Nữ Đại tá Công an có tài hòa giải

07:17 19/12/2019
Đại tá Phùng Thị Kim Thoa, hiện đang là Tổ trưởng tổ dân phố 76, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) mở đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng hồi ức đẹp đẽ về những năm tháng công tác trong lực lượng CAND...


Có lẽ, “chất lính” đã giúp bà luôn nhiệt thành tham gia các hoạt động vì cộng đồng ở nơi cư trú khi đang công tác cũng như lúc nghỉ hưu, với sự chân thành và nỗ lực nghiêm túc.

Từng xuất hiện với những vai diễn ấn tượng, đa chiều trong nhiều bộ phim truyền hình, nghệ sĩ Phùng Thị Kim Thoa nguyên là Phó phòng 1 Cục Công tác Chính trị, Bộ Công an. “Cô thấy mình có duyên với nghề công an. Có lẽ một phần bởi cô ảnh hưởng từ người cha, một người lính chiến trường. Và có lẽ cũng bởi cô yêu màu áo lính. Vì vậy mà trong 39 năm công tác của mình, cô đã có hơn 34 năm công tác trong lực lượng CAND”, Đại tá Kim Thoa chia sẻ.

Với bà, được làm việc và trưởng thành trong lực lượng Công an vừa là duyên, vừa là cơ hội lớn, giúp bồi đắp tinh thần trách nhiệm và kỹ năng làm việc chính quy, hiệu quả. Trở về sinh hoạt tại khu dân cư khi nghỉ hưu, những kinh nghiệm đã được người nghệ sĩ mang màu áo lính áp dụng linh hoạt vào thực tế công tác vận động quần chúng.

Hiện, Đại tá Kim Thoa đang là tổ trưởng tổ dân phố 76, thành viên ban hòa giải khu dân cư 20, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Nói về công việc hiện tại của mình, bà Kim Thoa chia sẻ: “Làm công tác tại địa phương, mà nhất là làm hòa giải viên chẳng khác gì ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhưng mà vui!”.

Dù đã nghỉ hưu, song bà Kim Thoa luôn tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư.

Quả thật, là một hòa giải viên trên cương vị tổ trưởng dân phố, Đại tá Kim Thoa luôn trong trạng thái “trực chiến” mỗi ngày, sẵn sàng tư vấn giải quyết từ chuyện mâu thuẫn gia đình, phân chia tài sản, tranh chấp đất đai... “Khi kinh tế phát triển hơn, đường sá được mở rộng, có gia đình từ trong hẻm sâu trở thành mặt phố, còn gia đình khác lại phải dọn đi. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó. Người ta tiếc nhau mét đất, ganh nhau chốn làm ăn, chẳng ai chịu thiệt. Đó là khi hòa giải viên phải vào cuộc”, bà Kim Thoa kể lại.

“Bản thân cô khi làm tổ trưởng cũng gặp phải tình huống dở khóc dở cười, khi vận động bà con đóng tiền thu gom rác thải, để rồi bà con lại mang rác để ngay trước cửa nhà mình. Hay như có những lần giải quyết tranh chấp tài sản, người dân không hiểu chuyện, lại nghĩ mình vì tư lợi mà bênh vực bên A, vì ghét bỏ nên nói bên B không đúng, rồi phán xét mình bằng lời lẽ không hay”, người nữ Công an trầm tư nói về những ca hòa giải khó.

Vậy điều gì đã giúp và vượt qua những phán xét và tiếp tục công tác hòa giải viên của mình? “Cô nghĩ, đầu tiên là sự thấu hiểu. Là một tổ trưởng, mình là người gần dân nhất, hiểu dân nhất, và cũng là người sẽ đưa tiếng nói của dân đến với chính quyền. Khi chúng ta hiểu dân, chúng ta sẽ giải quyết thấu đáo”, Đại tá Kim Thoa chia sẻ.

Chính danh dự và trách nhiệm của một người chiến sĩ công an đã giúp bà vững vàng, tự tin đi hòa giải, “tháo ngòi nổ” những mâu thuẫn ở địa bàn dân cư. “Cô bắt đầu công tác tại địa phương từ khi vẫn đang là Công an, và hiện đang kiêm nhiệm nhiều vị trí tại hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và giờ là tổ hòa giải. Được giao nhiệm vụ là vinh dự, nhưng hoàn thành tốt là trách nhiệm và áp lực. Mình phải sống và làm việc để xứng đáng với danh dự của người chiến sỹ Công an”, Đại tá Kim Thoa nói.

Và có lẽ, chính tấm lòng và ý thức trách nhiệm đã giúp bà gặt hái được những thành công trong các hoạt động tại địa phương: Tổ dân phố 76 là một trong những tổ dân phố đoàn kết, người dân tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, giữ gìn ANTT tại cơ sở.

Niềm vui với bà Kim Thoa cũng thật giản dị, là những buổi chiều cùng chồng đi dạo quanh hồ, gặp cô bé hàng xóm véo von: “Cháu chào bà tổ trưởng ạ!”, hay là một lá thư cảm ơn đến muộn của một hộ dân trong xóm vì bà đã giúp giải quyết mâu thuẫn trong gia đình. “Làm hòa giải viên cũng giống như anh điều tra viên của Công an chúng mình cháu ạ, mình phải vừa lắng nghe, vừa “đánh tỉa”, luôn nỗ lực để xung đột không xảy ra”, bà Kim Thoa hóm hỉnh nói về công việc hòa giải viên.

Đánh giá về những đóng góp của bà Kim Thoa, ông Phạm Văn Long, Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khu dân cư 20, phường Ô Chợ Dừa, khẳng định: “Đồng chí Thoa có phương pháp làm việc rất khéo léo để có thể vận động nhân dân ủng hộ các chủ trương chính sách, các hoạt động của địa phương.

Bản thân đồng chí Thoa cũng tạo được sự đồng thuận rất cao trong khu dân cư, điều mà một hòa giải viên cần có. Đồng chí luôn nhiệt tình và sáng tạo trong công tác với rất nhiều ý tưởng hay và mới, được áp dụng rộng rãi trong khu dân cư, thậm chí là trong phường, ví dụ như mô hình “hội phụ nữ nói không với túi nilon”. Chính sự năng nổ, sáng tạo của đồng chí đã góp phần làm cho hoạt động của khu dân cư khởi sắc, giúp tổ dân phố 76 trở thành một trong những tổ dân phố tiên tiến trên địa bàn”.

Những kinh nghiệm trong công tác tại địa phương đã giúp hòa giải viên Kim Thoa cùng đội của mình giành giải Nhất cuộc thi Chung khảo Hòa giải viên giỏi thành phố Hà Nội diễn ra hồi tháng 10 vừa qua. Kể lại với tôi những ngày dự thi, bà Thoa không quên nhắc đến một “gia đình thứ hai” đã đồng hành từ những ngày đầu luyện tập, đã dành thời gian đến cổ vũ bà trong suốt quá trình thi, gia đình ấy chính là Câu lạc bộ nữ Công an hưu trí Bộ Công an.

Kết thúc cuộc trò chuyện với tôi, bà Kim Thoa tâm sự: “Trưởng thành trong lực lượng Công an nhân dân, nên dù ở bất cứ cương vị nào, điều kiện công tác nào, dù mình không còn làm việc trong lực lượng hay về công tác tại địa phương, mình luôn cần phát huy vai trò trách nhiệm và quan trọng hơn cả là danh dự của một người chiến sĩ, đó là quyền, trách nhiệm, và niềm tự hào đối với cô”.

Những chia sẻ chân thành của “bà tổ trưởng”, một hòa giải viên năng nổ đã giúp tôi thêm trân quý tấm lòng và sự tận tụy bà dành cho cộng đồng, cũng như tình yêu của bà với màu áo lính.

An Nhiên

Hà Nội là một trong những đô thị đầu tiên áp dụng camera tích hợp AI giám sát, xử phạt hành vi đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định. Sau một tháng thực hiện dùng camera giám sát hành vi đổ rác không đúng nơi quy định tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, người dân đã có biến chuyển ý thức bước đầu. 

Chiều 2/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục biển, hải đảo và kiểm ngư tỉnh Cà Mau và Huỳnh Văn Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá - Chi cục thủy sản và chăn nuôi thú y (đều thuộc Sở NN&MT) về hành vi nhận hối lộ.

Israel chính thức khước từ đề nghị ngừng bắn với phong trào Hamas ở Dải Gaza và tiếp tục chiến dịch tấn công trên bộ với mục tiêu mở rộng "khu vực an ninh", động thái buộc người Palestine sinh sống tại đây tiếp tục phải di dời và đối mặt nguy cơ thương vong thường trực.

Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Cần Thơ đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 61 trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận dùng mạng xã hội đăng tải những nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức...

Sau một thời gian lắng xuống, thời gian gần đây, hàng loạt cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đồng loạt hoạt động trở lại, bất chấp các quy định của pháp luật.

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 24 dự án sử dụng vốn ngân sách đang trong tình trạng tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ… gây thất thoát, lãng phí. Trước thực trạng này, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu rà soát toàn bộ, xem xét xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức để dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài.

Hàng loạt vấn đề đặt ra thời gian qua đã cho thấy phải tính toán kỹ hơn về số môn đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam với mục tiêu Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Dù đã dự kiến 17 môn trọng điểm nhưng rất có thể nhà quản lý lại phải chọn lựa kỹ hơn.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng tích hợp tính năng quét QR, người tiêu dùng dễ dàng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm, hàng hóa. Ứng dụng mã QR cũng được coi là giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp quản lý quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng uy tín thương hiệu.

Bom đạn của những trận đánh khốc liệt đã cướp đi của ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1940, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) một con mắt. Chiến tranh còn “tặng” thêm cho ông hai mảnh đạn đồng. Hơn 50 năm qua, những mảnh đạn ấy đã trở thành một phần chứng tích của lịch sử, song hành cùng cơ thể của người cựu chiến binh quả cảm.

Ngày 2/4, Công an TP Hà Nội cho biết, một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lên đến gần 9 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online và lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò online.

Khu vực tòa nhà Hàm Cá Mập (Trung tâm Thương mại số 7 Đinh Tiên Hoàng) và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay, nằm sát bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, là một địa điểm chứa đựng nhiều biến động lịch sử quan trọng. Những thay đổi về kiến trúc và công năng qua các thời kỳ đã phản ánh rõ nét sự biến chuyển của lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.