Người nữ quản giáo giàu lòng nhân ái
Chưa đến 6 rưỡi sáng, ánh nắng chói chang của ngày hè đã rọi thẳng mặt người. Đại úy Đỗ Thị Hà - nữ quản giáo ở Phân trại 4 Trại giam số 5 (Thanh Hoá) dắt vội chiếc xe cất vào khu vực quy định rồi bước nhanh về phía Phân trại 4, nơi có các phạm nhân nữ chuẩn bị rời buồng giam đi lao động. Thoắt cái, những việc thường nhật đã được chị xử lý xong, nhưng chị không vội rời khu vực buồng giam như mọi lần, mà chầm chậm tiến về khu bệnh xá, nơi có hai phạm nhân ốm vừa được chuyển tới. Sự ân cần hỏi thăm, ân cần động viên, chia sẻ của người quản giáo như điểm tựa giúp hai phạm nhân vượt qua sự mệt mỏi.
Đại úy Hà tâm sự, sống và làm việc ở trại giam nữ này mới thấy rằng phụ nữ thiệt thòi nhiều. Có không ít phạm nhân chịu án 10-20 năm mà số lần người nhà vào thăm chỉ đếm chưa được một bàn tay, thậm chí có trường hợp người nhà chưa từng vào thăm. Bởi vậy, với vai trò là quản giáo, lại phận nữ như nhau, nên ngoài chuyện giáo dục phạm nhân, chị thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi động viên họ. Gặp những hoàn cảnh khó khăn như một mình sinh con trong trại, người nhà bỏ rơi thì chị em quản giáo đều có những món quà nhỏ như mấy bộ đồ cho trẻ sơ sinh, gói bánh, hộp sữa, thậm chí thức cả đêm bên giường bệnh, trò chuyện, chăm sóc họ, giúp họ vơi bớt phần nào sự mặc cảm và tủi phận.
Đại úy Đỗ Thị Hà thăm hỏi, động viên những phạm nhân mới sinh con. |
Nhớ lại tháng 2/1998, phân trại nữ (Trại giam số 5) được thành lập tách khỏi phân trại nam, Hà là một trong những người trẻ tuổi nhất đã mạnh dạn xin ra công tác tại phân trại này. Hồi đấy, chân ướt chân ráo về trại giam làm việc, những gì học được mới chỉ ở sách vở mà ra, còn thực tế công tác là cả một chuỗi sự việc khó bề tiên lượng được. Trong khi đó, công việc ở trại lại nhiều vấn đề khó lường nên khi gặp sự cố không biết hướng giải quyết thì rất bối rối, thậm chí hồi đó nhiều lần muốn khuyên can phạm nhân, họ không chịu, còn nói lại khiến Hà ức chế đến phát khóc. Nhưng cùng với sự giúp đỡ của lãnh đạo phân trại, lãnh đạo trại giam, những bỡ ngỡ ban đầu ấy dần cũng qua. Giờ đây, mỗi lần trong phân trại hay trong buồng giam nữ có phạm nhân mâu thuẫn, chị Hà thường trực tiếp vào giải quyết.
Để có thể hiểu rõ căn nguyên mọi chuyện, chị thường kiên trì đi tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề. Rồi sự vụ nào thấy có thể linh động giải hoà bằng tình cảm được thì gọi phạm nhân ra, phân tích, giúp hai bên hiểu nhau. Với những lỗi vi phạm nội quy trại giam, thì ngoài việc xử lý bằng lý trí, bằng quy định, chị phải nhanh chóng gặp gỡ phạm nhân lập biên bản, nếu cần thì tách phạm nhân ra.
Chị Hà bộc bạch, dù có gần, có thông cảm với phạm nhân đến mấy, song mình không được để tình cảm và công việc lẫn lộn. Khi phạm nhân vi phạm, đến mức độ cần xử lý là mình xử lý còn để làm gương cho những người khác, chứ không được lấn cấn, có như thế mới thể hiện được tính nghiêm minh.
Nếu như nữ làm quản giáo đội chỉ quản lý phạm nhân 8 tiếng trong một ngày thì những người quản giáo buồng như chị Hà, ngoài giờ làm việc chính, phải là người ở lại sau cùng, đợi đến khi phạm nhân vào buồng hết, yên ổn nghỉ ngơi, lúc đó mới được trở về nhà, đấy là chưa kể những ca trực đêm. Cũng chính vì gần phạm nhân gần như từ sáng đến đêm, nên để hiểu được từng phạm nhân thì phải nắm rõ hồ sơ từng người ngay từ đầu, biết đâu là lý do dẫn đến việc họ phải vào trại. Chẳng nói đâu xa, như trường hợp của phạm nhân Thu Thủy (Hải Phòng) với tội danh buôn bán ma túy, phải chịu mức án 20 năm tù giam. Không lâu sau, biết chồng cũng vào tù với tội danh và mức án nhiều hơn, phạm nhân Thủy trở nên hoang mang, ngày đêm tỏ thái độ bất cần, bất hợp tác, thậm chí còn có lúc đã nhen nhóm ý định tự vẫn. Đại úy Hà đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, rồi cùng ban lãnh đạo phân trại vào động viên, phân tích. Đến nay, Thủy cải tạo khá tốt, chấp hành tốt các quy định của trại đề ra.
Cần mẫn, tận tâm là vậy, nhưng chị Hà cũng như không ít nữ quản giáo trại giam phải chịu không ít thiệt thòi. Bởi lẽ, Yên Định là vùng núi đá có khí hậu khắc nghiệt. Mùa nắng thì nắng cháy da, cháy thịt, mùa mưa thì mưa xối xả, rét thì rét buốt thấu xương, nên chị em làm công tác quản giáo ở trại cũng phải gánh chịu cả. Ngay cả chuyện muốn đưa hai con nhỏ về thăm ông bà nội, cách đó chừng 200 cây số, mà vợ chồng chị cũng chỉ thực hiện được mỗi năm vài lần. Không dám nhắc nhiều đến từ thiệt thòi, nhưng chị cũng thừa nhận rằng, nữ quản giáo phải là người yêu nghề, phải được sự sẻ chia, cảm thông của gia đình thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ