Người đem tuyệt kỹ Thiếu Lâm truyền cho lính hình sự
- Nữ võ sư và những bài quyền từ ghế, chổi, cuốc, xẻng…
- Võ sư Đoàn Đình Long: “Nếu được làm lại, tôi sẽ không huấn luyện thể thao đỉnh cao”1
- Võ sư, thầy thuốc Công an Trần Ngọc Cửu: Cả đời luyện đúc chữ Nhân
Võ sư Phi Ngọc Long cũng được lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai mời về dạy võ thuật cho lực lượng cảnh sát hình sự. Dù tuổi còn trẻ, nhưng ngoài vai trò là võ sư, anh còn là nha sĩ có tên tuổi ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Biển học vô bờ
Võ sư Phi Ngọc Long tên thật là Nguyễn Bá Ngọc, nguyên quán Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng. Phi Ngọc Long là tên do sư phụ, võ sư Nguyễn Minh Tuấn đặt.
Năm lên 8 tuổi, cậu bé Ngọc được cha dẫn đến thọ giáo võ thuật với võ sư Nguyễn Minh Tuấn, võ đường Long Tuấn thuộc môn phái Thiếu Lâm Bắc phái ở Lâm Đồng. Có thiên chất và năng khiếu võ thuật cùng niềm đam mê và sự khổ luyện, dưới sự dìu dắt tận tình của danh sư và sự kèm cặp của cha và cậu ruột, Ngọc tiến bộ rất nhanh.
Nhận thấy Ngọc có tiềm năng và đam mê với võ thuật, võ sư Tuấn hết lòng truyền dạy những tuyệt kỹ của bổn phái cho cậu học trò. Năm 14 tuổi, sau khi học và nắm bắt thuần thục về ngoại công, Ngọc được thầy Tuấn dạy về khí công, nội công.
16 tuổi, Ngọc đã tham gia thi đấu trong đội tuyển của Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng. Năm 18 tuổi, Ngọc tạm biệt thầy và gia đình xuống TP Hồ Chí Minh theo học ngành y, chuyên khoa răng hàm mặt. Bắt đầu từ đây, con đường võ học của Ngọc bước sang một giai đoạn mới. Ngọc tìm đến nhiều danh sư trong làng võ Sài Gòn để xin thọ giáo thêm các kỹ năng của các môn phái khác để bổ sung cho nền tảng võ học của mình.
Võ sư Phi Ngọc Long trong một thế võ. |
Anh từng theo học võ công phái Nga Mi với võ sư Ngô Xuân Hiển ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; học quyền Anh với võ sư Nguyễn Tiến Minh, cựu vô địch quyền Anh. Học với các võ sư Nguyễn Văn Du, Nguyễn Võ Tấn Hùng... Rồi học Kickboxing, tham gia vào đội tuyển thi đấu võ cổ truyền của võ sư Hà Trọng Ngự. Càng học, Ngọc càng thấy biển học vô bờ.
Và niềm đam mê với khí công, nội công từ năm 14 tuổi luôn đau đáu, thôi thúc Ngọc phải khám phá, khổ luyện. Lúc này, những kiến thức về y lý, sinh học, phẫu thuật và đặc biệt là y học đã giúp Ngọc hiểu thêm về võ học, khí công, bởi võ học phương Đông luôn gắn kết với y lý và triết học âm dương.
Luyện võ tu thân
Một lần tình cờ trên đường đi về nhà thì xe máy của Ngọc bị thủng bánh không đi được phải dắt bộ một đoạn khá xa. Vừa đi, Ngọc vừa suy nghĩ miên man và bỗng ngộ ra rằng: Chiếc xe chạy được là nhờ có xăng và động cơ, cái đó ví như máu và tim của con người, như hệ tuần hoàn của cơ thể. Nhưng nếu không có không khí trong bánh xe, thì chiếc xe thành vô dụng. Xe cũng như người, không có không khí thì không sống được. Nó như hệ hô hấp. Do vậy cần biết cách thu khí và dẫn vào cơ thể. Đó là yếu quyết trong việc luyện khí công mà Ngọc chợt ngộ ra lúc đó?
Từ đó, vận dụng kiến thức y học, Phi Ngọc Long bắt đầu tập khí công. Khí công phải luyện vào sáng sớm hoặc buổi tối, vì lúc đó không khí trong lành, dễ luyện. Để luyện khí công anh phải thức khuya dậy sớm, miệt mài hàng năm trời bất kể nắng mưa và dần dần có tiến bộ. Hiện nay, ngoài môn Thiết đầu công, Ngọc có thể biểu diễn các tuyệt kỹ võ công khác như: Nhãn cốt công là dùng mí mắt nâng vật nặng lên. Ngọc có thể dùng mí mắt nhấc bổng hai thùng nước nặng trên 10kg và anh đang tập nâng cao, là dùng mắt kéo hẳn chiếc xe 4 chỗ; lấy thân mình uốn cong thanh sắt; dùng đầu đập vỡ gạch ngói; để đá tảng lên người rồi dùng búa đánh bể đá mà người không hề hấn gì...
Tuy nhiên để luyện được những tuyệt kỹ đó không hề đơn giản. Võ sư Phi Ngọc Long kể về quá trình mình khổ luyện môn Nhãn cốt công, tức dùng mí mắt nâng vật nặng: "Một lần, lúc còn ở ký túc xá, tôi nhìn thấy đồng tiền xu nên nhặt lên cầm chơi. Xoa xoa đồng xu trên tay một lúc, tôi nghĩ mình thử xỏ dây vào đồng xu, dùng mắt nâng vật nặng xem. Lúc đầu, tôi chưa dám đặt đồng xu mà dùng hai miếng nhựa đặt vào mắt cho quen. Sau mới đặt đồng xu vào. Mới đầu bị xót mắt, đau mắt mấy bữa luôn. Một thời gian sau, tôi đã biểu diễn được kỹ năng Nhãn cốt công. Đó là cho hai đồng xu vào mắt, hai đồng xu xỏ lỗ cột hai sợi dây có hai móc móc vào một cây quạt rồi nâng lên cho bạn bè xem. Họ tán thưởng tôi nhiệt tình và tôi thấy mình tự tin hơn. Sau nhiều năm tập luyện, tôi mới nâng được hai thùng nước nặng trên 10 kg".
Võ sư Phi Ngọc Long - người thứ ba bên phải ảnh - cùng các học trò trong một lần đi thi đấu. |
Ngoài biểu diễn võ công võ sư Phi Ngọc Long còn là một vận động viên thi đấu tự do ở môn phái võ cổ truyền, quyền Anh, Kickboxing và Muay Thái ... Anh đoạt trên 20 Huy chương Vàng ở các giải đấu. Năm 2006, Phi Ngọc Long đoạt Huy chương Bạc quốc gia ở nội dung thi đấu đối kháng hạng 57kg. Năm 2007, Ngọc Long đoạt Huy chương Vàng tại giải đấu quyền Anh toàn quốc tổ chức ở Phú Yên... Nhưng niềm đam mê lớn nhất của anh là khổ luyện thêm những tuyệt kỹ võ thuật và truyền thụ võ thuật cho mọi người.
Năm 2008, võ sư Phi Ngọc Long mở võ đường mang tên mình ở chùa Bửu Tháp số 99 nằm cạnh Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu tại xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học trò anh đến nay đã có hàng ngàn người theo học. Anh từng nhiều lần dẫn học trò đi thi đấu ở các giải võ thuật cổ truyền. Trong đó có vận động viên Lâm Thị Thúy Tuyên đoạt Huy chương Vàng tại giải thi đấu Võ thuật cổ truyền toàn quốc, tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa.....
Võ sư Phi Ngọc Long cũng từng mở lớp Kỹ năng tự vệ võ thuật miễn phí cho mọi người. Danh tiếng và uy tín trong làng võ của Phi Ngọc Long ngày một cao, anh được một đơn vị quân đội mời đến làm cố vấn võ thuật cho đơn vị.
Đem sở học giúp đời
Trong thời gian đi dạy võ, giao lưu biểu diễn võ thuật, võ sư Phi Ngọc Long quen biết với một người anh. Anh này tìm đến Ngọc để tìm hiểu và trao đổi thêm về khí công và cùng trao đổi võ thuật vì trước kia anh cũng đã từng học võ cùng võ sư Phan Thọ tại Bình Định. Một thời gian sau Phi Ngọc Long mới biết anh công tác ở Công an tỉnh Đồng Nai. Hai người dần trở nên thân thiết. Một thời gian sau, Ngọc nhận được lời mời từ Công an tỉnh Đồng Nai mời dạy cho các anh em Đội 7 Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội.
Lớp học gồm 30 học viên. Có những ngày anh em không đi công tác hoặc không phải làm nhiệm vụ thì có tới 50 người tham gia luyện tập. Trời mưa thì rút vào trong nhà, không khí tập luyện rất hăng say.
Võ thông thường và võ chiến đấu có sự khác biệt. Theo võ sư Phi Ngọc Long thì sự khác biệt khi dạy võ tại võ đường và dạy võ cho lực lượng công an chính là quy trình và phương thức dạy. Dạy võ tại võ đường là đào tạo ra các thế hệ võ sinh võ sĩ. Từ đây tìm ra võ sư nối nghiệp. Do đó cần có căn bản, luyện tập lâu dài. Học võ theo con đường chuyên nghiệp phải tôi luyện rất gian khổ. Người học võ phải hiểu rõ về lý thuyết, nắm được căn bản quyền thuật và các tuyệt kỹ của võ đường.
Võ sư Phi Ngọc Long đang huấn luyện võ thuật cho cảnh sát hình sự Đồng Nai (Ảnh do nhân vật cung cấp). |
Nhưng võ thuật thì chủ yếu nhằm mục đích chiến đấu nên thiên về tính thực chiến, thực dụng. Do vậy, khi dạy cho các cảnh sát hình sự, võ sư Phi Ngọc Long lược bớt đi rất nhiều các hình thức không cần thiết như không tập quyền thuật mà đi sâu vào yếu tố thực dụng, nhanh gọn nhẹ. Thậm chí đòn thế không hoa mỹ nhưng phải hiệu quả, đạt hiệu suất cao khi ra đòn. Chủ yếu dạy kỹ năng chiến đấu và tự vệ. Và biết các điểm yếu của cơ thể và huyệt đạo chính trong con người qua kiến thức y khoa.
Võ sư Phi Ngọc Long đã khổ công tổng hợp, kết hợp quyền Anh, Muay Thái và võ cổ truyền, Akido và kỹ thuật cầm nã thủ chụp bắt khống chế quăng quật… vào võ thuật, miễn sao hình thức chiến đấu nhanh gọn nhẹ với kết quả tốt nhất, nhằm mục đích khống chế tội phạm hiệu quả nhất, triệt phá các hình thức tấn công từ đối phương.
Ngoài ra, anh còn dạy các hình thức tránh né phá giải, chụp bắt đỡ các đòn dao búa tay không với tay không, tay không với binh khí, xử lý tình huống cấp bách, bảo vệ người thân bên cạnh và phá giải các hình thức khống chế của đối phương. Bên cạnh đó, họ còn được tập luyện thể lực và nâng cao các đòn thế ưu việt, luyện tập chuyên sâu, giảng dạy đối kháng trực tiếp theo luật tự do... và cách thức thi đấu đối kháng của từng bộ môn, phân tích các thế mạnh yếu của từng môn võ, nhằm đoán bắt được các sở trường sở đoản của đối phương, để tiện cho việc giao đấu và khi thực chiến.
Võ sư Phi Ngọc Long cảm thấy rất vui vì đem võ thuật đến nhiều hơn cho mọi người. Và đặc biệt là đem võ thuật đến đúng người cần dùng võ, đem võ thuật để cho người bảo vệ công lý, đem lại sự công bằng cho xã hội. Nhìn thấy những chiến sĩ công an sử dụng võ thuật để làm cẩm nang hỗ trợ cho công việc của mình thì thật là tuyệt vời. Võ sư Phi Ngọc Long bảo đấy cũng là một cách thực hiện chức năng công dân, đóng góp tích cực cho xã hội.
Ước muốn của võ sư Phi Ngọc Long là được cống hiến và đem niềm đam mê võ thuật của mình truyền đạt đến cho những người thật sự yêu võ và cần sử dụng võ như một cẩm nang sống, hoặc làm một hành trang cho bản thân của họ. Võ không phải là đấm đá. Võ nghệ không phải là những thứ thô bỉ mà là một nghệ thuật sống, là một kiến thức uyên thâm, hành trang bất tận.
Và để đạt được danh vị võ sư là phải có sự hài hòa giữa văn và võ, chứ không phải là võ phu, võ biền. Võ không phải là một cái nghề để kiếm tiền hoặc mưu sinh, mà võ là nghiệp. Ai lỡ mang nghiệp võ thì phải hy sinh nhiều lắm, đam mê lắm mới theo nó được, chứ nó nghèo và bạc lắm. Giỏi võ không chưa đủ. Phải có hai chữ đó là chữ Đức và chữ Nhẫn. Có hai chữ đó mới thành công trong võ học và thành người trong cuộc đời.
Võ sư Phi Ngọc Long từng mở lớp dạy tự vệ miễn phí 3 tháng cho công nhân, sinh viên và giới trẻ ở khu vực thành phố Biên Hòa và các khu công nghiệp tại võ đường của mình. Mục đích của anh là giúp cho anh chị em công nhân biết cách tự vệ cho chính bản thân mình, biết xử lý các tình huống cấp bách khi cần thiết và tránh cách tệ nạn xã hội. Lớp học từng thu hút rất đông người trẻ tham gia.