Trại giam Tống Lê Chân bao dung với người lầm lỗi
Lần đầu tiên đến Trại giam Tống Lê Chân đóng ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), đứng trước một cơ ngơi: nơi làm việc, ăn ở của cán bô, chiến sĩ cũng như nơi ở, sinh hoạt của phạm nhân khang trang, sạch đẹp, chúng tôi không thể biết được "một thời gian nan, khó khăn, thiếu thốn" mà cán bộ, chiến sĩ đã và hiện đang công tác ở đây từng nếm trải.
Qua lời kể của Thượng tá Trần Đình Tâm, Giám thị Trại giam Tống Lê Chân và một số cán bộ khác - có thời gian 30 năm gắn bó với nơi này, chúng tôi chỉ hình dung được phần nào sự gian khổ đó mà thôi.
Với Thượng tá Trần Đình Tâm, đây không phải là lần gặp đầu tiên, ít ra chúng tôi cũng đã gặp gỡ, trò chuyện với anh 5 - 7 lần, lúc anh về TP HCM công tác, khi khác là ở Khu Di tích Ban An ninh TW Cục miền Nam ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh)... Nhưng lần nào cũng như lần nào mỗi lần đề cập đến viết bài về trại là anh tìm cách từ chối vậy.
Nói như vậy thôi song biết chúng tôi từ TP HCM đến anh cũng cung cấp cho chúng tôi về những việc đã làm của Trại giam Tống Lê Chân, về công tác đặc xá năm 2010 cũng như số lượng phạm nhân (378 người) đủ các điều kiện, tiêu chuẩn được đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước.
Để hoàn thành khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ quy trình, thủ tục, đúng pháp luật, từ Ban giám thị Trại Tống Lê Chân đến Ban chỉ huy các phân trại, đội chuyên môn nghiệp vụ đều phải làm việc ngoài giờ.
Phạm nhân thụ án ở Trại Tống Lê Chân phần lớn phạm các tội: cướp, cướp giật, trộm cắp, giết người; trong đó có gần 1/2 có tiền án (cá biệt có phạm nhân tới 6 tiền án), số lượng phạm nhân có HIV/AIDS chiếm tới 10%... do đó công tác quản lý, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn (nhất là số phạm nhân có HIV giai đoạn cuối bất cần đời, không chịu cải tạo). Khó khăn là vậy nhưng quy chế trại giam thì phải thực hiện nghiêm là chuyện không thể bàn cãi, cán bộ, chiến sĩ Trại Tống Lê Chân "khuất phục" các phạm nhân "cứng đầu" bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đầy tính nhân đạo và nhân văn.
Xây dựng hệ thống xử lý nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt của phạm nhân. |
Thượng tá Trần Đình Tâm đưa chúng tôi đi đến các phân trại tìm hiểu về hệ thống lò hơi phục vụ cho việc nấu ăn của phạm nhân, rồi nơi ăn ở, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, bệnh xá… dành cho phạm nhân.
Trên đường đi, anh nói với chúng tôi về hệ thống lò hơi phục vụ cho việc nấu ăn của phạm nhân, hiện đã trang bị cho đủ cả 3 phân trại, chi phí cho mỗi hệ thống hết 300 triệu đồng được trích từ quỹ sản xuất của trại. Việc xây dựng hệ thống lò hơi với mục đích cao nhất là đảm bảo vệ sinh ATTP, nâng cao chất lượng bữa ăn cho các phạm nhân và giảm bớt số người phục vụ...
Rời khỏi "bếp núc", Thượng tá Trần Đình Tâm đưa chúng tôi đến phân trại 3, nơi đang xây dựng hệ thống xử lý nước sạch với công suất 150m3/ngày, với chi phí lên đến 1 tỷ đồng (từ ngân sách nhà nước). Cán bộ, chiến sĩ của trại và các phạm nhân đang tích cực xây dựng để đưa hệ thống này vào sử dụng vào cuối tháng 9/2010.
Vào năm 2007, Trại giam Tống Lê Chân đã xây dựng 2 hệ thống xử lý nước sạch (hết 2 tỷ đồng) cung cấp nước sinh hoạt, ăn uống cho phạm nhân đảm bảo vệ sinh, để phạm nhân có sức khỏe yên tâm cải tạo. Đó là chưa kể tới ngoài tiêu chuẩn chế độ của Nhà nước, hàng tháng Trại giam Tống Lê Chân còn cho phạm nhân ăn thêm mỗi người trị giá 40.000 đồng. Vào những ngày lễ, Tết khẩu phần ăn của tất cả phạm nhân đều tăng lên nhiều lần…
Những phạm nhân "đạt thành tích xuất sắc trong cải tạo, học tập, lao động" không chỉ được biểu dương mà còn được khen thưởng bằng hiện vật là 50.000 đồng đưa vào sổ lưu ký. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xem tivi, đọc sách báo, tổ chức khám bệnh, điều trị bệnh cho phạm nhân được Trại giam Tống Lê Chân thực hiện tốt.
Theo Thượng tá Trần Đình Tâm: "Đây không chỉ có giá trị về vật chất, giúp cho phạm nhân có thêm sức khỏe, mà còn là nguồn động viên, khích lệ để phạm nhân an tâm cải tạo, chấp hành tốt quy chế trại giam sớm được trở về với gia đình và cộng đồng".
Nghe thật nhẹ nhàng, nhưng đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, tấm lòng bao dung, độ lượng của cán bộ, chiến sĩ Trại giam Tống Lê Chân dành cho những người một thời lầm lỗi đang tìm lại những gì đã mất