Hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực ASEAN

06:07 23/11/2020
Nằm trong khuôn khổ các hội nghị, hội thảo của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC14) do Bộ Công an chủ trì sẽ diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/11 theo hình thức trực tuyến. Nhân dịp này, Báo CAND giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự về sự hợp tác của các quốc gia ASEAN trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.


Đứng trước những thách thức an ninh phi truyền thống, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có tội phạm mua bán người, các nước trong khu vực ASEAN đều xác định tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở từng nước nói riêng và đảm bảo môi trường ổn định, hòa bình và phát triển khu vực nói chung.

Những năm gần đây, tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là tình trạng mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang các nước châu Âu. 

Theo số liệu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do tác động của các hoạt động khủng bố, xung đột và bạo lực ở nhiều quốc gia. Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng hơn 500 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán). Khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Công (trong đó có Việt Nam) vẫn bị coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la/năm.

Năm 2020, mặc dù nhiều nước trong khu vực và thế giới thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người có hiều hướng giảm, nhưng do tính chất siêu lợi nhuận của hoạt động mua bán người, các đối tượng phạm tội thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật và hình thành nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp. Những diễn biến trên đòi hỏi sự hợp tác không chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN mà rộng hơn nữa là hợp tác đa phương giữa ASEAN với các nước, tổ chức quốc tế ngoài khu vực nhằm phát huy mọi nguồn lực tổng hợp để đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này.

Thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an Việt Nam, với vai trò là Cơ quan Thường trực Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình 130/CP) theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, trong đó có Đề án 5 “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người” và đạt được một số kết quả đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, đã làm tốt công tác tham mưu trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan và Trung Quốc; tham mưu Chính phủ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Bản ghi nhớ; hiện đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Malaysia, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar về hợp tác phòng, chống mua bán người.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (Công ước ACTIP), Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền phòng ngừa; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người phù hợp thực tiễn và tương thích với Công ước TOC.

Thứ hai, tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động ưu tiên hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người với Cảnh sát các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan trên cơ sở các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, trong đó trọng tâm là trao đổi thông tin, thành lập các nhóm công tác chung chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của phía bạn phối hợp điều tra, truy bắt các đối tượng phạm tội, giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tổ chức hội nghị thường niên với các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc đánh giá kết quả phối hợp thực hiện các Hiệp định; tham dự Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về hợp tác song phương nhằm loại trừ mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị mua bán.

Riêng đối với Trung Quốc, đã luân phiên tổ chức các hội nghị triển khai và tổng kết cao điểm phối hợp tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, đảm bảo cơ chế trao đổi thông tin kịp thời trong đấu tranh, triệt phá các chuyên án, vụ án mua bán người giữa hai nước. 

Đặc biệt, đã thiết lập đường dây nóng giữa Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra hình sự, Bộ Công an Trung Quốc để tăng cường, xử lý có hiệu quả các thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người và nạn nhân nghi bị mua bán.

Ngoài ra, đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người, trong đó có việc triển khai Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ hiện đại: Tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” tại 05 địa phương trong cả nước.

Thứ ba, đã triển khai thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm các khuôn khổ hợp tác đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người như: Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và Thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn (GCRs) do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng, chống di cư trái phép và buôn bán người, bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư; tham dự Hội nghị Ban chỉ đạo Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng trong phòng, chống mua bán người Tiểu vùng sông Mê Công (COMMIT) và Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 13 các nước Tiểu vùng sông Mê Công về phòng, chống mua bán người; tham dự Cuộc họp cao cấp Dự án Mê Công về phòng, chống mua bán người do INTERPOL tổ chức theo hình thức trực tuyến và một số hội thảo, diễn đàn quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, xác định cơ chế trao đổi thông tin, tăng cường đối thoại, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng cho công tác phòng, chống mua bán người.

Thứ tư, trong hợp tác trao đổi thông tin và phối hợp điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL, nhất là lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan đại diện ngoại giao các nước láng giềng, nước có đông nạn nhân là người Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

Công an các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia, Lào và Trung Quốc đã tiến hành hàng chục cuộc giao ban định kỳ, đột xuất, hàng trăm cuộc điện thoại đường dây nóng trao đổi thông tin, tình hình tội phạm mua bán người, giải cứu, trao trả nạn nhân và kiểm soát xuất, nhập cảnh qua biên giới.

Nhìn chung, công tác hợp tác quốc tế đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần đấu tranh có hiệu quả tội phạm mua bán người. Thời gian tới, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn tình hình an ninh, trật tự trong khu vực. Tội phạm mua bán người tuy có chiều hướng giảm do giãn cách xã hội nhưng các đối tượng phạm tội sẽ tiếp tục câu kết chặt chẽ giữa trong và ngoài nước, tận dụng công nghệ cao và không gian mạng, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn mới nhằm che giấu hoạt động phạm tội, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Do vậy, để phát huy hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình hiện nay, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa các nước trong và ngoài khu vực; nghiên cứu, mở rộng các cơ chế hợp tác song phương với các nước, tổ chức quốc tế khác trên thế giới về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng nhằm tận dụng mọi nguồn lực, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Chính phủ, lực lượng Cảnh sát các nước trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, cung cấp trang thiết bị cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Việt Nam cần tích cực, chủ động tăng cường tham gia và đóng góp nhiều sáng kiến hơn vào các diễn đàn và khuôn khổ hợp tác đa phương về phòng, chống mua bán người nhằm nắm bắt, cập nhập, bổ sung các nghị quyết, chính sách và chiến lược hợp tác mới về phòng, chống mua bán người trên thế giới để đề xuất vận dụng phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Điều quan trọng là xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong việc tổ chức triển khai các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người và tham mưu giúp lực lượng Cảnh sát Việt Nam tham gia một cách chủ động, tích cực tiến trình hội nhập khu vực về đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文