Mưa lũ nhiều tuyến đường miền Trung lại ngập sâu trong nước

17:11 17/10/2020
Ngày 17/10, ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, mưa lớn nhiều ngày qua đã khiến nhiều điểm hai bên QL9 sụt lún ta luy âm và sạt lở đất, đá sườn núi. Tại các Km44, 50+500 và 50+900 trên tuyến đường này, những quả đồi cao bất ngờ đổ sụp xuống lòng đường. Rất may tại thời điểm đó không có người, phương tiện qua lại. 

Sau đó, một số điểm khác trên tuyến đường này cũng xảy ra rạn nứt, sụt lún nền và ta luy âm. Tình trạng này đã khiến giao thông với hàng chục phương tiện cơ giới nối đuôi nhau ách tắc hàng cây số. 

Các lực lượng Công an huyện, Công an các đơn vị xã phối hợp Chi cục quản lý đường bộ 2.5 tổ chức nhân lực, phương tiện khẩn trương khắc phục sự cố, giải phóng cho xe cộ qua lại hết các điểm này đồng thời tổ chức rào chắn, cắm biển báo ngăn người dân và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.

Xã vùng cao A Ngo, huyện Đakrông bị ngập sâu trở lại.

Tại các xã thấp lũ Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc và các khu dân cư ven các bìa rừng, sông, suối thuộc xã vùng cao A Ngo, Đakrông cũng bị ngập lụt nặng trở lại. 

Đêm 16 và ngày 17/10, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu. Công an xã ở đây cũng đã tổ chức lực lượng cắm biển báo, dựng hàng rào và ứng trực không cho người, phương tiện qua lại, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân. 

Tại huyện Hướng Hóa, mưa lớn vẫn diễn ra trên diện rộng, khoảng 5h sáng 17/10, núi Tà Rùng ở xã Húc bỗng phát ra tiếng nổ lớn, trong tích tắc đất, đá kèm theo lũ quét đã vùi lấp ngôi nhà của gia đình bà Hồ Thị La Ham (người đồng bào Vân Kiều) ở thôn này. Bà Ham đã cố hết hết sức ôm đứa con gái mới 2 tuổi ra khỏi đống đổ nát và lầy lội bùn đất để chạy. Nhưng rất không may, con bà do bị thương quá nặng đã không qua khỏi, còn bà bị gãy tay, sau đó được lực lượng Công an xã Húc và người dân địa phương cứu nạn kịp thời. 

Đến 9h sáng cùng ngày, cầu tràn Ván Ri dẫn đến thôn Tà Rùng cũng đã bị lũ quét làm gãy, gây chia cắt hoàn toàn. Rất may, cùng với việc cứu nạn bà Ham, lực lượng Công an xã phối hợp Bộ đội Biên phòng đã đưa toàn bộ người dân ở đây đi trú tránh lũ, sạt lở núi ngay từ lúc đó.

QL9 bị ngập sâu nhiều đoạn và xảy ra rạn nứt nền đường, sụt lún ta luy âm và sạt lở đất, đá sườn núi gây tê liệt giao thông trên tuyến.

Thượng tá Hồ Sỹ Nhung, Trưởng Công an huyện Hướng Hóa cho hay, trước đó vào đêm 13/10, sạt núi cũng đã xảy ra trên địa bàn xã Húc làm sập đổ và vùi lấp 2 căn phòng của khu nội trú trường Phổ thông Dân tộc bán trú Húc. Đơn vị đã tiến hành khảo sát địa hình, di dời, sơ tán người dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng và khuyến cáo người dân chủ động cùng với các lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại chỗ theo dõi sát sao mọi tình hình mưa lũ nhằm ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, do nhân lực và phương tiện hỗ trợ của đơn vị có hạn, nên vẫn không đề phòng hết được các tình huống rủi ro do thiên tai gây ra.

Ngập lụt ở xã Ba Long, huyện miền núi Đakrông ngày 17/10.

Cũng trong sáng 17/10, do ảnh hưởng của mưa lũ, tại Quảng Trị đã xảy ra sạt lở đường sắt nghiêm trọng. Do đó, đường sắt Bắc-Nam đến thời điểm hiện tại đang bị gián đoạn, các đoàn tàu được lệnh cắt ở Huế và Đông Hà (Quảng Trị) để chờ xử lý sự cố. Tại TP Đông Hà, chợ lớn Đông Hà và nhiều khu dân cư thuộc các phường thấp lũ Đông Giang, Đông Thanh, Đông Lễ tiếp tục bị ngập nặng do mưa lớn kéo dài. 

Các lực lượng Công an, Quân đội, Thanh niên xung kích tiếp tục cứu nạn, cứu hộ, di dời, sơ tán dân đi tránh lũ. Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, riêng trong sáng 17/10, các lực lượng đã cứu nạn, di dời hơn 300 hộ ở các địa phương nói trên bị ngập lụt, bố trí bà con ăn, ở đảm bảo tại các hội trường khu phố, UBND các phường khu vực cao ráo.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng, chống bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị, trong đợt ngập lụt tăng thêm diện ngập từ ngày 15-17/10 là rất lớn. Cụ thể, toàn huyện Hải Lăng có 16.875 hộ ngập từ 0,2-3,0m; Gio Linh 477 hộ ngập từ 0,3m-0,5m; ĐaKrông 421 hộ ngập trên 1m; Vĩnh Linh 1.050 hộ ngập gần 1m... Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị có 17 người chết, 3 người mất tích và 6 người bị thương nặng do lũ dữ, lũ quét gây ra hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Công an huyện Triệu Phong tiếp tục cứu nạn, cứu hộ người dân trên địa bàn bị ngập lụt.
Công an Triệu Phong đưa người bị ốm vượt lũ đến bệnh viện cấp cứu.
Công an Triệu Phong giúp đỡ người dân những nơi lũ đã rút khắc phục hậu quả.
Thanh Bình

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới khi TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông (ATGT) để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của CBCS để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông

Quy định 3 chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng; bổ sung các loại vũ khí quân dụng; cắt giảm các giấy tờ, thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ... là một số điểm mới được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Sáng 29/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (SN 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (SN 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

100 sinh viên Học viện CSND đến hiến máu trong lễ phát động Chủ nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025. Chủ nhật Đỏ đã thu được hơn 400 nghìn đơn vị máu, phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho hàng trăm nghìn người bệnh trong suốt 16 năm qua.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Câu chuyện “lương, thưởng Tết cuối năm” luôn là vấn đề được hàng triệu người lao động quan tâm. Dù việc thưởng Tết không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam. Thưởng Tết cũng là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp, không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với nơi làm việc.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 161/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ. Nghị định sẽ có hiệu lực chính thức từ 1/1/2025.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文