Hành trình bắt nhóm có vũ khí nóng ở nhà nghỉ

22:09 21/03/2010
Biết đối tượng trong nhà nghỉ có vũ khí, lực lượng đặc nhiệm của Công an tỉnh Nam Định với áo giáp, lựu đạn hơi cay, quả nổ... được huy động. Một bộ phận bắn tỉa chiếm lĩnh vị trí các toà nhà cao tầng xung quanh. Công an cũng sơ tán hết khách của nhà nghỉ và dân ở xung quanh trong tầm nguy hiểm.

Nhận được nguồn tin về một nhóm đối tượng có “hàng nóng”, Trung tá Dương Văn Thành, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Nam Định giật mình. Gần 20 năm qua, ở thành Nam hầu như các đối tượng giang hồ cộm cán đã bị bắt hoặc đi khỏi địa phương, không có đối tượng sử dụng vũ khí nóng. Nay, một nhóm côn đồ tỉnh ngoài lại xuất hiện với vũ khí này. Không thể để chúng gây ra tiếng nổ ở thành Nam.

Thông tin trên được anh Thành báo cáo lãnh đạo Công an TP Nam Định và Ban Giám đốc Công an tỉnh Nam Định. Gần trọn thời gian công tác trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm và bao kinh nghiệm trận mạc đối mặt với côn đồ có vũ khí nóng, ngay tối hôm đó, Thiếu tướng Phan Vĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã họp bàn với Đại tá Vũ Quang Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Công an TP Nam Định để thống nhất phương án chiến đấu.

22h ngày 12/3, thành Nam chìm dần trong bóng đêm. Đó là lúc toàn bộ 5 chỉ huy của Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Nam Định cùng 23 cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị lên đường, triển khai kế hoạch mật phục xung quanh nhà nghỉ Kim Cúc.

Vòng ngoài là sự hỗ trợ của các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Nam Định. Trung tá Đỗ Nguyên Khoá, Đội trưởng cùng 4 trinh sát nằm phục trên tầng 5 của nhà nghỉ; Trung tá Phạm Ngọc Đức, Đội phó và 4 trinh sát khác ở ngay dưới tầng 3, lực lượng mạnh nhất do 2 Đội phó là Trung tá Dương Văn Thành và Đại úy Ngô Xuân Bắc bao vây ở tầng trệt, khống chế cửa ra vào. Chỉ huy trực tiếp ngoài hiện trường có Đại tá Vũ Quang Hưng và Đại tá Đinh Dũng, Trưởng Công an TP Nam Định.

Các phương án tác chiến lần lượt được phân tích. Cửa phòng nghỉ rất kín và chắc chắn, không thể bơm thuốc mê vào bên trong. Hơn nữa, khóa cửa lại sử dụng loại do Italia sản xuất, nếu khoá bên trong thì không thể dùng chìa khoá thứ 2 mở được. Vì thế, phương án tối ưu là án binh, đợi các đối tượng xuất hiện để theo dõi. Suốt đêm hôm đó đến tận trưa hôm sau, các tổ công tác không ai rời vị trí.

Nhà nghỉ Kim Cúc.

Gần trưa, đối tượng nữ tên là Hiền và 1 nam thanh niên xuất hiện, chúng thuê xe ôm đi lòng vòng để mua cơm về cho cả bọn. Nhân cơ hội đó, nữ trinh sát hoá trang thành nhân viên của nhà nghỉ lên đưa bát, đũa và dọn phòng cho các đối tượng. Nhiệm vụ của chị là quan sát địa thế trong phòng và nhận dạng các đối tượng.

"Cốc! Cốc! Cốc!" - Cánh cửa phòng chỉ hé chút, đủ cho một đối tượng ló đầu ra. Hắn cầm bát, đũa từ tay nữ trinh sát, nói cộc lốc: "Cảm ơn!" rồi thụt vào. Lập tức, nữ trinh sát vội nài: "Để tôi vào dọn phòng cho các anh!". "Không cần!", vẫn cái giọng cộc cằn, đối tượng thụt vào, đóng sập cửa.

12h đến 12h30', cửa phòng của các đối tượng vẫn kín bưng. Mỗi phút trôi qua là mỗi phút căng thẳng. Gần 13h, một nam thanh niên từ trong phòng đi xuống tầng trệt, hỏi mua nước. Ngay lập tức, tổ công tác phục sẵn bắt luôn đưa vào phòng gần đó khai thác.

Đối tượng khai tên là Đặng Anh Tú, trú tại Đoàn Bá, Hiệp Hòa (Bắc Giang). Một lúc sau, không thấy Tú về, bọn chúng lại cử tiếp đối tượng thứ 2 là Đặng Hữu Nghị, cũng quê ở Đoàn Bá xuống. Nghị được coi là vệ sỹ của Phạm Văn Tới, 26 tuổi, trú tại xã Nam Hải (Tiền Hải, Thái Bình), đối tượng đang bị Công an quận Đống Đa (Hà Nội) truy nã đặc biệt vì liên quan đến vụ bắn người tại khách sạn 325 đường Giảng Võ, phường Cát Linh (Đống Đa).

Sau khi ra khỏi phòng, Nghị cũng cẩn thận cầm chìa khóa khóa phòng lại, rồi mới đi xuống tầng trệt. Gã xuống hất hàm hỏi nhân viên lễ tân về Tú. Theo hướng dẫn của cơ quan Công an, nhân viên trả lời: "Anh ý bắt xe ôm đi ra ngoài rồi". Khi gã đang lẩm nhẩm, thắc mắc về chuyện thằng Tú thì bị tổ công tác bắt bí mật, đưa về khai thác.

Cả hai đối tượng Tú và Nghị đều khai khớp nhau về số lượng người còn trong phòng gồm 4 tên là Tới, Hiền, Nam, Thuỷ và vũ khí trên phòng gồm 1 khẩu súng cưa nòng bắn đạn ghém và 1 quả lựu đạn, trong đó lựu đạn luôn được Tới để trong 1 cái túi mang theo bên người. Tất cả tình hình trên được báo cáo về cho Thiếu tướng Phan Vĩnh.

Người tổng chỉ huy của Công an tỉnh Nam Định quyết định: Kiên trì gọi hàng, nếu các đối tượng sử dụng vũ khí kháng cự thì tấn công. Phải đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh và bảo toàn lực lượng. Lực lượng đặc nhiệm của Công an tỉnh với trang bị đầy đủ áo giáp, lựu đạn hơi cay, quả nổ, súng bắn tỉa... được huy động đến. Một bộ phận bắn tỉa chiếm lĩnh vị trí các toà nhà cao tầng xung quanh. Các bộ phận khác tăng cường cùng các tổ của Công an TP Nam Định và Phòng PC 17 bên trong và bên ngoài nhà nghỉ. Các anh đã bí mật sơ tán hết khách ở các phòng, nhân viên của nhà nghỉ và dân ở xung quanh trong tầm nguy hiểm. Tất cả đã sẵn sàng chiến đấu.  

... Lúc này, thấy 2 đệ tử mất hút, Tới và Hiền bắt đầu nghi ngờ. Hiền mở cửa ban công nhìn ra ngoài đường. Một sự vắng vẻ khác thường, không có bất kỳ người dân nào qua lại. Đoán có sự cố, Hiền quay lại bảo Tới: "Hình như chúng ta bị Công an vây rồi!". Các đối tượng ở trong phòng lôi ma tuý dạng đá ra hít. Chúng muốn mượn ma tuý để hung hăng chống lại lực lượng Công an. Hít xong, chúng bắt đầu từ bên trong phá khoá cửa ra.

Nghe tiếng phá cửa rất to, Trung tá Đỗ Nguyên Khoá ở tầng 5 điện thoại báo cho Phó Giám đốc Vũ Quang Hưng. Một cán bộ của Công an TP Nam Định gọi điện thoại lên phòng của các đối tượng. Bọn chúng không nghe. Các anh kiên nhẫn bấm liên tục.

Sốt ruột, Hiền nhấc máy điện thoại, quát vào máy: "Đừng gọi nữa, chúng tôi không xuống đâu". Sau đó, chúng nhất định không nghe điện thoại nữa. Đại tá Vũ Quang Hưng và Đại tá Đinh Hoàng Dũng, cầm loa bắt đầu công khai kêu gọi các đối tượng ra đầu hàng. Nghe tiếng loa, Tới mở cửa lan can ra. Hắn phanh ngực áo thách thức Công an bắn, rồi gọi điện thoại cho một gã nào đó mà hắn gọi là "đại ca".

Sau đó, Tới gào xuống bên dưới:

- Ông là ai mà dám gọi tôi ra đầu hàng!

Đã quen các cuộc đấu trí với tội phạm nên anh Hưng hiểu quá rõ tâm lý của bọn chúng. Anh quát lên:

- Tôi là Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định. Đề nghị các anh xuống đầu hàng ngay. Tội của anh trong lệnh truy nã không nặng, nếu ra đầu hàng thì được hưởng khoan hồng. Còn nếu chống đối thì sẽ bị tiêu diệt ngay. Chúng tôi đã vây kín xung quanh rồi, các anh không thoát được đâu!

Nghe tiếng quát sang sảng của người chỉ huy Công an, đang phê ma tuý, Tới cũng giật mình. Hắn lại rút lui vào bên trong, bàn bạc với đồng bọn. Sau đó, 2 đối tượng nam, đệ tử của Tới ra hành lang, giơ tay xin được đầu hàng. Để phòng các đối tượng mang theo vũ khí, ban chỉ huy buộc 2 đối tượng cởi trần, mặc quần đùi, rồi thả thang dây từ tầng 5 xuống cho từng đối tượng leo xuống tầng 3. Tại đây, tổ công tác của Trung tá Phạm Ngọc Đức đã đón lõng, nhấc vào bên trong và khoá tay, đưa xuống theo đường cầu thang.

Hiền và Tới lại ra ngoài lan can, hung hăng cố thủ "quyết không hàng, sẵn sàng chết cùng nhau và chết cùng Công an". Nhưng lúc này, qua khai thác các đối tượng bị bắt, cộng với việc quản lý tốt địa bàn, các cán bộ Công an tỉnh Nam Định đã xác định được danh tính và địa chỉ cụ thể của đối tượng nữ.

Đưa Trần Thị Hiền ra khỏi nhà nghỉ. Ảnh dưới là Phạm Văn Tới.

Cô ta là Trần Thu Hiền, 31 tuổi, trú tại tổ 19 phường Trường Thi, TP Nam Định. Bố Hiền đang bị ốm nặng, phải truyền nước. Còn mẹ và em Hiền vội vã theo các trinh sát đến hiện trường vụ án. Người mẹ khóc cay đắng vì có đứa con hư. Bà gọi con thảm thiết:

- Hiền ơi, mày có xuống ngay không? Bố mày đang ốm, có mệnh hệ nào thì mày đừng ân hận con nhé!...

Thấy mẹ, thái độ hung hăng của Hiền chùng xuống. Ban chỉ huy trận đánh lại tiếp tục gọi loa, yêu cầu trong 1 tiếng phải ra đầu hàng, nếu không sẽ sử dụng biện pháp mạnh.

Đôi tình nhân lại thụt vào bên trong hội ý. Thời khắc trôi qua thật nặng nề. Đầu tiên là Tới xin đầu hàng trước, hắn lại được thả xuống theo đường thang dây. Sau đó đến Hiền. Ban chỉ huy định mở cửa cho mẹ Hiền vào đón con gái. Nhưng Hiền gào lên:

"Mẹ không được lên, để người khác lên! Nếu mẹ lên có chuyện gì xảy ra thì mẹ đừng trách con". Câu nói của Hiền khiến Ban chỉ huy nghĩ đến phương án xấu, có thể các đối tượng đã cài lựu đạn vào cánh cửa. Chính vì thế, sau khi cho Hiền xuống đầu hàng, các trinh sát phải đột nhập vào phòng theo đường lan can, sau khi kiểm tra không có gì nguy hiểm, họ mới mở cửa cho các lực lượng khác vào tiếp cận.

Phòng nghỉ của các đối tượng rất bừa bộn, lực lượng Công an thu được 3-4 bộ bình dùng để sử dụng ma tuý đá, 2 con dao bầu, khẩu súng bắn hơi cay trong đống rác. Còn quả lựu đạn thì trước khi ra đầu hàng, Tới đã ấn vào toa lét rồi xả nước xuống. Lúc đó là khoảng 15h20'. Tuy nhiên, phải mất 2 ngày cùng lực lượng Công binh lần mò, chiều 15/3, các trinh sát mới thu được quả lựu đạn trong bồn cầu tầng 1. Thế là toàn thắng!

T.Hoà - H.Vũ

Nhân dịp tháp tùng chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa Pháp từ ngày 4-8/10 và trước đó là tới Cộng hòa Ireland từ ngày 1-3/10, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã có cuộc gặp, làm việc với lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ nước sở tại.

Từ ngày 1-5/10, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

“Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp", Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Để hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản và những điểm mới mà dự thảo luật đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC và CNCH hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Tại các địa phương trong cả nước không tồn tại các cơ sở băm gỗ dăm trái phép thì ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các cơ sở băm gỗ dăm trái phép mọc lên như nấm sau mưa, trong đó Nghệ An chiếm số lượng lớn nhất và “công khai” nhất. Ai đã đứng sau “chống lưng” cho các cơ sở này hay chính quyền và các cơ quan chức năng bất lực?

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文