Nữ trinh sát hình sự và những câu chuyện phá án
Chiếc ôtô sáng loáng lướt nhanh trên đường rồi dừng lại trước cửa một tiệm ăn sang trọng giữa trung tâm thành phố. Từ trên xe bước xuống là hai người đàn ông trung tuổi, ăn vận sành điệu… Sau khi đảo mắt quan sát, cả hai ung dung bước vào quán ăn mát lạnh, thưởng thức bữa trưa thịnh soạn. Ở bên ngoài, dưới cái nắng hè oi nồng bức bối, Đại úy Trần Thị Hằng cùng những đồng đội của chị ở Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) căng mắt dõi theo mọi di biến động từ nhà hàng đối diện. Lúc đó đã quá trưa, cơn đói càng thêm cồn cào. Hơn một tuần qua, bữa trưa của Hằng và các anh em tổ công tác chỉ là bánh mỳ được ăn chóng vánh trong điều kiện công tác như vậy… Khi Đại úy Hằng hoàn tất việc báo cáo kết quả với lãnh đạo đơn vị cũng là lúc thành phố đã lên đèn, chị tất tả trở về với mái ấm gia đình.
Những vụ án chưa rõ thủ phạm vốn là mảng công việc phức tạp, đòi hỏi ở người trinh sát lòng đam mê, sự nhiệt huyết, cũng như bản lĩnh trong những lần đối mặt với hiểm nguy. Một vụ án được xác lập đồng nghĩa với việc phải “chạy” theo án, nhận lệnh là lên đường, bất kể thời gian… Công việc này đối với một trinh sát nam cũng chẳng dễ dàng, với một người phụ nữ “chân yếu, tay mềm” cùng lúc phải đảm nhận thiên chức của một người vợ, người mẹ càng gian nan hơn nhiều. Tôi hỏi Đại úy Hằng, điều gì đã khiến chị đam mê cháy bỏng với công việc, chị chia sẻ: “Tôi có được một người chồng cùng ngành nghề, biết cảm thông và chia sẻ với công việc của vợ. Điều này là động lực giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Mười năm công tác tại Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an quận Hoàng Mai, Hằng đã cùng đồng đội tham gia khám phá hàng trăm vụ án. Sự nhiệt tình, lòng đam mê công việc của chị khiến không ít các đồng đội nam phải khâm phục. Theo dòng tâm sự, Hằng kể cho tôi một vụ án chị đặc biệt ấn tượng, vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng thông qua việc chạy dự án. Trong vụ việc này, Hằng là người được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, trực tiếp điều tra ngay từ ban đầu. Vụ án khám phá thành công đã ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp theo của những kẻ lừa đảo.
Chị kể lại: Hai đối tượng cầm đầu đường dây là Trần Ngọc Quyết (62 tuổi, trú tại Nghĩa Hưng, Nam Định) và Phan Ngọc Thực (44 tuổi, ở tại Quản Bạ, Hà Giang), đều là những kẻ từng trải, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra. Để huy động hàng trăm tỷ đồng thông qua việc chạy dự án, Quyết giả danh là Trưởng ban dự án, còn Thực là cán bộ Ban dự án của Chính phủ; giữa các đối tượng có sự phân công trách nhiệm cụ thể ở từng công đoạn, từ việc khảo sát thực tế, xem xét các dự án cần huy động vốn…
Các đối tượng “vẽ” ra trước mắt các chủ đầu tư những thông tin sai sự thật về việc chúng có thẩm quyền phê duyệt dự án và trình Thủ tướng Chính phủ ký giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi. Các chủ thầu muốn tham gia dự án với nguồn vốn ưu đãi do Chính phủ phê duyệt thì phải đưa tiền cho Quyết và Thực…
“Khi bị đưa về trụ sở, đối tượng đang sử dụng một chiếc xe ôtô biển kiểm soát 80B”, Đại úy Trần Thị Hằng kể lại. Để chứng minh được hành vi phạm tội của chúng, Hằng cùng đồng đội phải tốn công sức không nhỏ. Ngoài việc tỷ mỷ thu thập thông tin, ghi lời khai của từng người bị hại, còn phải chọn thời điểm đột phá buộc chúng phải tâm phục, khẩu phục.
Đại úy Trần Thị Hằng. |
Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, tháng 8/2005, Đại úy Hằng được phân công công tác tại Công an quận Hoàng Mai. Để bổ sung quân số cho lực lượng hình sự, chị được lãnh đạo đơn vị điều động về tổ án rõ đối tượng. “Vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu với Hằng thật vô cùng bỡ ngỡ, Hằng nhớ lại. Vụ án đầu tay cho đến bây giờ Hằng vẫn chẳng thể quên là vụ em trai lấy trộm tài sản của chị gái.
Những ngày đó, đêm nằm Hằng ngủ cũng mơ đến án với hàng trăm nỗi lo, lo hết hạn tạm giam, tạm giữ, rồi đấu tranh mở rộng vụ án… Những ngày đó, Hằng vừa làm vừa học, từ việc ghi cung, lấy lời khai. Sự giúp đỡ tận tình của những cán bộ đi trước, cộng với việc ham học hỏi đã giúp Hằng trưởng thành hơn trong nghề. Năm 2012, Hằng chuyển sang làm tại tổ án chưa rõ đối tượng.
Mới đây nhất phải kể đến việc điều tra làm rõ đường dây trộm cắp và mua bán gỗ sưa. Sau khi lập án, Hằng cùng đồng chí Đoàn Quang Thắng, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an quận Hoàng Mai, được giao nhiệm vụ nắm bắt toàn bộ hoạt động, thủ đoạn, thời gian, địa điểm gây án và tổ chức của các đối tượng. Đó là những ngày tháng vô cùng vất vả, các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp vào buổi tối, thời điểm thường là những lúc mưa gió… Trong khi đó, nhóm đối tượng đều là những kẻ lang thang, không nhà không cửa.
Qua nhiều ngày theo dõi, Đại úy Hằng cùng đồng đội đã dựng ổ nhóm gồm 9 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng trộm cắp và 2 đối tượng tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Kết quả, ngày 26/1, đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội đồng loạt bắt khám xét khẩn cấp và tạm giữ 6/7 đối tượng. Trong số này đáng chú ý là trường hợp Tạ Lưu Bang, là người Trung Quốc...
Cuộc nói chuyện giữa tôi với Đại úy Trần Thị Hằng bị ngắt quãng nửa chừng bởi một cuộc điện thoại gọi đến, chị và đồng đội lại chuẩn bị lên đường… Lính hình sự là như vậy, khi đã vào nghề là tự nguyện dấn thân. Và chỉ có lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết với công việc mới giúp họ gắn bó với nghề.