Lắng nghe dân nói, tận tụy để dân tin
Cán bộ giải quyết thủ tục làm chứng minh nhân dân hay đăng ký xe, giải quyết TNGT… là những chiến sỹ Công an tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Cũng giống như lực lượng CSGT, họ là người có ảnh hưởng lớn đến cách nhìn của nhân dân về hình tượng người chiến sỹ Công an. Có lúc, có nơi cách ứng xử của cán bộ tiếp dân không gây được thiện cảm, thậm chí còn tạo sự bất bình cho nhân dân. Qua quan sát, tìm hiểu thực tế ở một số điểm làm chứng minh nhân dân và cấp đăng ký xe tại Hà Nội, chúng tôi đã ghi được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân và nhận thấy, cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, thực hiện nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" đang được CBCS trong lực lượng CAND hưởng ứng tích cực và nhận được sự khích lệ của nhân dân.
Cấp chứng minh nhân dân: Khắc phục tình trạng quá tải
Sáng 7/4, nơi cấp chứng minh nhân dân của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an thành phố Hà Nội trong tình trạng quá tải. Phía bên ngoài, nơi đặt những bộ bàn ghế cho người dân kê khai làm thủ tục đã kín chỗ. Bên trong, trên các hàng ghế chờ cũng không còn chỗ trống.
Bác Bình nhà ở ngõ 10, ngõ chợ Khâm Thiên có vẻ sốt ruột. Bác nói chuyện: "Tôi có mặt ở đây từ 8 giờ sáng để làm lại cái chứng minh nhân dân. Khai xong hồ sơ, nộp cho cán bộ được nửa tiếng rồi mà vẫn chưa được gọi vào lăn tay, chụp ảnh. Sốt ruột quá!. Tôi đang trông cháu nội mới 9 tháng tuổi, nhờ hàng xóm trông hộ, tiện thể đi cùng ông nhà tôi làm luôn. Giá mà có thêm cán bộ làm việc này thì tốt biết mấy, người dân đến làm thủ tục đỡ phải chờ".
Cán bộ Đội CSGT, trật tự-phản ứng nhanh làm thủ tục cà số khung, số máy và cấp đăng ký xe cho người dân. |
Bác Bình cho biết, chứng minh nhân dân cũ của bác làm cách đây 40 năm, quá hạn lâu rồi. Theo quy định, sau 15 năm phải làm lại giấy tờ này. Nhưng có lẽ nhiều người dân do ngại thủ tục, ngại chờ đợi nên để quá hạn. Khi cần dùng đến mới vội vàng làm lại.
Sự sốt ruột của bác Bình cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết chứng minh nhân dân. Thượng tá Nguyễn Anh Việt, Phó Trưởng phòng cho biết, trung bình mỗi ngày các CBCS của Phòng ở hai cơ sở (một cơ sở trên phố Nguyễn Du, một cơ sở nằm trong quận Hà Đông) phải làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân cho khoảng 250 người và cũng khoảng 250 người đến lấy kết quả. Đó là chưa kể tới con số 150 bộ hồ sơ con dấu được giải quyết cùng với ngần ấy kết quả được trả mỗi ngày.
Vào mùa thi hoặc mùa du lịch, số người đến làm chứng minh nhân dân thường tăng lên tới khoảng 300 người. Trong khi đó, số lượng CBCS tham gia giải quyết lượng công việc ấy lại chỉ có 30 người ở cả hai cơ sở, thực hiện các khâu từ phát đơn, trả kết quả, hướng dẫn người dân cho tới nhận dạng, vào máy và hoàn thiện giấy tờ… Bởi vậy, để phục vụ nhân dân chu đáo và đúng thời hạn quy định, các CBCS phải cố gắng tận dụng thời gian làm việc, bắt đầu từ thói quen đi sớm về muộn.
Thực hiện cuộc vận động do Bộ Công an phát động, Phòng đã xây dựng chương trình hành động "Lực lượng CSQLHC về TTXH Công an TP Hà Nội văn minh, thân thiện, sáng tạo, hiệu quả" với nội dung rất cụ thể như: cải tạo, chỉnh trang phòng làm việc, nơi tiếp dân; CBCS không đeo kính đen, không hút thuốc lá, không đeo dây chuyền khi mặc cảnh phục xuân hè…
Thượng tá Nguyễn Anh Việt đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng nếp sống văn hóa trong lực lượng CSQLHC về TTXH. Đó là thái độ lịch sự, hòa nhã, văn minh, hướng dẫn giải thích ngắn gọn cho người dân dễ hiểu, tuyệt đối không văng tục, nói bậy, nói trống không, phải biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Bên cạnh đó, Phòng cũng đặt ra mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, cấp chứng minh nhân dân, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân. Mục tiêu 3 giảm: "Giảm thủ tục hồ sơ, giảm số lần đi lại, giảm thời gian trả kết quả" đang được CBCS của Phòng, đặc biệt là Đội Chứng minh nhân dân cố gắng thực hiện để tạo thuận lợi nhất cho nhân dân.
Cấp đăng ký xe: Tránh để dân đi lại nhiều lần
Trụ sở làm việc của Đội Cảnh sát giao thông, trật tự - phản ứng nhanh (CSGT, TT- PƯN), Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nằm ngay bên chân cầu Chương Dương. Phòng tiếp dân cấp đăng ký xe khá chật chội nhưng cũng đủ ghế cho người dân ngồi chờ làm thủ tục. Sáng 8/4, khoảng hơn 20 lượt khách đến làm thủ tục theo quy trình khá trật tự. Tuy lượng khách không quá đông nhưng hai cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cũng làm việc không ngơi nghỉ. Quy trình làm hồ sơ đã được hướng dẫn tỉ mỉ bằng văn bản dán công khai ở nơi dễ nhìn.
Chúng tôi hỏi một phụ nữ ngồi trên hàng ghế xanh ngóng về phía cán bộ giải quyết thủ tục: "Làm đăng ký xe có lâu không chị?". Chị trả lời: "Không lâu đâu, em cứ nộp giấy tờ vào kia". Phía bên ngoài có một số phụ nữ làm "cò" đăng ký xe. Nhưng khi họ xuất hiện trong phòng thì ngay lập tức bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu ra ngoài. Có lẽ cũng do thủ tục làm giấy tờ xe đơn giản và thuận lợi nên chúng tôi không thấy người dân nào nhờ "cò" giải quyết giúp.
Nơi cà số khung, số máy cách trụ sở làm việc của Đội chừng 20m ở dưới gầm đường dẫn lên cầu Chương Dương. Hôm nay Đại úy Đỗ Mạnh Dạng là người trực tiếp làm ở công đoạn này. Môi trường làm việc tại đây khá ngột ngạt bởi khói bụi và tiếng ồn. Mặc dù vậy, thủ tục tại đây được thực hiện khá nhanh gọn. Một thành viên đội tự quản của phường hỗ trợ cùng Đại úy Dạng cà số khung, số máy và hoàn thiện hồ sơ.
Nói về cuộc vận động do Bộ Công an phát động tháng 3 vừa qua, Đại úy Dạng tâm sự: "Nhiều khi, cách ứng xử lễ phép với nhân dân cũng phải qua rèn giũa mới có được. Trong đơn vị chúng tôi, CBCS lớn tuổi hơn cũng thường xuyên nhắc nhở CBCS trẻ tuổi trong cách xưng hô, tiếp xúc với dân. Làm được điều đó thì mới mong xây dựng được đơn vị văn hóa".
Trung tá Nguyễn Trung Tuyến, Đội Phó Đội CSGT, TT-PƯN cho biết, quá trình cấp đăng ký xe, đơn vị luôn cố gắng không để nhân dân phải đi lại nhiều lần. Bình quân mỗi ngày, Đội nhận hồ sơ cấp đăng ký xe trong khoảng 50-60 xe. Đó là số xe mới, chưa kể hồ sơ xin cấp lại, chuyển vùng hay sang tên. Bộ phận tiếp dân phải làm việc cả ngày thứ 7. Trung tá Nguyễn Trung Tuyến cũng nhấn mạnh yêu cầu để đạt được mục tiêu đề ra là CBCS làm việc với tinh thần vì nhân dân phục vụ, giải quyết thủ tục một cách nhanh nhất thì người CBCS phải giữ được phẩm chất đạo đức, giải thích cặn kẽ để dân dễ hiểu, tránh sách nhiễu, phiền hà.
Qua ghi nhận tại hai điểm tiếp dân và xử lý thủ tục hành chính, chúng tôi có được phần lớn đánh giá tích cực của người dân về sự thay đổi, thuận lợi trong thủ tục hành chính và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ tiếp dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có ý kiến bày tỏ sự chưa hài lòng về tác phong, điều lệnh và thái độ ứng xử của một vài cán bộ trực tiếp làm việc với dân. Điều lệnh của lực lượng Công an là đặc biệt quan trọng. Nhưng với người dân, có lẽ điều họ cần hơn chính là thái độ đúng mực của chiến sỹ Công an trong cách nói năng, cư xử, giải quyết công việc. Những điều tưởng rằng nhỏ, tưởng dễ dàng thực hiện như lời cảm ơn, xin lỗi hay nói có chủ ngữ đều phải được rèn luyện để tạo thành thói quen tốt.
Với tinh thần hưởng ứng cuộc vận động của lực lượng Công an tiếp xúc trực tiếp với nhân dân qua các thủ tục hành chính, hy vọng rằng sơ suất nhỏ sẽ được khắc phục, mặt tốt sẽ được các CBCS phát huy với tinh thần vì nhân dân phục vụ.
Thượng tá Nguyễn Anh Việt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội:
Chị Vũ Bích Ngọc ở số 62 phố Lò Sũ, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:
Quá trình làm thủ tục đăng ký xe, tôi thấy thái độ làm việc của CBCS ở Đội CSGT, TT-PƯN là rất tốt, rất tận tình. Tuy nhiên, do nơi đăng ký xe và nơi nộp thuế ở xa nhau nên người dân vẫn phải tốn thời gian đi đến hai nơi mới hoàn thiện được đăng ký xe. Giá như hai thủ tục này được gộp lại thực hiện ở một nơi như bộ phận "một cửa" thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân. Trung tá Nguyễn Trung Tuyến, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, trật tự-phản ứng nhanh, Công an quận Hoàn Kiếm:
|