Gieo nhân ái, thu phục người lầm lỗi

23:36 18/09/2012
Biên giới Lạng Sơn với hàng trăm đường mòn, được ví là địa bàn “túi” của đối tượng truy nã ẩn náu. Nghề “tầm nã” ở đây cũng vì thế mà khó khăn hơn, bởi đối tượng trốn truy nã thoắt ẩn, thoắt hiện, chỉ một chút sơ sảy là chúng trốn ngay sang bên kia biên giới. Sử dụng cái tâm để khuất phục cái ác là biện pháp được Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn áp dụng thành công. Đã có hàng chục tên tội phạm trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm ra đầu thú nhờ biện pháp này.
>> Những điều chưa biết về chuyên án cuối cùng mà Thượng tá, liệt sỹ Hứa Văn Tấn đã tham gia

Chúng tôi đến thăm Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn vào một sớm mùa thu. Cả dãy nhà vắng lặng như tờ, duy chỉ có phòng Đại tá Triệu Văn Điện là đèn còn bật sáng. Như hiểu được sự thắc mắc của tôi, đồng chí Điện vui vẻ cho biết: “Anh em đi địa bàn hết, nếu không hẹn với nhà báo, thì giờ này tôi cũng xuống nhà đối tượng vận động rồi”. Dù là Trưởng phòng nhưng đồng chí Điện cũng kiêm thêm việc của người trinh sát, vụ nào khó, đi xa hoặc vận động đối tượng cộm cán, nguy hiểm anh đều tham gia trực tiếp. Bởi ở xứ Lạng, chỉ cần nghe danh Đại tá Triệu Điện hầu như người dân nào cũng biết về thành tích đặc biệt xuất sắc của anh.

Ngoài danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Điện còn được người dân xứ Lạng đặc biệt tin yêu và quý mến. Chính vì thế mà khi anh xuống nhà vận động đối tượng ra đầu thú thì gia đình, người thân của họ đều tin tưởng. Và thành tích lớn nhất của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm từ khi thành lập đến nay ngoài truy bắt thành công hàng trăm đối tượng truy nã, còn vận động được hàng chục đối tượng trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm ra đầu thú.

Chẳng thế mà có tên tội phạm, sau khi ra đầu thú đã khóc rưng rức mà nói rằng: “Biết các chú Công an tốt thế này, cháu đã ra đầu thú từ lâu rồi, cần gì phải đợi đến mười năm”. Kể về tên tội phạm này, đồng chí Điện không khỏi ngậm ngùi bởi sau 10 năm lẩn trốn, hắn đã quên cả tiếng mẹ đẻ. Khi bị truy nã, Tạ Văn Ca mới ngoài 20 tuổi. Trước đó, Ca đi ăn trộm trâu của người hàng xóm rồi bị bắt. Trong lúc bị tạm giam tại Công an huyện Văn Lãng, Ca bị nhóm bạn tù xúi giục và cùng đào tẩu. Chạy một mạch vượt biên sang Trung Quốc, Ca lang thang đến tận tỉnh Quảng Đông. Biệt tăm suốt 10 năm, Ca nghe tin bố chết nhưng không thể về chịu tang. Lưu lạc nơi đất khách, Ca quên cả tiếng mẹ đẻ bởi không sử dụng, hàng ngày làm thuê ở lò gạch hẻo lánh rất cực khổ.

Nắm bắt được điều này, đồng chí Điện đã nhiều lần đến nhà Ca ở huyện Văn Lãng để vận động mẹ và chị gái khuyên con ra đầu thú. Một lần Ca điện thoại về, bà mẹ đã tìm cách để anh Điện nói chuyện với Ca. Trong câu chuyện, anh đã khơi dậy lòng hiếu thảo của con người, rằng bố chết Ca không về chịu tang, nay mẹ già yếu rất trông mong người con trai về phụng dưỡng. Anh cũng khuyên Ca rất nhiều, rằng hãy ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm thụ án để còn trở về phụng dưỡng mẹ già. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Ca đã điện thoại về cho anh Điện khóc rưng rức. Nghe Ca bập bẹ thứ ngôn ngữ mà phải cố gắng lắm mới hiểu được, anh Điện thở phào như trút được gánh nặng. Rồi đúng như lời hẹn, anh cùng các trinh sát có mặt ở biên giới để đón tên tội phạm. Thấy sự đối đãi của các chú Công an thật tốt, Ca chỉ khóc cảm ơn. Biền biệt 10 năm xa cách, các anh đưa Ca về nhà gặp mẹ già để cả gia đình sum vầy bên mâm cơm, thắp cho bố nén nhang rồi mới đi trả án.

Đại tá Triệu Văn Điện đang hướng dẫn trinh sát trẻ tra cứu nhân thân của đối tượng.

Có những đối tượng trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm, tưởng rằng không thể vận động ra đầu thú được, nhưng cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã làm được điều không tưởng này. Đào Thị Minh Huệ, ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, đối tượng cộm cán trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia là một ví dụ. Trong cuộc truy bắt Huệ cùng đồng bọn, đồng chí Hứa Văn Tấn, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Công an TP Lạng Sơn đã hy sinh. Ở vụ án này, chỉ có Huệ là trốn thoát.

Dù dốc toàn bộ lực lượng truy tìm bà trùm trong nhiều ngày, nhưng bóng dáng nữ quái vẫn biệt tăm. Mang trong mình căn bệnh thế kỷ AIDS, Huệ sẵn sàng liều mình. Thế nên, đích thân đồng chí Điện đến nhà vận động cha mẹ cô ta khuyên con ra đầu thú. Ban đầu, gia đình nhất định không hợp tác. Biết đi lại một hai lần không thể được, anh Điện vừa kiên trì vừa cố gắng thuyết phục.

Mưa dầm thấm lâu, khi Huệ điện thoại về nhà, bà mẹ đã nói: “Có anh Điện Trưởng phòng muốn gặp con”. Nghe danh anh Điện, Huệ đồng ý nói chuyện ngay. Cuộc điện thoại kéo dài 20 phút. Sau khi dập máy, nhìn nét mặt anh, những cán bộ đi cùng biết là đã thành công. Bà trùm buôn hàng trắng đã giữ đúng lời hứa. Đích thân đồng chí Điện lái xe ôtô tới nhà Huệ để đưa cô ta về trụ sở Công an đầu thú. Vì hành động này mà Huệ được hưởng khoan hồng, giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm.

Lạng Sơn được coi là địa bàn “túi” của đối tượng truy nã ở khắp các nơi đổ về. Những đối tượng phạm tội giết người, cướp tài sản, mua bán phụ nữ, trẻ em… thường chọn địa bàn biên giới để ẩn nấp, làm cửu vạn thuê ở khu vực đường biên cho dễ bề tẩu thoát. Hơn nữa, ở đây cũng có nhiều đối tượng là người Lạng Sơn vào các tỉnh phía Nam gây án rồi trốn về quê hương, sang Trung Quốc làm ăn nên công tác xác minh, đón bắt rất vất vả. Đã có nhiều cuộc vây bắt của lực lượng Cảnh sát truy nã diễn ra ở nơi rừng thiêng khá nguy hiểm như vụ bắt tên Hoàng Mai Trường, ở khu vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Hay có những chuyến đi đằng đẵng cả tháng trời vào các tỉnh phía Nam để truy bắt 6 tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Theo Đại tá Triệu Văn Điện thì nhiều đối tượng chỉ vì nghèo mà phạm tội, nên các anh thường dùng tình người để vận động họ ra đầu thú. Mã Văn Đại, người dân tộc Nùng ở huyện Văn Lãng là một ví dụ. Chỉ vì nghèo mà Đại đi xách ma túy thuê. Sau khi đồng bọn bị bắt, Đại sợ quá bỏ trốn. Bố Đại đã mất từ khi anh ta chưa lọt lòng mẹ, gia cảnh lại rất nghèo, thế nên các anh đã chọn biện pháp vận động mẹ Đại. Mất 6 tháng trời ròng rã đi lại, các anh mới thuyết phục được tên tội phạm cứng đầu.

Từ ngày thành lập đến nay, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã bắt và vận động đầu thú được trên 100 đối tượng trốn truy nã. Dù biết công việc vận động đầu thú rất tốn kém thời gian, công sức, nhưng các anh vẫn muốn thức tỉnh lương tri còn sót lại trong mỗi tên tội phạm, để cho họ có cơ hội được hưởng sự khoan hồng của pháp luật

Trần Hằng - Quỳnh Vinh

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文