Công an Lai Châu "4 cùng" giữ bình yên, xóa đói nghèo
Tháng tư, khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, vùng cao Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ đẹp lung linh trong tiết trời cuối xuân. Đây là một trong 6 xã trọng điểm phức tạp về ANTT mà Công an tỉnh Lai Châu đã triển khai kế hoạch tăng cường cán bộ xuống cơ sở để đảm bảo ANTT rất thành công. Từ 6 xã, hiện Lai Châu đã triển khai mở rộng thêm 11 xã của 6 huyện với 500 lượt CBCS có mặt ở địa bàn “bốn cùng” với dân để đảm bảo ANTT và tham gia củng cố chính trị cơ sở.
Những nỗ lực ở một xã trọng điểm
Theo chân cán bộ tăng cường của Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (PV28), Công an tỉnh Lai Châu xuống xã Tà Mít, huyện Tân Uyên chúng tôi mới thấu hiểu chặng đường gian khổ, vất vả của các anh để xây dựng được Tà Mít như ngày hôm nay.
Nhớ lại những ngày đầu vào Tà Mít tham gia củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Đại tá Nghiêm Xuân Thành, Trưởng Phòng PV28 chia sẻ: “Được giao phụ trách xã Tà Mít, một xã đặc biệt khó khăn khi có tới 100% bản đều là các hộ nằm trong vùng lòng hồ Thủy điện Bản Chát đã đặt ra cho CBCS của đơn vị rất nhiều thử thách.
CBCS Công an tỉnh Lai Châu tăng cường xuống cơ sở để giúp dân. |
Tà Mít cách thị trấn Tân Uyên 80km, mùa mưa không vào được đường bộ mà chỉ có cách thuê xuồng của dân để đi. Có lần anh em trong đơn vị vào đến giữa hồ thì xuồng chết máy, trời đêm tối không xác định được phương hướng, họ phải vớt khúc cây làm mái chèo, lấy điện thoại làm đèn mà đi trong đêm. Từ 3 giờ chiều mà đến 12h đêm mới tới nơi được”.
Tà Mít có 10 bản thì 6 bản phải di dời về tái định cư ở các xã ven đó, chỉ còn lại 4 bản với trên 249 hộ (1489 khẩu) tái định cư tại chỗ, vén đất lên cho các hộ canh tác. 100% dân số ở đây đều là đồng bào Dao, Thái, đời sống chủ yếu từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng và đánh bắt cá lòng hồ.
Diện tích lúa nương ít, gần như lúa nước không còn, lòng hồ ngập nên người dân không trồng cấy được gì. Đất chỉ còn trên đỉnh đồi phải san ra để làm nhà, xây trường, bệnh xá, trụ sở xã. Tiếp nhận địa bàn trong hoàn cảnh chồng chất khó khăn như vậy, điều đầu tiên mà Thượng tá Vũ Văn Giang, Phó trưởng Phòng PV28 cùng hai cấp dưới của mình gặp lãnh đạo chủ chốt của xã để quán triệt nội dung và đề nghị xã bố trí một buổi gặp các Trưởng bản, Bí thư chi bộ, Công an viên để phổ biến kế hoạch tăng cường cơ sở, đồng thời nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, xã hội của Tà Mít để thấy được những bất cập, khó khăn mà tìm ra điểm yếu củng cố.
Tà Mít giáp ranh với 7 xã của huyện Tân Uyên, Than Uyên và xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Do nước hồ bị bồi lấp nên người dân thường xuyên nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản chồng lấn, dẫn đến tranh chấp, gây rối mất ANTT. Sự phối hợp tuần tra, canh gác đảm bảo ANTT giữa các xã chưa đồng bộ khiến tình hình ngày càng phức tạp.
Đứng trước thực tế này, những cán bộ Công an tăng cường cơ sở của Phòng PV28 đã trao đổi với lãnh đạo xã giúp Công an xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo ANTT trên địa bàn các xã giáp ranh. Công an các xã tổ chức hội nghị ký kết và quy chế này đã trở thành quy ước chung để lãnh đạo các xã về tuyên truyền cho dân.
Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, người dân đã hiểu rõ quy định và trách nhiệm của mình nên đã chuyển biến rất tích cực. “Từ đó đến nay chưa xảy ra hiện tượng gây rối, tranh chấp, tất cả đều xử lý hài hòa lợi ích của người dân giữa các xã. Dân đã hiểu ra và không xích mích, gây rối, không kéo lồng bè của xã khác về ranh giới xã mình nữa. Đặc biệt là không còn xảy ra trộm cắp trong khu vực trông coi. Cả ba huyện đều đánh giá rất cao sáng kiến của chúng tôi”- đồng chí Giang vui vẻ cho biết.
Tuy Tà Mít hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng theo đồng chí Giang thì đời sống của người dân đã được nâng cao hơn trước, nguồn lương thực thực phẩm sản xuất ra đã đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong xã và một lượng nhỏ thủy sản đã xuất bán sang các xã lân cận.
Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và đang từng bước đẩy mạnh một số mô hình phát triển kinh tế; ANTT được bảo đảm, khiếu kiện trong dân giảm rất nhiều. Phòng PV28 luôn có 2 cán bộ luân phiên tăng cường cơ sở “bốn cùng” với dân để cùng với chính quyền giữ vững ổn định trật tự xã hội, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Năm 2013, Công an tỉnh Lai Châu triển khai “Kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo ANTT, phối hợp củng cố hệ thống chính trị cơ sở” ở 6 xã trọng điểm phức tạp về ANTT. Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh phụ trách xã Tà Tỏng, huyện Mường Tè và đồng chí Phó Giám đốc phụ trách xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ.
Bốn xã còn lại giao cho 4 đơn vị. Sau một thời gian triển khai, kế hoạch này này được đánh giá là một chủ trương, việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, được chính quyền cơ sở và quần chúng nhân dân khen ngợi. Năm 2015 Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo xây dựng triển khai nhân rộng ra 11 xã của 6 huyện là Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè.
Tính đến nay đã có trên 500 lượt CBCS có mặt ở địa bàn, một tháng có 2 đồng chí ở địa bàn thay nhau, nếu thời điểm có nhiều hoạt động chính trị, các đơn vị sẽ tăng cường thêm. Trực tiếp mỗi đơn vị có lãnh đạo cùng 3 đồng chí nằm ở cơ sở để đảm bảo công tác an ninh cơ sở.
Lai Châu có 108 xã, phường, thị trấn, trong đó có 74 xã, thị trấn được Bộ Công an xác định là địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT. Năm 2016, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các huyện rà soát xã nào chưa đủ tiêu chí và phức tạp về ANTT thì đề nghị 11 Chi bộ tiếp tục nhân rộng ra các xã còn lại.
“Chúng tôi đang tham mưu cho Ban Giám đốc chỉ đạo các Chi bộ được giao nhiệm vụ tăng cường đảm bảo ANTT, tham mưu cho Đảng ủy xã thành lập Chi bộ Công an xã. Đây là một trong những nội dung củng cố chính trị ở cơ sở, nâng cao vai trò của Công an xã” – đồng chí Giang nhấn mạnh.