ, trại chi trả tất cả các chi phí. Sinh xong, em cũng được nghỉ 6 tháng không phải lao động để nuôi con. Các cán bộ ở đây rất quan tâm đến sức khỏe, chế độ ăn uống của mẹ con em…”, chị Mai cho hay.
Cũng theo chị Mai, đến giờ các nữ phạm nhân ở đây vẫn được ưu tiên nhiều thứ và chỉ phải đi lao động ít hơn các phạm nhân bình thường khác để tạo điều kiện về sớm chăm sóc con nhỏ. Và khu này luôn có hai cán bộ y tế chăm lo cho cả mẹ lẫn con. Các dịp lễ, Tết, trại và các cán bộ đều tặng, cho quà, tiền cho mẹ con phạm nhân…
“Trước đây, em theo bạn bè sa vào con đường ma túy rồi tiếp theo là mua bán và phải gánh chịu hậu quả như ngày nay. Ở tình cảnh con theo mẹ vào đây thật sự chẳng ai muốn, nhưng được các cán bộ trại quan tâm, động viên, giúp đỡ nên em tự hứa với lòng sẽ cải tạo tốt, chấp hành mọi quy định của trại để mong được giảm án, sớm trở về với gia đình của mình”, chị Mai xúc động.
Chị Oanh (SN 1983, thường trú Xuân Lộc, Đồng Nai) nhập trại khi đang có bầu 8 tháng và cũng sinh con trong trại. Chị Oanh thụ án 3 năm về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Con gái chị đến nay đã được 7 tháng. Chồng chị Oanh cũng đang chấp hành án 8 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại một trại giam khác ở phía Bắc. “Nhớ lại những gì đã qua, tôi luôn thầm cảm ơn các cán bộ trại, bởi tôi không bao giờ nghĩ ở nơi này và trong tình cảnh éo le như chúng tôi lại có thể sinh con và được chăm sóc con mình như vậy”, chị Oanh bày tỏ sự cảm ơn…
Nói về khu giam giữ này, Đại tá Lê Bá Thụy, Giám thị Trại giam Thủ Đức, cho biết: Chính sách nhân đạo của Nhà nước cho phép các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, không người nuôi dưỡng được mang con vào trại. Vì thế, trại đã bố trí khu riêng biệt, đảm bảo yêu cầu sạch, đẹp, thoáng mát... cho các phạm nhân nữ chăm sóc con nhỏ. Với các nữ phạm nhân, trại luôn quan tâm, tạo điều kiện cho họ lao động ít hơn để có thời gian chăm sóc con nhỏ. Còn các cháu nhỏ ở đây cũng được ăn uống, chăm sóc cẩn thận, có chỗ vui chơi, học tập để các cháu có điều kiện phát triển bình thường, không bị thiệt thòi quá so với các bạn khác ở ngoài…
Tình người cảm hóa phạm nhân
Ở Trại giam Thủ Đức còn có một khu giam giữ “đặc biệt” khác, đó là khu dành cho số phạm nhân người nước ngoài. Hiện số phạm nhân là người nước ngoài, trại đang quản lý với các tội danh chủ yếu như Mua bán trái phép chất ma túy; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…, trong đó có 4 phạm nhân phạm tội Xâm phạm an ninh quốc gia.
Do xác định được tính chất phức tạp và những khó khăn trong việc quản lý, giáo dục số phạm nhân này cũng như sự bất đồng về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán... Ban Giám thị và CBCS của trại cùng các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ đã áp dụng đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động phòng ngừa, đẩy mạnh thuyết phục, giáo dục, cảm hóa…
Được tận mắt chứng kiến khu giam giữ này cũng như được tiếp xúc với các phạm nhân người nước ngoài ở đây, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi cảnh quan thoáng mát, sạch đẹp.
Phạm nhân Gomez, quốc tịch Malaysia (52 tuổi) mang án chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” đã thi hành án tại Trại giam Thủ Đức 19 năm, cho biết chỉ còn 16 tháng nữa (tính từ thời điểm 2020) sẽ được tha tù. “Các cán bộ trại luôn hướng dẫn, chỉ bảo cho chúng tôi cặn kẽ, giúp đỡ chúng tôi trong quá trình cải tạo, học tập…”, phạm nhân Gomez vui vẻ cho biết.
Phạm nhân John Nguyễn (63 tuổi, quốc tịch Mỹ) cũng phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và đang chấp hành án tù chung thân, chia sẻ rằng mình đã thi hành án gần 20 năm nay. Điều kiện sinh hoạt ăn ở của trại đều rất tốt, cán bộ trại giam đối xử với ông nhẹ nhàng nên ông rất yên tâm cải tạo…
Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kết hợp giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, thực hiện nghiêm mọi chế độ chính sách của Nhà nước đối với người phạm tội, Ban Giám thị cũng như các CBCS của trại luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phạm nhân, lấy “cái tình” giúp đỡ các phạm nhân.
Điển hình là Quỹ “Tấm lòng vàng” được trại phát động xây dựng rất thành công nhằm để giúp đỡ những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, không có người thăm nuôi; biểu dương khen thưởng kịp thời những phạm nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chấp hành án phạt tù…
Qua đó, hầu hết các phạm nhân ở đây đều cảm nhận được cái lý, cái tình, cái nghĩa và yên tâm lao động, cải tạo, mong sớm được giảm án, về với gia đình, với cộng đồng. Minh chứng rõ nhất là tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy trại giam giảm rất rõ rệt - năm 2015 là 2,3%, đến năm 2020 chỉ còn 0,66%...