Lực lượng CAND với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng

10:47 26/07/2018
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng (người có công). Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ, người có công, kế thừa truyền thống văn hóa, đạo nghĩa nhân văn “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của ông cha, trong những năm qua, nhất là trong những năm đổi mới, thương binh, liệt sĩ, người có công luôn được Đảng, Nhà nước ta và mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm, chăm sóc, coi đây là bổn phận, trách nhiệm cao cả, nhiệm vụ chính trị thường xuyên.


Trong đó, trước hết là việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình, thân nhân của thương binh, liệt sĩ, người có công; đồng thời, tổ chức thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, nhất là vào dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.

Đồng hành cùng dân tộc trong suốt 73 năm qua, dưới sự lãnh đạo, rèn luyện, giáo dục của Đảng và Bác Hồ kính yêu, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn kiên định, vững vàng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc đã có hơn 14.700 cán bộ, chiến sĩ (CBCS)  CAND vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường khốc liệt; hơn 4.200 thương binh, 2.300 bệnh binh; trên 670 đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn liệt sĩ đến nay vẫn chưa xác định được thông tin, chưa tìm thấy hài cốt… Trong đó, có những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, như: Võ Thị Sáu, Bùi Thị Cúc, Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Văn Uân, Nguyễn Cược, Trần Văn Hoàng...

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhưng những mối đe dọa, những khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn đang hằng ngày, hằng giờ hiện hữu.

Trong đó, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội luôn là mặt trận nóng bỏng, đầy cam go, quyết liệt, hiểm nguy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình thì lại càng nhiều việc”(1).

Trong cuộc chiến đấu vì an ninh Tổ quốc, vì xã hội an toàn, trật tự, kỷ cương, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, máu đào của các CBCS CAND vẫn phải đổ, tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang “những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình”(2) của lực lượng CAND.

Chỉ tính từ năm 1986 đến tháng 7 năm 2018, đã có 306 CBCS Công an hy sinh (liệt sĩ), 1.226 CBCS Công an bị thương (thương binh), một số CBCS bị phơi nhiễm HIV trong công tác, chiến đấu; không ít CBCS Công an đã và đang ngày đêm thầm lặng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình trên các địa bàn, lĩnh vực công tác đầy khó khăn, gian khổ.

Trước hy sinh, mất mát, tinh thần anh dũng, quả cảm của các thế hệ cha anh đi trước, của đồng chí, đồng đội, thấm nhuần chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, CBCS trong toàn lực lượng CAND đã có nhiều hành động, việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực.

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương luôn quan tâm làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đối với CBCS, nhất là đoàn viên, thanh niên CAND về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Bộ Công an cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị làm công tác chính sách thuộc Công an các cấp tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, chính quyền các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức tìm kiếm, quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ Công an ở các chiến trường trong cả nước và trên đất nước bạn; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận các trường hợp CBCS Công an là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh theo quy định của pháp luật.

Công tác quản lý, chăm sóc, tu bổ phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ CAND dần đi vào nền nếp. Các hoạt động thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; báo đáp các thương binh; dâng hương tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử được duy trì thường xuyên.

Nhiều khu di tích của lực lượng CAND được đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng mới, có giá trị về văn hóa, mỹ thuật, quy mô, tầm vóc và ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, như: Khu di tích Nha Công an Trung ương (Tuyên Quang); Khu di tích An ninh Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh); Khu di tích An ninh khu V (Quảng Nam); Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (Bắc Giang)…

Bên cạnh nguồn ngân sách của Nhà nước, để thực hiện tốt hơn việc chăm lo đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công và thân nhân, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường huy động sự ủng hộ, đóng góp công sức, vật chất của đông đảo CBCS, các nhà hảo tâm, thu hút nguồn lực xã hội rộng rãi để hỗ trợ đối với các trường hợp CBCS Công an từ trần, bị thương trong khi làm nhiệm vụ; đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; “đỡ đầu”, hỗ trợ các con thương binh, liệt sĩ; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhà tình nghĩa…

Nhiều quỹ phúc lợi, từ thiện, nhân đạo trong CAND, như: quỹ “Nghĩa tình đồng đội CAND”; quỹ “Phòng, chống thiên tai”; quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Xóa đói, giảm nghèo”… được thành lập, duy trì, hoạt động hiệu quả, thiết thực.

Những gì mà lực lượng CAND đã làm được thời gian qua trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã cho kết quả rất quan trọng, đầy ý nghĩa, thấm đượm tình cảm cách mạng, đồng chí, đồng đội, sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công có lúc, có nơi còn chưa kịp thời; một số gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công trong CAND còn nhiều khó khăn trong cuộc sống hoặc chưa được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của xã hội, cộng đồng; một số trường hợp người có công vì nhiều lý do khách quan, chủ quan chưa được hưởng chế độ, chính sách kịp thời; nhiều hài cốt liệt sĩ CAND chưa xác định được danh tính, chưa được quy tập…

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, cấp ủy Đảng, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, cần xác định công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” không chỉ là chế độ, chính sách mà còn là một nội dung rất quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, góp phần giáo dục truyền thống, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng nhân ái, nghĩa tình, thủy chung của mỗi CBCS CAND đối với đồng chí, đồng đội và đối với nhân dân.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chính sách hậu phương Công an và phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”; cuộc vận động “CAND học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, đưa hoạt động chăm sóc, tri ân, hỗ trợ các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công ngày càng trở thành nét đẹp văn hóa trong thái độ và việc làm của CBCS toàn lực lượng CAND.

Hai là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với chính quyền các địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách hậu phương Công an, trọng tâm là bảo đảm chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công. Tích cực trao đổi thông tin, tìm kiếm, xác định và quy tập hài cốt liệt sĩ CAND còn nằm lại các chiến trường trong cả nước và trên đất bạn.

Chủ động rà soát, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trong CAND, nhất là quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh; xác minh thông tin người tham gia cách mạng bị mất tin, mất tích, lý lịch nhân thân trong quá trình xác lập hồ sơ đề nghị công nhận người có công, bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, đúng quy định. Khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công.

Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở các đơn vị, Công an địa phương, trong đó có cán bộ trực tiếp làm công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và làm tham mưu, theo dõi về phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” thực sự là những cán bộ nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm cao, trung thực, tỉ mỉ, thận trọng, tận tụy, hiểu biết về nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực công tác rất đặc thù, nhạy cảm này; và quan trọng hơn cả đó là luôn biết cảm thông và chia sẻ, yêu thương với đối tượng chính sách.

Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), lực lượng CAND nguyện không ngừng phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải: “quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng”(3), coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi CBCS CAND.

Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文