Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020)

Hậu cần - Kỹ thuật CAND dốc sức chi viện chiến trường miền Nam

07:57 25/04/2020
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CAND đã lập được nhiều chiến công, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Là binh chủng không thể thiếu của lực lượng CAND, lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật đã có những đóng góp quan trọng, là một trong những nhân tố đảm bảo cho lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hiệp định Gơ-ne-vơ được ký kết nhưng Mỹ đã ra tuyên bố riêng không bị ràng buộc bởi nội dung Hiệp định và rắp tâm phá hoại Hiệp định ngay từ những ngày đầu. Mỹ, Pháp đã cài lại các tổ chức gián điệp, chôn giấu vũ khí tại miền Bắc, kích động giáo dân miền Bắc di cư vào Nam, chuyển các máy móc, cơ sở công nghiệp từ miền Bắc vào Nam... âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật Công an các địa phương miền Nam tổ chức thu hồi, bảo dưỡng, chôn giấu vũ khí để khi cần có thể lấy lên sử dụng, huy động mọi nguồn lực để cấp lương đến hết năm 1954 và cấp kinh phí cho cán bộ Công an được phân công ở lại miền Nam, tạo vỏ bọc để tiếp tục hoạt động, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh, buộc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đây là những hoạt động thiết thực chuẩn bị lực lượng, vũ khí cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngay từ những ngày đầu.

Ảnh tư liệu.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CAND cùng một lúc thực hiện đảm bảo hậu cần, kỹ thuật cho công tác và chiến đấu theo 3 phương thức khác nhau: Hành chính, bao cấp cho các lực lượng an ninh, tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật...; phương thức bán vũ trang cho lực lượng CSND và phương thức vũ trang cho CAND vũ trang. Trong bối cảnh đó, lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật đã phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, tranh thủ mọi nguồn lực để đáp ứng cao nhất nhu cầu về công tác, chiến đấu của lực lượng Công an.

Lượng vật chất đảm bảo của nhà nước đã được lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật tiếp nhận đầy đủ phục vụ công tác, chiến đấu. Tuy nhiên, ở các thời điểm khác nhau, lực lượng Công an thường xuyên chỉ nhận được khoảng 30-35% nhu cầu cần thiết, phần thiếu hụt đã được lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật đảm bảo theo các phương thức khác. Đó là, tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa đảm bảo đời sống và vật liệu xây dựng cho nhu cầu ngày càng cao trong CAND.

Ở miền Bắc, các trại giam được giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, Công an các đơn vị, địa phương được chủ động sản xuất rau xanh và các loại thực phẩm khác để đáp ứng nhu cầu của đơn vị, địa phương.

Với biện pháp này, mỗi năm lực lượng Công an đã sản xuất được hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, cơ bản bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà nước cung ứng, đảm bảo đời sống cho CBCS và có nguồn dự trữ, dự phòng. Lực lượng Hậu cần còn xây dụng nhà máy xi măng, sản xuất gạch để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản (nhà ở, doanh trại...) ngày càng cao của lực lượng CAND.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được sự quan tâm của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em để phát triển cơ sở kỹ thuật và đảm bảo vật tư cần thiết cho công tác, chiến đấu của lực lượng Công an.

An ninh Liên Xô và các nước XHCN đã giúp đỡ Công an Việt Nam đào tạo cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và xây dựng công trình kỹ thuật, xưởng cơ khí nghiệp vụ, tổ hợp máy tính điện tử... đáp ứng yêu cầu thông tin vô tuyến của lực lượng Công an, đồng thời hỗ trợ thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện để lực lượng Công an sử dụng phương tiện kỹ thuật thu thập tin tức tình báo, đảm bảo yêu cầu chiến đấu trước mắt cũng như các yêu cầu khác của Đảng, Nhà nước.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật đã đảm bảo ở mức cao nhất các nhu cầu vật chất, phương tiện cho công tác, chiến đấu của lực lượng Công an. Các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đã được đảm bảo đầy đủ về kinh phí, phương tiện vận chuyển và thông tin liên lạc cũng như các nhu cầu khác, tạo thuận lợi các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ thực hiện thắng lợi. Chi viện cho An ninh miền Nam về hậu cần - kỹ thuật là nghệ thuật, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, lãnh đạo Bộ Công an cho phép sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật do các nước XHCN sản xuất để chi viện cho An ninh miền Nam. Vào thời điểm những năm 1960-1962, khi An ninh miền Nam hoàn toàn phụ thuộc hệ thống thông tin liên lạc của cấp ủy để liên lạc với Bộ Công an, lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật đã chủ động chọn những phương tiện thông tin hiện đại nhất, đầy đủ chủng loại vật tư, hàng hoá để chi viện cho An ninh miền Nam, phục vụ công tác, chiến đấu, đời sống.

Từ tháng 3-1975, Bộ Công an đã thành lập Đoàn xe 263, huy động toàn bộ phương tiện vận tải của toàn ngành để vận chuyển cán bộ, hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường. Lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật cũng đã chi viện cán bộ và phương tiện, hình thành hệ thống thông tin liên lạc, cơ yếu CAND thống nhất từ Bắc vào Nam và triển khai đến an ninh các quận, huyện ở miền Nam. Qua đó giúp cho việc chỉ đạo tác chiến trong CAND được nhanh chóng bí mật, an toàn, đảm bảo chắc thắng.

Lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật còn được Đảng, Nhà nước tin cậy, giao cho nghiên cứu, sản xuất các tài liệu thay thế như: Thẻ căn cước, giấy chứng nhận hợp lệ quân dịch, công vụ lệnh... tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ biệt động, trinh sát vũ trang hoạt động trong lòng địch luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng, gây cho địch những thiệt hại nặng nề.

Trong 55 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy, nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng Hậu cần-Kỹ thuật An ninh miền Nam đã đảm bảo đầy đủ vũ khí, phương tiện vận chuyển, thiết bị kỹ thuật toàn lực lượng tham gia chiến đấu. Lực lượng Thông tin, Cơ yếu luôn đi trước một bước để triển khai các đài thông tin, túc trực ngày đêm để tiếp nhận thông tin truyền đạt mệnh lệnh tác chiến của lãnh đạo, chỉ huy đến các đơn vị tác chiến, góp phần cùng toàn lực lượng CAND làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975…

Nhóm PVTS

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文