Bác sĩ trại giam, những hy sinh thầm lặng

08:03 26/12/2023

Gắn bó hàng chục năm với nghề y, nhưng bệnh nhân của họ lại là những con người đặc biệt: Phạm nhân. Với tuổi đời, tuổi nghề, các bác sĩ ở bệnh xá trại giam có thể tìm cho mình một công việc ở bệnh viện, thu nhập cao, gần gia đình, nhưng họ lại lựa chọn chữa bệnh cho phạm nhân.

Giờ trực đêm của họ là chạy từ khu giam giữ này, sang khu giam giữ kia khi có can phạm kêu đau ốm và luôn có tư tưởng chống đối. Bác sĩ kiêm luôn cả y tá, điều dưỡng, hộ lý là câu chuyện thường nhật của họ khi công việc luôn quá tải, bệnh tật nhiều, nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao.

Bài 1: Sáu lần phơi nhiễm HIV

Chín năm đi… trại

Nụ cười hiền khô, vừa gặp chúng tôi, Trung tá, BS Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội trải lòng: “Mình gắn bó với nơi đây gần 30 năm rồi”. Tôi có chút ngạc nhiên với thâm niên của anh, bởi ngần ấy năm đằng đẵng xa gia đình, với kinh nghiệm của một bác sĩ, anh xin đâu chả được việc, lại gần vợ, gần con…Nhưng anh Hải chia sẻ: “Động lực lớn nhất để mình ở lại chính là tình yêu nghề. Từ khi vào nghề đến nay, mình thấy rất vui mỗi khi điều trị khỏi cho một bệnh nhân cấp cứu. Niềm vui này còn lớn hơn khi được thủ trưởng biểu dương”.

BS Hải tốt nghiệp Học viện Quân Y năm 1996 và về nhận công tác tại Trại giam Văn Hoà, Công an TP Hà Nội (nay là Trại tạm giam số 2). “Duyên đến với nơi đây rất tình cờ. Mình có anh bạn là bệnh xá trưởng ở đây, cả bệnh xá chỉ có 2 cán bộ y tế, rất thiếu người nên rủ mình về”, anh Hải dí dỏm. Gia đình anh Hải ở quận Hà Đông (Hà Nội), mẹ anh là bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, khi con trai vào làm bác sĩ trong trại giam, mẹ anh phản đối. Nhưng trước quyết tâm của chàng sinh viên vừa ra trường, gia đình đành phải để anh thử sức và trải nghiệm ở môi trường mới. Không ngờ rằng, anh gắn bó từ bấy đến nay.

“Lúc đó ở đây như một ốc đảo. Trại có rất đông phạm nhân, cán bộ y tế chỉ có 2 người, mình vừa là bác sĩ, kiêm y tá, hộ lý luôn. Sau đó, anh bệnh xá trưởng đi học, chỉ còn một mình mình, suốt 9 năm “kháng chiến” xoay xở với từng ấy bệnh nhân, vừa làm công tác khám bệnh, vừa làm y tá, hộ lý rất vất vả. Có những ca trực, phạm nhân đi lao động đánh nhau, cùng lúc 4-5 trường hợp bị thương đưa xuống bệnh xá. Có một mình nên cứ tuần tự làm, ưu tiên xử lý trường hợp nặng trước”, BS Hải kể lại.

Một lần, khi đang trực đêm, gần 24h, cán bộ quản giáo đưa một phạm nhân từ đội lao động đến do khó thở. Sau khi khám, chẩn đoán phạm nhân bị tràn dịch màng phổi, anh tiến hành hút dịch. “Nếu không hút dịch cấp cứu phổi sẽ xẹp, gây ngừng tim đột ngột và tử vong. Quyết định của mình đã cứu tính mạng của phạm nhân, sau đó điều trị khỏi lao phổi”, BS Hải chia sẻ.

Anh Hải không nhớ hết số can phạm mà mình đã điều trị bởi những ca cấp cứu là vô vàn. “Điều trị cho can phạm ở đây vất vả, tận tuỵ. Có thời điểm lên đến cả trăm bệnh nhân phải vào bệnh xá, bệnh nhân nặng có lúc lên tới 40-50 người, trong khi vẻn vẹn chỉ có 2 bác sĩ”, Bệnh xá trưởng Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Số lượng can, phạm nhân lớn, khi vào trại, họ mắc rất nhiều loại bệnh, nhiều nhất phải kể đến HIV/AIDS, lao, nhiễm trùng cơ hội, bệnh mãn tính. Có đối tượng cứ đêm là kêu la đau, nhưng có phạm nhân giấu bệnh tới khi nặng mới phát hiện. Với những tử tù, biết đằng nào cũng chết, nhiều khi diễn “trò” với bác sĩ, có đêm khóc kêu đau tới 3 lần, tư tưởng luôn chống đối nhưng bác sĩ khám lại… không ra bệnh. Có đối tượng để được ra bệnh viện tuyến trên còn lấy móng tay móc vào họng vờ bị…ho ra máu. Tất cả những trò ma mãnh này đều không qua khỏi con mắt tinh thông nghiệp vụ của người bác sĩ.

Quay cuồng với công việc, có khi 24h chưa được nghỉ ngơi, có khi đêm nay trực nhưng 7h sáng mai lại bắt đầu ngày làm việc mới. BS Hải tâm sự. “Nhà ở ngay Hà Đông mà suốt 9 năm đó, mỗi tháng mình chỉ về được 1-2 lần, gần như cách ly với xã hội. Năm 2000, trại có thêm y sĩ, công việc mới được san sẻ bớt”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải thăm khám cho phạm nhân.

Hai đợt dịch khốc liệt trong đời thầy thuốc

Tâm sự với chúng tôi, BS Hải kể rằng, gần 30 năm làm nghề y, anh trải qua hai thời điểm gian truân nhất và cũng là hai giai đoạn người thân giục anh nghỉ việc quyết liệt nhất. Đó là bùng nổ đại dịch HIV vào năm 1998 kéo dài đến năm 2005 và dịch COVID-19 vừa qua.

Trại tạm giam có bệnh nhân đầu tiên nhiễm HIV là một phạm nhân từ nước ngoài về, sau đó bị bắt vì hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Phạm nhân này trở thành bệnh nhân HIV đầu tiên của trại giam trên toàn TP Hà Nội. Cùng năm đó, xét nghiệm toàn trại, phát hiện 45 phạm nhân dương tính với HIV, đều là các đối tượng nghiện ma tuý. “Khi đó, phác đồ điều trị HIV chưa có, chỉ điều trị triệu chứng. BS Trần Quốc Tuấn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và mình là những bác sĩ đầu tiên điều trị cho bệnh nhân HIV là phạm nhân”, Thiếu tá, Bệnh xá trưởng chia sẻ.

Cả bệnh xá chỉ có 3 cán bộ y tế, trong khi bệnh nhân HIV vượt quá khả năng điều trị của trại do họ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, nấm não, nấm phổi... tấn công. Tỷ lệ nhiễm HIV tăng vùn vụt, xét nghiệm đồng loạt phát hiện hàng trăm bệnh nhân dương tính. Bệnh nhân nặng và chuyển sang giai đoạn AIDS rất nhanh, phải chuyển ra bệnh viện, có khi đưa bệnh nhân đi tới vài bệnh viện cũng không nơi nào tiếp nhận. Con số tử vong ngày một nhiều. “Do không có phác đồ nên các bác sĩ rất bối rối, chúng tôi tự học và tự cập nhật kiến thức”, BS Hải kể.

Nhớ lại những ngày tháng vô cùng gian truân đó, Bệnh xá trưởng Nguyễn Thanh Hải chia sẻ những ký ức không thể quên trong cuộc đời nghề y cứu người của mình. Một lúc phải điều trị cho hàng trăm phạm nhân nhiễm HIV và nhiều người tử vong vì AIDS, anh ở bên chăm sóc họ đến giây phút cuối đời. Bên cạnh đó, các bệnh nhân nhiễm trùng cơ hội như lở loét, lao phổi, nấm miệng, nấm phổi,…anh phải xoay xở chăm sóc. Nếu không có tình yêu nghề có lẽ không ai trụ nổi.

Anh Hải nhớ nhất bệnh nhân AIDS bị viêm cơ đùi đưa từ Bệnh viện Việt Đức về, còn nguyên bó bột. Khi tháo bột ra, phần thịt bị thối loét từ hông đến đầu gối và giòi làm tổ, lộ toàn bộ xương đùi, ai nhìn cũng rùng mình. Bác sĩ Hải tận tình rửa vết thương, hàng ngày anh đắp thuốc và khâu dần. Bền bỉ như thế tới 4 tháng vết thương mới liền. Chứng kiến sự tận tâm của bác sĩ, dù biết mình chẳng còn sống được bao lâu, nhưng phạm nhân vẫn vô cùng cảm động ân nhân đã bên mình khi khó khăn nhất.

Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, mình đã 6 lần phơi nhiễm HIV. Ngày đó chưa có thuốc chống phơi nhiễm, nhưng rất may mắn 6 tháng sau xét nghiệm lại không bị. Anh Hải tự lấy máu và tự test. Mỗi lần như vậy đều đóng cửa tự làm và hồi hộp chờ kết quả.

Tới đợt dịch COVID-19, có thời điểm, anh Hải đi biền biệt 3 tháng không về thăm nhà, gia đình lại một lần nữa giục anh nghỉ việc. Nhưng nơi đây đã trở thành một phần của cuộc sống, gắn bó như máu thịt, nên anh không thể từ bỏ. Là Phó khu điều trị COVID-19 cho đối tượng phạm pháp hình sự trên địa bàn Hà Nội, anh Hải và các y, bác sĩ đã làm việc quên mình, kể cả khi anh bị nhiễm COVID-19 cũng không được nghỉ ngơi. “Một ca chỉ có 7 cán bộ y tế, chúng tôi không có thời gian cặp nhiệt độ, sờ trán nóng là cho bệnh nhân uống hạ sốt, người khó thở kéo bình oxy cho thở. Nghĩ lại giai đoạn đó quả là ngoài sức tưởng tượng, nhưng chúng tôi đã vượt qua”, anh Hải kể.

Bác sĩ Hải khá nổi tiếng, không chỉ với người đã từng được anh chữa bệnh, kể cả can phạm không ốm nhưng từng ở Trại tạm giam số 2 đều biết đến anh. Có người vô tình gặp lại ngoài xã hội, đến chào hỏi và cảm ơn bác sĩ. Gắn bó với nghề đã gần 30 năm, anh rất ít khi được nghỉ phép, nhiều năm không đón Tết với gia đình, nhưng xác định đây là con đường đã chọn, là nghiệp thì mình phải theo và phải luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Trần Hằng – Xuân Mai

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文