Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 - 23-1-2016):

Lá thư tiếp lửa chiến trường

08:34 24/12/2015
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi được Bộ Công an chi viện vào chiến trường Trị Thiên Huế. Đến nay, cuộc chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ vẫn ghi đậm trong ký ức tôi về lá thư tiếp lửa của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gửi cán bộ, chiến sĩ An ninh Khu Trị Thiên Huế sau cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968 ở Huế.

Mùa xuân năm 1968, cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế là một sự kiện đặc sắc về thành tích của lực lượng An ninh, được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gửi thư khen ngợi: “Đảng đoàn rất phấn khởi về những thành tích xuất sắc trước nay chưa từng có của toàn thể cán bộ, chiến sĩ An ninh trong những đợt tiến công và nổi dậy vừa qua. Đảng đoàn khen ngợi và tuyên dương toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh anh dũng, mưu trí bám trụ địa bàn, đã đánh địch giành thắng lợi to lớn”. Chiến công làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm đã nổi lên là một chiến trường xuất sắc, được Bộ chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam tuyên dương tám chữ vàng: “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Đồng chí Cố Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn.

Từ sau sự kiện Mậu Thân, Mỹ - ngụy huy động tổng lực các binh chủng quân sự sừng sỏ, tinh nhuệ nhất ở miền Nam như “Anh cả đỏ”, “Tia chớp nhiệt đới”, Lữ dù 82 biệt động quân… sử dụng các phương tiện chiến tranh, các loại vũ khí hủy diệt, hiện đại nhất như máy bay B52 ném bom rải thảm, mở các chiến dịch rải chất độc da cam làm trụi lá cây, phát quang căn cứ miền núi, dùng các chất hóa học tạo mưa, tạo bùn kéo dài mùa mưa trên tuyến đường Trường Sơn, nhằm chặn con đường chi viện chiến trường miền Nam, cùng với bộ máy kèm kẹp: Tình báo, gián điệp, cảnh sát, chiêu hồi, bình định… đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất rất nặng nề.

Trong hồi ký của đồng chí Lê Minh, Phó Bí thư Khu ủy, Trưởng ban An ninh khu, Tư lệnh chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy toàn Khu đã chia sẻ: “Đến ngày 26-2-1968 thì tất cả đã rút ra khỏi thành phố Huế. Lên rừng ngày nào thì đói ngay trong ngày đó. Sau cuộc liên hoan mừng chiến thắng, có mặt cả nhân sĩ, trí thức Huế ở Khe Trái (địa đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch) thì cả rừng ăn muối. Khó khăn ập tới sau khi rút khỏi Huế là giống như tình hình vỡ trận”. 

Còn đồng chí Tống Hoàng Nguyên, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban An ninh thành phố Huế đã ghi lại trong hồi ức của mình: “Bước vào thu đông 1968, thời tiết như vào hùa với địch! Mưa, mưa hoài, mưa mãi! Đồng lõa với cái đói là đủ thứ bệnh: Sốt rét ác tính, phù thũng cấp tính, nhiễm trùng đường ruột, bại liệt… ai nấy trông xanh xao, gầy còm, bước đi không vững. Có người chân bước nhưng cặp mắt đã lạc thần, miệng lẩm bẩm: Thừa trời, thiếu đất – Thừa Thiên mà! Hoàn cảnh thật bi đát, nhưng phải chiến thắng cái chết, giành lại sự sống để còn chiến đấu”.

Thấu hiểu và xúc cảm trước tình hình khó khăn, gian khổ ở chiến trường, ngày 9-5-1970, cán bộ, chiến sĩ An ninh Khu Trị Thiên Huế đã nhận được lá thư sâu nặng nghĩa tình của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Lá thư của Bộ trưởng là nguồn động viên to lớn, tiếp lửa cho chúng tôi sẵn sàng xả thân vì nước, vì dân, tiếp tục cuộc chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù ở một chiến trường khói lửa. 

Bộ trưởng thân tình chia sẻ: “Trên khắp nẻo đường chiến đấu của các đồng chí, hàng ngày, hàng giờ ở hậu phương chúng tôi đều nghĩ đến tiền tuyến, nghĩ đến các đồng chí hướng về miền Nam thân yêu với tất cả tình thương nhớ… Tôi biết các đồng chí đã từng ăn củ mài, móng ngựa, môn thục, môn vót, đói cơm, nhạt muối, thiếu từng viên thuốc… 

Trong chiến đấu no, đói có nhau, gian khổ có nhau, ngọt bùi có nhau, thật có gì đẹp đẽ bằng mối tình đồng chí trên chiến trường. Đảng ta, ngành ta tự hào có những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ưu tú đã tự nguyện hy sinh tất cả cho sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc. Vì Tổ quốc thân yêu, vì ngày mai, vì con cháu chúng ta mà các đồng chí lao mình vào cuộc chiến đấu”. 

Bộ trưởng còn thổi bùng trong chúng tôi ngọn lửa nhiệt tình cách mạng và niềm tin tất thắng kẻ thù xâm lược: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta đang ở giai đoạn mới, bắt buộc địch phải xuống thang từng bước và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Cuộc chiến đấu còn dài, khó khăn gian khổ còn nhiều, nhưng đây là dài trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, là khó khăn gian khổ trên đà thắng lợi, từng bước tiến lên giành thắng lợi quyết định”.

Lá thư của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã được lãnh đạo Ban An ninh Khu Trị Thiên Huế phổ biến sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ, đã cổ vũ, khích lệ chúng tôi tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu, kiên cường bám trụ chiến trường, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Nhiều tấm gương nêu cao tinh thần bám dân, bám đất, chịu đựng cuộc sống dài ngày lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà, mưa gió đội trời che thân, giá rét lấy sương sưởi ẩm, đói lòng lấy nước thay cơm vẫn kiên trì bám trụ trong dân, giữ vững sinh hoạt với cơ sở, vận động quần chúng đấu tranh phá ấp chiến lược, khôi phục lại vùng ta làm chủ. 

Nhiều tấm gương nêu cao ý chí tiến công, chiến đấu kiên cường, dũng cảm đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, luồn sâu trong vùng địch kiểm soát, lập nhiều chiến công trong các hoạt động diệt ác, trừ gian, có vụ diệt đối tượng ngay trong nội đô thành Huế, góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng, tiến lên giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn Khu Trị Thiên Huế.

Cách đây 45 năm (1970-2015), lá thư tiếp lửa của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn vẫn sống mãi với thời gian trong mỗi trái tim của chúng tôi. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, chúng tôi vô cùng biết ơn người Bộ trưởng tài cao trí rộng, một con người kiên trung, đức độ, trong sáng, đã để lại trong lòng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND sự quý trọng và niềm thương nhớ vô hạn. Xin cầu chúc hương hồn Bộ trưởng được an lành nơi an giấc ngàn thu.

Thiếu tướng Phan Văn Lai (nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh Khu Trị Thiên - Huế)

Ngày 8/4, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát), cùng đồng phạm tiếp tục phần tranh luận. Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh lần nữa khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đúng người, đúng tội, không oan sai.

Ngày 8/4, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ trao tặng 950 triệu đồng cho 19 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại hai xã Phi Liêng và Đạ Rsal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Hoạt động này hưởng ứng chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh Lâm Đồng phát động.

Chiều 8/4, tại sân bay quốc tế Yangon, đại diện Bộ Công an Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã tiến hành trao gần 30 tấn hàng cứu trợ cho Myanmar nhằm giúp đỡ nước bạn vượt qua hậu quả thảm họa động đất nghiêm trọng vừa qua.

Ngày 8/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Quốc Trọng (SN 1992, ngụ xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) và La Thị Tuyết Vân (SN 1982, ngụ phường 6, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) để điều tra về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Chiều 8/4, chuyến bay mang số hiệu VN9711 của Vietnam Airlines đã cất cánh tại sân bay Nội Bài, vận chuyển gần 30 tấn hàng hóa cứu trợ đến Myanmar. Đây là lô hàng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gửi sang Myanmar nhằm giúp đỡ nước bạn vượt qua hậu quả thảm họa động đất nghiêm trọng vừa xảy ra.

Hiện nay, trên mạng xã hội (Tiktok, Facebook, Zalo, Livestream) xuất hiện tình trạng một số đối tượng đăng công khai số điện thoại mua sổ BHXH của người lao động (NLĐ) hoặc nhận làm các thủ tục liên quan đến cơ quan BHXH có thu phí cao, một số thủ tục thu phí rất cao.

Ngày 8/4, nguồn tin của phóng viên cho hay, bị can Phạm Thị Lượng, nguyên Phó Chủ tịch huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, điều 356, Bộ Luật hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文