Cục Cơ yếu, Bộ Công an đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước:

Những chiến công thầm lặng bảo mật và thông suốt thông tin

15:33 26/11/2014
Nửa đêm nhận lệnh lên đường, địa bàn công tác có khi là vùng sâu, vùng xa, có khi hoạt động trong môi trường nguy hiểm, người cán bộ, chiến sỹ (CBCS) làm công tác cơ yếu luôn tâm niệm, phải tuyệt đối bí mật, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ huy từ nơi trọng yếu của Bộ đến Công an các cấp. Trải qua gần 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lặng lẽ cống hiến, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, những người lính cơ yếu CAND luôn một lòng sắt son với Đảng, với nhân dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trực tiếp chiến đấu, phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy

Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, sau khi tổ chức mật mã đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 24/9/1945, tổ chức làm công tác mật mã của CAND cũng bắt đầu hình thành tại Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Trong quá trình xây dựng và chiến đấu, các tổ chức mật mã, sau này đổi thành Cơ yếu, của Bộ Công an đã phát triển ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.  Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 12/4/1975, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Cục Cơ yếu. Quá trình xây dựng, trưởng thành, các thế hệ CBCS cơ yếu CAND luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH).

Thầm lặng lập nên nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong suốt 20 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Cơ yếu CAND không chỉ trực tiếp chiến đấu, mà còn phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu của lực lượng CAND trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đấu tranh chống phản động, chống gián điệp, biệt kích tung ra phá hoại hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1954 đến năm 1957, lực lượng Cơ yếu CAND đã góp phần đắc lực giúp lực lượng Công an ở miền Bắc dập tắt 26 vụ “xưng vua”, “đón vua". Thời kỳ này, lực lượng Cơ yếu còn rất mỏng, đã căng sức làm việc hiệu quả, góp phần tích cực cùng các lực lượng CAND bảo đảm an ninh, trật tự; góp phần để chính sách dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững... Một trong những đóng góp nổi bật của lực lượng Cơ yếu chính là tham gia chống gián điệp, biệt kích (GĐBK). Ròng rã suốt 12 năm trời (1961 - 1973), Cơ yếu Bộ Công an đã cử 98 lượt CBCS trực tiếp tham gia hàng chục chuyên án chống GĐBK được lập ra ở các địa bàn hiểm trở, vùng sâu, vùng xa thuộc Khu 4, Tây Bắc, Việt Bắc. Trong cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt ấy, hai cán bộ cơ yếu là đồng chí Vũ Văn Tiếp và đồng chí Đỗ Lai Kiên hy sinh lúc tuổi đời còn rất trẻ.

Cơ yếu CAND đã cùng quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chống chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1972). Những ngày cuối đông 1972, Cơ yếu Bộ Công an cùng với Cơ yếu Công an các địa phương miền Bắc đã vững vàng bám trụ vị trí chiến đấu, bảo vệ an toàn tài liệu, thường trực ngày đêm, bảo đảm đường dây liên lạc mật mã không bị cắt đứt trong tình hình bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt... Góp phần vào thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không.

Năm 1959, Bộ Công an đã chọn cử 5 cán bộ có trình độ nghiên cứu được trang bị vũ khí và đào tạo nghiệp vụ lên đường chi viện cách mạng miền Nam. Sau đó, đơn vị đã đào tạo và cử hàng trăm CBCS nắm chắc nghiệp vụ tiếp bước nhau lên đường, chi viện cho chiến trường miền Nam. Mạng liên lạc Cơ yếu từ Bộ Công an tới An ninh các khu, tỉnh, thành phố miền Nam từng bước được kết nối và mở rộng; số CBCS được tuyển chọn, đào tạo nghiệp vụ kịp thời chi viện bảo đảm mạng lưới liên lạc hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, Cơ yếu CAND đã nghiên cứu, sáng tạo và sản xuất tài liệu nghiệp vụ độc lập, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công tác bảo mật thông tin. Hàng tấn tài liệu nghiệp vụ chi viện hằng năm cứ nối tiếp nhau theo các đoàn quân đi chiến trường B, theo các chuyến xe đặc biệt của Binh đoàn Trường Sơn, kịp thời cung cấp cho tiền tuyến để mạch máu liên lạc từ Bộ Công an với An ninh miền Nam luôn được kết nối an toàn.

Lãnh đạo Cục Cơ yếu kiểm tra công tác bảo mật, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Trong qua những năm tháng khốc liệt ấy, cán bộ Cơ yếu CAND công tác tại Trung tâm Bộ cũng như ở các địa bàn, dù trong điều kiện nào, dù phải hy sinh đến tính mạng của mình cũng đều nêu cao quyết tâm bảo vệ an toàn tài liệu, không để mất mát, không để lọt vào tay địch. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cơ yếu CAND đã có 24 CBCS anh dũng hy sinh  Một đồng chí Cơ yếu Công an tỉnh Phú Yên bị pháo địch bắn gãy chân vẫn bình tĩnh bảo vệ tài liệu mật mã; Cơ yếu An ninh Trung ương Cục bí mật đột nhập vào nơi địch tạm trú quân càn quét để lấy tài liệu cất giấu chuyển đi nơi khác an toàn. Đặc biệt, tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Đinh Hoàng Quý, Cơ yếu An ninh Kiến Tường (Khu 8) trong một trận càn đầu năm 1966, không may bị lọt vào tay địch đã dũng cảm bảo vệ tài liệu mật mã.

Nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách, hiện đại hóa liên lạc Cơ yếu

Trong công cuộc đổi mới, Cục Cơ yếu luôn được Bộ Công an và các cấp quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phương tiện, máy móc hiện đại phù hợp với sự phát triển đa dạng của công nghệ thông tin. Hiện nay, dù ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo khó khăn phức tạp, nhưng CBCS Cơ yếu Công an vẫn phục vụ tốt yêu cầu bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu của cấp ủy và thủ trưởng Công an các cấp trong mọi tình huống. Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay, Cục Cơ yếu đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ tiếp tục củng cố hiện đại hóa mạng liên lạc cơ yếu; đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các sản phẩm bảo mật các hệ thống kỹ thuật thông tin; tăng cường phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện các văn bản quản lý nhà nước về công tác cơ yếu. Trên cơ sở đó, Cơ yếu CAND quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, nhanh chóng triển khai các mặt công tác đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm cho từng địa bàn trọng điểm.  

Thiếu tướng Đào Mạnh Tuấn, Cục trưởng Cục Cơ yếu cho biết, chặng đường gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trên mặt trận thầm lặng nhưng đầy gian nan thử thách, lực lượng Cơ yếu CAND nói chung, CBCS Cục Cơ yếu nói riêng đã kế thừa và phát huy truyền thống “trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo”, sự cống hiến của những tấm gương mẫu mực thuộc các thế hệ Cơ yếu Công an lớp trước đã không tiếc máu xương, không sợ khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ ANQG và sự bình yên của nhân dân…

Anh Hiếu - Kim Anh

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文