Ký ức thiêng liêng về vườn ươm cán bộ Công an miền Nam trên đất Bắc

19:55 14/08/2013
Ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, cùng với việc đưa cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Chính phủ đã tổ chức đưa hơn ba vạn con em của cán bộ, bộ đội, gia đình cơ sở Cách mạng miền Nam ra miền Bắc XHCN để nuôi dạy. Từ năm 1955, trên miền Bắc XHCN đã hình thành hàng loạt trường nội trú dành riêng cho học sinh miền Nam (HSMN).

Tính đến năm 1963, trên toàn miền Bắc có 28 trường trong bài viết “Một vườn ươm quý báu vào bậc nhất của đất nước” mở đầu cho bộ sách “Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành tháng 5/2000, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Việc thành lập hệ thống các trường HSMN trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn, cách nhìn rất sáng suốt, sâu rộng mà còn nói lên tình cảm cao quý, thiêng liêng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta - cũng là của Tổ quốc và nhân dân đối với các cháu miền Nam lúc bấy giờ... Có thể nói, đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó ấy, nay đã mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước”.

Với tầm nhìn chiến lược về con người của Đảng, của Bác Hồ, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và lãnh đạo Bộ Công an lúc bấy giờ cũng đã sớm nhìn thấy HSMN là tiềm năng đáng kể bổ sung lực lượng cho ngành Công an để phục vụ cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy trước mắt cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội sau này cho miền Nam nói riêng và đất nước nói chung. Do đó ngày 15/8/1963, Bộ Công an tuyển 80 học sinh phổ thông được chọn từ 28 trường HSMN trên toàn miền Bắc. Đây là số HSMN đầu tiên Bộ Công an tuyển chọn để đào tạo cho An ninh miền Nam, được đặt tên là lớp B6 - C500.

Khi lớp B6 tâp trung về trường thì đã có các lớp “B” đàn anh khác (B2, B3, B4…) được tập trung từ trước đó (lớp B1 đã vào chiến trường từ cuối năm 1962). Học viên các lớp “B” đàn anh là cán bộ Công an các địa phương trên khắp miền Bắc tập trung về tập huấn nghiệp vụ, chính trị và tập luyện sức khỏe để chi viện cho An ninh miền Nam. Chủ trương ban đầu của lãnh đạo Bộ Công an là cho lớp B6 học nghiệp vụ, chính trị khoảng 1 năm rồi đưa đi thực tế ở các địa phương trên toàn miền Bắc. Sau đó rút về bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị tiếp một thời gian nữa mới đưa về các ban An ninh ở miền Nam hoạt động.

Sau khi học xong phần lý luận, nhà trường bố trí cho lớp đi thâm nhập thực tế. Lúc đầu, vào cuối tháng 3/1964 lớp được đến xã Quảng An (thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội hiện nay) để xâm nhập thực tế về phong trào “bảo vệ trị an” của một xã tiên tiến ngoại thành Hà Nội lúc bấy giờ.

Đến tháng 4/1964, cả lớp chia thành nhiều đoàn đi thực tế về xây dựng phong trào bảo vệ trị an và xây dựng hồ sơ chính trị xã ở hai huyện Tiền Hải và Thái Ninh, tỉnh Thái Bình. Vào thời điểm này, Mỹ - ngụy tiếp tục tung gián điệp, biệt kích ra quấy phá miền Bắc nên đầu tháng 7/1964, Bộ rút cả lớp về để cùng với hai lớp đàn anh là T5 và T6 (hệ trung cấp của ngành lúc đó) đi thực tập về công tác trinh sát bảo vệ chính trị, trực tiếp tham gia phòng chống gián điệp, biệt kích chủ yếu ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hòa Bình, Bắc Kạn...

Ngay sau sự kiện anh em Diệm - Nhu bị phe đảo chính sát hại ngày 1/11/1963, lãnh đạo Bộ Công an đã có ý định thay đổi chủ trương đối với lớp B6. Đến sau sự kiện Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ, thực hiện việc dùng không quân đánh phá miền Bắc, mở rộng chiến tranh trên toàn cõi Đông Dương thì ý định trên đã trở thành chủ trương, chuyển từ đào tạo ngắn hạn số HSMN ở lớp B6 để đưa vào miền Nam trực tiếp xây dựng phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy sang đào tạo lâu dài thành lực lượng chiến lược cho miền Nam và cho cả nước sau ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng.

Một buổi gặp mặt cán bộ, học viên Công an chi viện chiến trường miền Nam, trong đó có học sinh miền Nam (ảnh chụp tại Học viện An ninh).

Tiếp tục chủ trương tuyển chọn HSMN vào lực lượng Công an, khoảng giữa tháng 8/1964, Bộ Công an đã tuyển tiếp 120 học sinh phổ thông từ các trường HSMN trên khắp miền Bắc, trong đó có 20 HSMN là người các dân tộc anh em ở trường dân tộc nội trú, 10 học sinh phổ thông là người dân tộc Khmer. Chủ trương của Bộ đối với lớp HSMN lần này được thể hiện rõ qua tên gọi của lớp là D12, là hệ đào tạo cơ bản nói chung phục vụ cho “chiến lược trồng người” của Bộ. Lớp D12 được phiên chế thành 3 trung đội, trong đó có một trung đội là người dân tộc cùng một số anh em là người dân tộc Khmer. Lớp D12 cũng học chính trị và nghiệp vụ khoảng 1 năm.

Đầu tháng 9/1965, Bộ phân công anh em về Công an các địa phương ở miền Bắc làm việc. Riêng số anh em người dân tộc về sau Bộ điều động dần về các tỉnh Tây Nguyên, số anh em người dân tộc Khmer về chiến trường Campuchia chiến đấu và công tác. Sau đó, số anh em này hầu hết đã hy sinh...

Từ năm 1967 trở đi, anh em lớp D12 cũng dần được Bộ cử đi học nhiều trường đại học khác nhau trong nước và nhiều nước XHCN anh em lúc bấy giờ. Năm 1969, Trường Công an Trung ương sau đổi thành Trường Sĩ quan An ninh chính thức mở hệ đại học, nhiều anh em lớp D12 được Bộ tuyển chọn về trường học khóa đại học đầu tiên này, tức khóa D1 (đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cũng được cử về học khóa này khi anh đang công tác tại Ty Công an Ninh Bình cùng với một số anh em lớp D12).

Những khóa đại học sau (D2, D3, D4...), ngoài số anh em lớp B6 và D12 được Bộ cử về học, Bộ còn về các trường HSMN tuyển chọn một số anh chị em HSMN khác.

Cần khẳng định rằng, động cơ thôi thúc mạnh mẽ những HSMN ở lớp B6 và D12 lúc bấy giờ khi tình nguyện vào lực lượng Công an là mong sớm được trở về miền Nam chiến đấu cho quê hương. Do vậy, dù đã tốt nghiệp phổ thông cũng không vào đại học mà tình nguyện vào lực lượng Công an. Thậm chí có một số anh em đang học năm thứ nhất, thứ hai đại học ngành ngoài cũng xin chuyển vào lớp B6 - C500 để học. Phải sống ở thời đó mới hiểu và thông cảm với nỗi lòng của những HSMN lúc ấy.

Tuy ao ước vậy nhưng những HSMN lớp B6 và D12 mãi đến đầu năm 1972 mới được Bộ điều động một số vào chiến trường B. Đến sau 30/4/1975 Bộ mới điều hầu hết số học viên của 2 lớp vào tham gia tiếp quản trên hầu hết các tỉnh ở miền Nam. Họ đã thực sự trở thành lực lượng chiến lược của Bộ Công an trong thời điểm quan trọng này của đất nước sau chiến tranh. Họ đã trực tiếp phát hiện kẻ địch được cài lại, làm rõ hành vi phạm tội qua công tác điều tra tại hiện trường, công tác kỹ thuật… góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ thành quả 30/4 và việc bảo vệ, xây dựng chính quyền vùng giải phóng…

Sau khi những học viên Công an nguyên là những HSMN rời giảng đường đại học, họ dần trở thành những cán bộ Công an cốt cán từ cơ quan Bộ đến các địa phương, nhà trường. Có đồng chí là ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an. Nhiều đồng chí là lãnh đạo cấp Tổng cục, Vụ, Cục và đã được phong tướng; nhiều đồng chí là chánh, phó giám đốc Công an, giám đốc hải quan các tỉnh, thành và hầu hết trong số họ là cán bộ lãnh đạo cấp trưởng phó phòng ở Bộ và các địa phương.

Có một số đồng chí đã lập nên những chiến công trong công tác, chiến đấu nên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà giáo ưu tú, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công. Nhiều đồng chí phấn đấu học đến tiến sĩ, thạc sĩ...

 Lời phát biểu của đồng chí Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường của lớp B6-C500 được tổ chức vào ngày 15-8-2003 tại Học viện An ninh nhân dân sau đây có thể là những suy nghĩ chung của những cán bộ Công an nguyên là những HSMN chúng ta đã nói ở trên:

“Xin cảm ơn Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại! Xin cảm ơn lực lượng Công an đã dày công đào tạo, rèn luyện những đứa con của miền Nam đầu tiên vào lực lượng Công an và trưởng thành cho đến hôm nay.

Xin cảm ơn các chị là vợ, các cháu là con của mỗi anh em B6 đã chung sức chung lòng, tạo chỗ dựa vững chắc để chúng tôi yên tâm công tác, chiến đấu cho đến hôm nay tóc đã bạc, hầu hết đã nghỉ hưu mà lòng vẫn thanh thản, nhẹ nhàng.

Đặc biệt xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các đồng chí lãnh đạo và giáo viên, cán bộ, công nhân viên của C500 mà nay là Học viện An ninh nhân dân đã chắp cánh cho chúng tôi từ những ngày chập chững vào ngành để sống, chiến đấu và cống hiến trong 40 năm qua”

C.N.L.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文