Y tế Công an nhân dân sẵn sàng phục vụ chiến đấu
Có thể nói rằng, năm 2010 là thời điểm y tế CAND có bước tiến đáng tự hào khi lần đầu tiên, những kỹ thuật mới chuyên sâu và tiên tiến nhất, đã được thực hiện tại đơn vị y tế của lực lượng: phẫu thuật nội soi, ghép gan, ghép tủy, rồi can thiệp tim hở, áp dụng phương pháp mới trong chữa bệnh ung thư v.v… Mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học trong chăm sóc và điều trị, các thầy thuốc trong lực lượng Công an đã ghi tên mình vào danh sách những bệnh viện có các kỹ thuật hiện đại trong cả nước. Đây là điều kiện để công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị cho CBCS Công an ngày càng được nâng cao.
Cùng với các kỹ thuật cao, để tạo sự đồng bộ, Bộ Công an đã đầu tư hàng tỉ đồng để nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cho các Bệnh viện 198, 199, 30-4 và hàng loạt bệnh xá ở Công an các tỉnh. Một đội ngũ không nhỏ các thầy thuốc ở các đơn vị y tế CAND đã được cử đi đào tạo, nâng cao trình độ trong và ngoài nước, ở các bệnh viện chuyên sâu tuyến Trung ương, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong khám, chữa bệnh. Nhờ đó, y tế CAND đã đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho CBCS Công an với 98,7% đạt tỉ lệ quân số khỏe, là điều kiện căn bản để thực hiện tốt nhiệm vụ gìn giữ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Áp dụng kỹ thuật y học hiện đại trong điều trị ở Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. |
Không chỉ CBCS Công an, các bệnh viện Bộ Công an cũng trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân các địa phương. Với hơn 5.300 giường bệnh, chỉ riêng năm 2010, đã có gần 700 ngàn lượt người được khám bệnh tại hệ thống bệnh viện Công an và công suất sử dụng giường bệnh đạt tới 96%, ghi nhận chất lượng khám và điều trị trong y tế Công an đang ngày càng phát triển, từng bước sánh ngang với các bệnh viện lớn trong cả nước. Việc nâng cao tinh thần, thái độ, y đức phục vụ người bệnh trong các cơ sở y tế Công an, cũng đã tạo bước đột phá, để nâng cao uy tín và thương hiệu các bệnh viện Bộ Công an.
Sự có mặt của các đơn vị y tế Công an ở những địa phương vùng núi, vùng cao thật sự có ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khỏe, không chỉ với CBCS Công an, mà còn đối với đồng bào các dân tộc, chung tay cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con. Những người thầy thuốc mặc áo lính đã có mặt tận các bản làng biên giới, vùng sâu heo hút, để khám, chữa bệnh cho bà con, tạo nên nhịp cầu mật thiết gắn kết chặt chẽ lực lượng Công an với nhân dân. Năm qua, gần 3.000 lượt người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An đã được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, chưa kể lượng thuốc khá lớn để chống dịch trong các đợt thiên tai, đã tạo nên hình ảnh đẹp về các y, bác sĩ trong lực lượng Công an.
Để đảm bảo công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội, lực lượng Công an phải có mặt ở khắp mọi miền đất nước, từ đồng bằng tới vùng núi, hải đảo xa xôi. Trong khi dịch tiêu chảy, sốt xuất huyết, cúm các loại… bùng phát mạnh mẽ, đã đặt lên vai những người thầy thuốc trách nhiệm không nhỏ trong bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho lực lượng chiến đấu. Luôn chủ động các phương án phòng, chống dịch, cùng sự chuẩn bị sẵn sàng về thuốc men, trang thiết bị, có mặt trên mọi nẻo đường đất nước, y tế CAND đã góp phần tốt nhất vào nhiệm vụ phục vụ chiến đấu của toàn lực lượng.
Đại tá Nguyễn Tiến Dẫn, Cục trưởng Cục Y tế - Bộ Công an chia sẻ với chúng tôi: Vừa phải đảm bảo tốt công tác phục vụ chiến đấu, vừa phải làm tốt công tác chăm sóc và quản lý sức khỏe của CBCS Công an, luôn là những thách thức đối với lực lượng y tế CAND. Nhưng với sự tận tụy của đội ngũ CBCS y tế ngày càng trưởng thành, cả về số lượng lẫn chất lượng, hơn 900 cơ sở y tế Công an đã không ngừng khẳng định thương hiệu và trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe cho CBCS Công an và nhân dân trong cả nước