Người mẹ VNAH được Báo CAND phụng dưỡng 14 năm đã ra đi

10:34 02/11/2010
Vậy là mẹ Nhỡ - Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Nhỡ đã ra đi. Mẹ về với tổ tiên khi bước sang tuổi 89, cái tuổi như người đời thường nói "xưa nay hiếm".

Vẫn biết là sinh - tử, quy luật của cuộc đời, nhưng khi nghe tin mẹ ra đi, mỗi chúng tôi ở Báo CAND, nơi nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời vẫn thấy quá đột ngột. Còn với tôi, từ lúc 2h30' ngày 31/10, khi nhận điện của người thân mẹ báo tin dữ, tôi thấy thật chống chếnh, hẫng hụt.

Mẹ không phải là ruột thịt, máu mủ của một ai ở cơ quan, nhưng 14 năm nay, kể từ năm 1996 khi Báo CAND quyết định nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng suốt đời thì mẹ Đỗ Thị Nhỡ ở Xuân Trường, Nam Định và mẹ Mạc Thị Cát ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận trở thành một thành viên không thể thiếu của ngôi nhà chung Báo CAND. Tuổi cao, sức yếu, mẹ Cát đã ra đi mấy năm rồi, và hôm nay, chúng tôi lại phải ngậm ngùi vĩnh biệt mẹ Nhỡ.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Nhỡ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Báo CAND. (Ảnh tư liệu).

Quê mẹ Đỗ Thị Nhỡ ở xóm 23, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Cuộc đời mẹ tần tảo cùng người chồng là ông Phạm Bá Mịch làm lụng nuôi 8 người con, ba gái, năm trai. Đất nước có chiến tranh, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, mẹ lần lượt cho 4 người con nhập ngũ. Năm 1966, mẹ tiễn con trai cả Phạm Đình Phùng lên đường. Sau mấy tháng huấn luyện ngoài Bắc, anh hành quân lên Trường Sơn và vào Nam. Một thời gian bặt tin, năm 1968, mẹ nhận tin dữ, anh Phùng đã hy sinh ở mặt trận Nam Bộ. Lòng mẹ quặn đau, nhưng chiến tranh là vậy, mẹ nén chịu.

Năm 1968, con gái thứ hai Phạm Thị Nhâm xung phong nhập ngũ vào tuyến lửa khu 4. Thời  chiến, thư từ khi có khi không, bởi vậy lúc nào mẹ cũng hướng vào chiến trường. Năm 1971, khi chiến tranh đang độ ác liệt, người con thứ ba của mẹ, anh Phạm Đình Bảng đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Nghe chuyện, mẹ khuyên anh rằng: "Mẹ không cấm, nhưng anh cả đã hy sinh, chị hai đang trong chiến trường, cả nhà có mình con lớn, con nên ở nhà đỡ bố mẹ, nuôi cho các em ăn học, vài năm nữa đi sau". Không dám trái lời mẹ, Bảng không cãi, nhưng mấy ngày sau anh lại nài nỉ: "U cứ cho con đi, vài năm đất nước thống nhất, con về đỡ thầy u vẫn chưa muộn". Biết được tính con, mẹ đành chiều ý. Anh được bổ sung cho chiến trường Bình Trị Thiên. Những lá thư của anh gửi về cho gia đình cứ thưa dần và cuối năm 1974, mẹ lại xé lòng nhận tin anh Bảng đã hy sinh. Vậy là 2 khúc ruột mẹ mang nặng đẻ đau đã không còn.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ chỉ được đón người con gái trở về. Mẹ biết rằng, với gia đình mẹ, sự hy sinh của các anh là quá lớn, nhưng đất nước còn nhiều gia đình mất mát lớn hơn, vì vậy mẹ luôn lấy tấm gương hy sinh của anh Phùng, anh Bảng để dạy các con.

Năm 1978, sau 3 năm đất nước đã thống nhất, con trai thứ 4 của mẹ anh Phạm Văn Bổn xin gia nhập lực lượng Công an nhân dân. Anh được biên chế vào Tiểu đoàn 978, Ty Công an Lào Cai. Những tưởng thời bình, anh chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, không khốc liệt như chiến tranh. Nhưng không, chiến tranh biên giới đã xảy ra, trong một trận chiến đấu không cân sức, ngày 25/2/1979, anh cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh. Lại một lần nữa lòng mẹ quặn đâu. Vậy là ba người con của mẹ hy sinh.

Hai vợ chồng mẹ khô nước mắt khóc các con. Vốn là người cả nghĩ, năm 1982, ông Phạm Bá Mịch, chồng mẹ đổ bệnh rồi qua đời…

Suốt 14 năm nhận phụng dưỡng mẹ, tôi may mắn là một trong những người thường xuyên thay mặt cơ quan về thăm mẹ hay đón mẹ dưỡng bệnh, tham quan ở Hà Nội. Lần nào về, mẹ cũng hỏi thăm anh em trong tòa soạn. Nào là bác Vịnh, bác Ước, bác Thành, bác Lân, chị Hiển… và những bác sĩ ở Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an thường xuyên chăm sóc mẹ.

Mẹ rất xúc động trước sự quan tâm của các ban, ngành đoàn thể địa phương và Báo Công an nhân dân. Nhưng việc gì chúng tôi gợi ý, mẹ cũng sợ phiền. Nhiều lần bị ốm phải đi nằm viện mẹ không cho các con báo cho anh em cơ quan. Mẹ bảo: "Các bác nhiều việc, thông báo các bác lại về thêm mệt". Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập CAND, lãnh đạo Bộ Công an mời mẹ lên Thủ đô dự mít tinh, mẹ rất mừng…

Nhưng rồi tuổi cao, sức yếu, mấy tuần gần đây, một cơn tai biến nhẹ, khiến mẹ suy sụp. Ở tuổi sắp 90, sức khỏe của mẹ không vượt qua được bệnh tật. Dầu đã cạn và đèn đã tắt. Mẹ đã thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Với chúng tôi, những cán bộ, phóng viên Báo Công an nhân dân, sự ra đi của mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Nhỡ là mất một thành viên trong gia đình của báo. Qua bài viết này, chúng tôi xin dâng vong linh mẹ một nén hương thơm và chúc mẹ thanh thản nơi chín suối. Vĩnh biệt mẹ Nhỡ

P.V.M.

Sau gần 1 đêm nỗ lực tìm kiếm du khách nước ngoài đi lạc tại rừng Quốc Gia Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Lực lượng cứu nạn cứu hộ, Công an thị xã Sa Pa phối hợp cùng Vườn quốc gia Hoàng Liên đã tìm và đưa thành công ông Bryan Hanselman về địa điểm an toàn.

Hơn 2 năm kể từ khi nhận được phát động và thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đến nay, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận đỡ đầu 42 trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 5/11, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã xử phạt Công ty TNHH Bệnh viện Mary (số 166A đường Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) số tiền 95 triệu đồng; đình chỉ hoạt động cơ sở này trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 2 tháng; buộc cơ sở này tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Ngày 5/11/2024, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết đã phối hợp với UBND phường Tiến Thành tổ chức cho anh Trần Văn T., (SN 1986, thường trú xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài) xin lỗi công khai Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Đồng Xoài, do đã có hành vi xúc phạm, lăng mạ bằng lời nói đối với người thi hành công vụ.

Từ đêm qua đến sáng nay (5/11), tại TP Đà Nẵng có mưa lớn kéo dài gây ngập cục bộ trên nhiều tuyến đường, có đoạn ngập sâu gần 1m khiến người dân và phương tiện không thể lưu thông. Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã lập nhiều điểm chốt chặn một số tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở núi để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Mặc dù công tác quản lý người nghiện, cai nghiện và giúp những người lầm lỡ, cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, song đánh giá của Chính phủ và Bộ Công an cho thấy, hoạt động này vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là đặt trong bối cảnh tình hình sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và mua bán trái phép ma túy đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều “điểm nóng” cả ở khu vực và trên thế giới.

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, các đối tượng đã lập ra nhiều hội, nhóm, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích rao bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của các "doanh nghiệp ma" với nhiều loại mặt hàng khác nhau để thu lợi bất chính. Tổng cục Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và cơ quan Công an để đẩy lùi và chấm dứt nạn mua bán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文