Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng
Những diễn biến gần đây cũng cho thấy, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh trên không gian mạng và các quốc gia phải xây dựng hệ thống phòng thủ bảo vệ vững chắc đễ sẵn sàng ứng phó với hình thức chiến tranh này. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài lực lượng công an; đại diện lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam; các Cục, vụ, viện, trường CAND và CA một số địa phương.
Trong lời đề dẫn, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Thư, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an cho biết, trước tình hình an ninh, an toàn thông tin mạng diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm sử dụng internet xâm phạm ANQG, TTATXH không ngừng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đồng bộ các biện pháp công tác để nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh với các đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, chủ động phòng ngừa hoạt động sử dụng Internet xâm phạm ANQG.
Tình hình an ninh, an toàn thông tin mạng diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến ANTT. Đáng lưu ý là các thế lực thù địch, phản động tăng cường tuyển truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên không gian mạng, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như cài mã độc trên trang thông tin điện tử, trong qùa tặng, giả mạo email của các cơ quan nhà nước, sử dụng các phần mềm, công cụ miễn phí trên Ineternet… để tấn công, thâm nhập hệ thống mạng thông tin trọng yếu của Đảng, Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tài chính, ngân hàng để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước, gây ảnh hưởng xấu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tội phạm công nghệ cao hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, vượt qua hệ thống kiểm soát an ninh, chiếm quyền quản trị mạng, thay đổi nội dung trên các web… để trục lợi, tống tiền doanh nghiệp.
Các đại biểu, nhà khoa học tham gia Hội thảo khoa học an ninh, an toàn thông tin mạng do Viện Chiến lược và Khoa học Công an tổ chức sáng 15/10. |
Thiếu tướng Trần Minh Thư đề nghị các nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài ngành tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình an ninh, an toàn thông tin mạng ở Việt Nam hiện nay, chỉ rõ các mối nguy cơ đe dọa đối với an ninh, an toàn thông tin trong nước và quốc tế; những tác động của nó tới công tác đảm bảo ANTT; những tồn tại và kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong mối liên hệ với Việt Nam. Đặc biệt dự báo tình hình và những yếu tố tác động tới công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng ở Việt Nam; những thách thức đối với an ninh, an toàn thông tin; phương thức, thủ đoạn mà bọn tội phạm mạng tiến hành các hoạt động xâm phạm ANQG, trật tự ATXH đối với Việt Nam; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng và thực hiện có hiệu qủa Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng.
Tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an (A68) cho biết, qua công tác nghiệp vụ, đã phát hiện hoạt động tấn công hệ thống mạng thông tin Việt Nam gia tăng mạnh về số lượng, hình thức tinh vi và có tính tổ chức. Cục A 68 cũng chỉ ra nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng, bùng nổ Internet tại Việt Nam trong khi cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo an toàn, tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật; cùng với đó là hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, điều chỉnh thống nhất về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; ý thức bảo vệ an ninh, an toàn thông tin của người sử dụng chưa cao…
Các đại biểu, nhà khoa học tham dự Hội thảo, trong đó có Thiếu tướng, TS Đặng Vũ Sơn, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cùng có sự nhất trí cao trong việc bảo đảm an ninh, an toàn mạng cần được điều hành thống nhất ở cấp quốc gia, có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, và cần thiết phải ban hành Luật An toàn thông tin.
Theo công bố mới nhất từ Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công thương, Việt Nam có khoảng 34 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỉ lệ 36% dân số và bằng 1,4% dân số thế giới, trở thành nước đứng thứ 18/20 quốc gia có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất trên thế giới, đứng thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng thứ ba ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). |