Những điểm mới của Luật CAND 2014 và việc triển khai thực hiện

09:36 05/12/2014
Báo CAND đã có bài giới thiệu về một số quy định mới về Luật CAND vừa được Quốc hội thông qua. Cuộc phỏng vấn với Đại tá.TS Nguyễn Xuân Toản, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp – thành viên Ban soạn thảo Luật, Tổ phó Tổ biên tập sau đây tiếp tục nêu rõ những điểm mới của Luật và việc triển khai thực hiện.

PV: Xin đồng chí cho biết, những điểm mới cơ bản trong Luật CAND vừa được Quốc hội thông qua?

Đại tá.TS Nguyễn Xuân Toản: Luật CAND sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có nhiều nội dung mới so với Luật CAND 2005. Tôi xin nêu một số điểm chính:

Về nghĩa vụ CAND: Luật CAND 2014 có quy định mới “công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND”, thay thế quy định “công dân phục vụ có thời hạn trong CAND” của Luật hiện hành. Luật xác định rõ đây là hình thức công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân (không phải hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự). Quy định này phù hợp với Hiến pháp 2013, xác định được nghĩa vụ của công dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm của CAND. Luật quy định “thủ tục tuyển chọn được áp dụng như đối với công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ”, đây cũng là điểm mới, Chính phủ sẽ quy định cụ thể, bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi và kế thừa. Việc tổ chức một Hội đồng chung để chọn cả công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ và nghĩa vụ CAND hay không sẽ do Quốc hội quyết định trong quá trình xây dựng dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sắp tới.

Về nhiệm vụ, quyền hạn CAND: Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của CAND với tư cách là một lực lượng thống nhất, trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành; đồng thời, bổ sung, cập nhật đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của CAND đã được quy định trong các luật chuyên ngành (Luật Thi hành án hình sự, Luật Cư trú, Luật Phòng chống khủng bố…) và “luật hoá” nhiệm vụ, quyền hạn của CAND đã được quy định trong các văn bản dưới luật được thực tiễn kiểm nghiệm trong nhiều năm qua (trong đó có Nghị định 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ). Quy định mới đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi của Luật; đồng thời, kỹ thuật lập pháp được đổi mới, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, lôgic.

Về tổ chức của CAND: Luật CAND 2014 có điểm mới bổ sung quy định về Cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và chỉnh lý quy định về Công an xã cho phù hợp với Hiến pháp. Theo đó, căn cứ yêu cầu công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Chính phủ sẽ quy định về thành lập tổ chức Cảnh sát PCCC cấp tỉnh (theo lộ trình và Đề án đã phê duyệt). Luật quy định Công an xã thuộc cơ cấu lực lượng CAND; khẳng định vị trí, vai trò của Công an xã; bổ sung quy định để tiến tới xây dựng Luật về Công an xã.

Về cấp bậc hàm cấp tướng sĩ quan CAND: Cấp bậc hàm của sĩ quan CAND, nhất là cấp hàm cấp tướng là nội dung được Bộ Chính trị chỉ đạo chặt chẽ, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, cân nhắc thận trọng, dư luận trong và ngoài xã hội quan tâm. Quá trình sửa đổi Luật hiện hành bảo đảm tuân thủ Hiến pháp 2013; bảo đảm tương quan giữa CAND và Quân đội nhân dân; kế thừa các quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Luật quy định chặt chẽ, cụ thể các vị trí, chức vụ của sỹ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. Các vị trí, chức vụ thuộc Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương và sỹ quan CAND biệt phái có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng đối với chức vụ của sĩ quan ở đơn vị thành lập mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Luật quy định thời hạn thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng và mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm; tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng không quá 57, trường hợp cao hơn khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước.

Luật Công an nhân dân 2014 sẽ góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

PV: Đồng chí hãy cho biết cụ thể về hạn tuổi phục vụ của CAND; chế độ chính sách được quy định trong Luật CAND 2014.

Đại tá.TS Nguyễn Xuân Toản: Điểm mới của Luật là quy định nâng tuổi phục vụ đối với nam và nữ sĩ quan cấp uý lên 53; chỉnh lý quy định kéo dài tuổi phục vụ của sĩ quan có cấp bậc hàm từ Thượng tá trở xuống do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi đối với một số trường hợp cho phù hợp với Bộ luật Lao động và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, theo đó, “sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp, nữ sĩ quan cấp tướng có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 60 đối với nam và hơn 55 đối với nữ theo quy định của Chính phủ; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước”.

Luật 2014 quy định về tiền lương đã được chỉnh lý so với Luật hiện hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc tách lương ra khỏi cấp bậc hàm. Theo đó, tiền lương của sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp được tính theo chức vụ, chức danh đảm bảo nhiệm vụ và cấp bậc hàm, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của CAND. Cùng đó, Luật quy định sĩ quan được hưởng trợ cấp, phụ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và trợ cấp, phụ cấp đặc thù Công an. Luật bổ sung quy định sĩ quan nghiệp vụ và chuyên môn kỹ thuật được hưởng phụ cấp nhà ở, được bảo đảm nhà ở công vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ CAND được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Luật đã bổ sung quy định chính sách đối với thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ CAND đang công tác mà hy sinh, từ trần.

Ngoài ra, trong Luật CAND 2014 còn có nhiều điểm mới khác về nội dung và hình thức, kỹ thuật văn bản.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết, để Luật CAND 2014 đi vào cuộc sống, việc ban hành các văn bản hướng dẫn được thực hiện như thế nào?

Đại tá.TS Nguyễn Xuân Toản: Để Luật CAND đi vào cuộc sống, Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công an cần phải tiến hành nhiều việc, trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Trước hết, phải rà soát các nội dung của Luật cần có văn bản quy định chi tiết; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật CAND, trong đó dự kiến các văn bản cần xây dựng. Thực hiện quyết định của Bộ, các đơn vị khẩn trương tổ chức soạn thảo các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an; phối hợp soạn thảo các thông tư liên tịch… để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an và cơ quan có thẩm quyền ban hành. Về tiến độ, cần phải tiến hành khẩn trương một số nội dung cần được quy định chi tiết, hướng dẫn sớm để triển khai thực hiện. Đồng thời, phải tổ chức rà soát các văn bản đã ban hành hướng dẫn Luật CAND hiện hành để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với quy định của Luật CAND 2014.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Cao Hồng (Thực hiện)

Chiều 24/4, Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Học viện Chính trị CAND. Nhân dịp này, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi lẵng hoa chúc mừng.

Liên quan đến việc 2 phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy xưởng gỗ tại thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, chiều 24/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã triệu tập 2 đối tượng có liên quan gồm Đỗ Mạnh Hoàng và Trần Văn Đức (cùng SN 1978, ở tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì).

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ khẳng định nhận thức và quyết tâm chính trị của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là vô cùng quan trọng, có yếu tố quyết định đến sự thành bại của Đề án 06, chuyển đổi số. Đồng thời đề nghị phải sớm số hóa dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Sau 1 tuần xét xử và nghị án, chiều 24/4, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo là bác sỹ và bảo vệ Trung tâm Y tế huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, cùng 4 bị cáo là cộng tác viên Trung tâm dạy nghề Thanh niên Kiên Giang và Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Kiên Giang tổng cộng 68 năm tù về tội Giả mạo trong công tác.

Chiều 24/4, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Đình Hải (SN 1998, trú phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, Cơ quan Công an xác định đối tượng đã mạo danh một ni cô để quyên tiền từ thiện và chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文