Cảnh sát nhân dân Việt Nam: “Mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”

11:10 18/07/2022

Lời tòa soạn: Là bộ phận chủ yếu, quan trọng trong hệ thống tổ chức của CAND Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) luôn được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và Ngành Công an chăm lo xây dựng, rèn luyện, được Nhân dân tin yêu đùm bọc, không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 - 20/7/2022), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn Báo CAND về chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chỉ đạo lực lượng CSND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Báo CAND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Lực lượng Cảnh sát nhân dân đoàn kết, mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó.

Những mốc son lịch sử của lực lượng CSND

PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể chia sẻ với bạn đọc những mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng CAND nói chung, CSND nói riêng?

Bộ trưởng Tô Lâm: Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng CAND ra đời: Ở Bắc Bộ, chính quyền cách mạng thành lập Sở Liêm phóng; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (bao gồm cả lực lượng Trinh sát và Cảnh sát). Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của CAND đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT), bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Ngày 19/8/1945 trở thành Ngày thành lập lực lượng CAND Việt Nam.

Để tăng cường xây dựng, củng cố các công cụ chuyên chính của chính quyền cách mạng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự trị an, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ.

Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 141-SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an, trực thuộc Hội đồng Chính phủ; đồng thời quy định tổ chức, bộ máy của Thứ Bộ Công an gồm 7 đơn vị, trong đó có Vụ Trị an hành chính; các khu, sở, ty Công an và hệ thống tổ chức Công an cấp huyện, cấp xã. Tại kỳ họp từ ngày 27 - 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.

Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 982/TTg thành lập Cục CSND thuộc Bộ Công an, lực lượng Trị an hành chính các cấp cũng đổi tên thành CSND, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng CAND chính quy, xứng đáng là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng, Nhà nước.

Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CSND. Ngày 20/7/1962 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CSND.

60 năm qua, cùng với toàn lực lượng CAND, CSND đã lập vô vàn chiến công xuất sắc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định được vị thế, bản lĩnh, là chỗ dựa vững chắc, nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt và vô cùng phức tạp, nguy hiểm với tội phạm, chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đến nay đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CSND hy sinh được công nhận là liệt sĩ, hơn 1.000 đồng chí bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ.

Lực lượng CSND vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 12 Huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác; đặc biệt, năm 1992 được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng 16 chữ vàng: “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”.

PV: Được biết, CSND gồm nhiều lực lượng hợp thành. Xin Bộ trưởng chia sẻ cụ thể hơn?

Bộ trưởng Tô Lâm: Hơn 75 năm qua, từ Ngày thành lập CAND, đặc biệt là với 60 năm truyền thống vẻ vang, đến nay, lực lượng CSND được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tập trung, chuyên sâu, thống nhất và bố trí từ Bộ đến cơ sở theo mô hình Công an 4 cấp “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, có sự phân công, phân cấp theo địa bàn, lĩnh vực xuyên suốt, hình thành các lực lượng, đơn vị theo hướng tinh, gọn, mạnh (Cảnh sát điều tra; Cảnh sát môi trường; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cảnh sát giao thông; Kỹ thuật hình sự; Cảnh sát quản lý, thi hành án hình sự; Cảnh sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; Cảnh sát cơ động). Bên cạnh đó, CSND còn có các bộ phận tham mưu Cảnh sát, hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát...

Với các bộ phận chuyên sâu, chuyên trách hợp thành, lực lượng CSND luôn đoàn kết, mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiệp đồng chiến đấu và phối hợp lực lượng chặt chẽ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó, luôn xứng đáng là lực lượng tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, “thanh bảo kiếm sắc bén”, “lá chắn thép vững chắc” trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống. Quá trình công tác, chiến đấu đã làm nên “thương hiệu” Cảnh sát điều tra, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy…, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, Nhân dân tin yêu, quý mến, tội phạm khiếp sợ.

“Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng CSND ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, lập nên những chiến công rất đáng tự hào. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận công lao đóng góp to lớn của lực lượng CSND trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và khẳng định truyền thống tốt đẹp của lực lượng CSND góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang, những trang vàng của lực lượng CAND Việt Nam” - Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.

“Điểm sáng” trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

PV: Với nhiều “binh chủng” hợp thành, lực lượng CSND đã tạo ra sức mạnh đồng bộ để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Kính đề nghị Bộ trưởng thông tin thêm về những điểm nổi bật trong lĩnh vực này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH, trung bình những năm gần đây (giai đoạn 2010 - 2021), CSND điều tra khám phá 51.500 vụ phạm tội về trật tự xã hội; 20.300 vụ phạm tội về ma túy; 16.200 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; 18.300 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường; thụ lý điều tra khoảng 100.000 vụ án các loại. Tỷ lệ điều tra khám phá các loại án hình sự đạt trên 75%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%, hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Qua phòng ngừa, đấu tranh đã liên tục kéo giảm số vụ tội phạm về trật tự xã hội (điển hình năm 2017 giảm 3,02%; năm 2018 giảm 0,61%; năm 2019 giảm 7,39%; năm 2020 giảm 6,8%; năm 2021 giảm 11,33%).

Đặc biệt, lực lượng CSND đã chủ động nhận diện, phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu lớn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo được nhiều dấu ấn rõ nét, được Đảng, Nhà nước đánh giá là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lực lượng CSND phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ cùng các ngành tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ mục tiêu “chặn cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại” của ma túy. Trong đó, đã đấu tranh triệt phá hàng trăm đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn, góp phần ngăn chặn và hạn chế tình trạng ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba.

Các mặt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, quản lý, giáo dục, cải tạo can phạm nhân được tăng cường hiệu quả hơn. Dấu ấn nổi bật là lực lượng CSND đã tiên phong chuyển đổi số, quyết liệt, sáng tạo, thần tốc xây dựng, đưa vào hoạt động 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay là Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục nghìn CBCS CSND đã thực hiện thắng lợi chiến dịch thu nhận và cấp hơn 50 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân. Đây là “tài nguyên quốc gia đắt giá” để tiếp tục phát huy giá trị, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần đổi mới phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số và triển khai các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

CSND đã có nhiều đóng góp quan trọng với vai trò là một trong những lực lượng trên tuyến đầu cùng cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19. Hàng vạn CBCS CSND đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm tham gia các chốt kiểm dịch, phối hợp thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời, tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn TTATXH để cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Qua đó, càng tô thắm thêm bản chất tốt đẹp, cao quý của người chiến sĩ CSND “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”.

PV: Như Bộ trưởng vừa thông tin, việc phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được coi là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Bộ trưởng có thể lý giải thêm để bạn đọc hiểu hơn về “điểm sáng” này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Sở dĩ chúng tôi đánh giá đây là “điểm sáng” bởi lực lượng CSND đã chủ động nhận diện vi phạm trong các lĩnh vực, lựa chọn điểm đột phá để phát hiện, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, thể hiện tính nhân văn rất cao với mục tiêu là không phải xử lý nhiều mà vẫn đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa sai phạm, “xử lý một người để cứu muôn người”. Từ kết quả phát hiện, điều tra án tham nhũng đã chứng minh, làm rõ yếu tố vụ lợi, khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, không phải mang tính chất hệ thống; người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả, qua đó đã thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước. Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân tham nhũng từ những tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và phối hợp các ngành tham mưu với Bộ Chính trị mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo, giải quyết từ gốc tham nhũng.

Kết quả của lực lượng CSND trong phát hiện, khởi tố, điều tra các “đại án” tham nhũng, kinh tế, buôn lậu được Nhân dân đồng tình ủng hộ, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Việc điều tra, xử lý các vụ án góp phần đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế “không thể đảo ngược” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, tạo dấu ấn lan tỏa không những ở cấp độ Trung ương mà việc phát hiện, xử lý án tham nhũng ở các địa phương cũng có chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Ngày 8/6/2020, ra mắt Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng Cảnh sát Cơ động Việt Nam. Ảnh: Hồng Quang.

Nắm chắc tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ sớm, từ xa

PV: Hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Bộ trưởng dự báo tình hình thời gian tới sẽ tác động thế nào đến công tác bảo đảm ANTT?

Bộ trưởng Tô Lâm: Thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới, khu vực vẫn là xu thế lớn, song cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; các mối đe dọa phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguyên liệu, lương thực, năng lượng, giá cả, lạm phát tăng cao… là những vấn đề đã và đang đặt ra cần giải quyết. Quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận Nhân dân, tạo áp lực tác động đến tình hình tội phạm và TTATXH. Tội phạm xuất hiện đa dạng, đan xen, phạm vi hoạt động rộng, tính lưu động cao hơn, phổ biến hơn và diễn ra nhanh hơn dưới tác động của phát triển kinh tế - xã hội, cách mạng khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa ngày càng cao. Các yếu tố phi truyền thống trong hoạt động của tội phạm xuất hiện nhiều hơn cả về đối tượng, phạm vi, phương thức thủ đoạn, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tính chất xã hội của tội phạm sâu sắc hơn, dư luận và Nhân dân quan tâm hơn.

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định phải luôn giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước. Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh… Ngăn ngừa các nguy cơ từ sớm, từ xa. Đó cũng chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CAND nói chung, CSND nói riêng.

PV: Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy truyền thống anh hùng, thời gian tới, Bộ Công an sẽ chỉ đạo lực lượng CSND triển khai những trọng tâm công tác nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Tô Lâm: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi lực lượng CAND nói chung, CSND nói riêng phải không ngừng nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những định hướng nhiệm vụ trọng tâm là:

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng CSND và sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH.

Lực lượng CSND tích cực, chủ động tham mưu đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân, xây dựng thế trận toàn dân, thế trận lòng dân trong phòng, chống tội phạm, kết hợp chặt chẽ, chiến lược, hiệu quả với các chủ trương, chính sách về xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại của đất nước.

Lực lượng CSND đổi mới tư duy, phương pháp công tác, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp “truyền thống” và “hiện đại”, tăng cường hợp tác quốc tế để nắm chắc tình hình, chủ động nhận diện, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ sớm, từ xa, thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội hằng năm, tạo chuyển biến tích cực về TTATXH.

Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về TTATXH; về thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, lực lượng CSND tiếp tục tham mưu đề xuất phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, tạo lan tỏa trong các ngành, các cấp để phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm.

Chú trọng thường xuyên xây dựng lực lượng CSND toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, nhất là đội ngũ trinh sát, điều tra thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa lực lượng CSND với Nhân dân, “lấy dân làm gốc”, dựa vào Nhân dân để công tác và chiến đấu thắng lợi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng!

Anh Hiếu - Quỳnh Vinh (thực hiện)

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

Ngày 14/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án hình sự Cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tháng 7/2020 tại Phòng 1004, tầng 10, khách sạn Thể Thao (số 15 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Chịu sức ép từ sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao, giá vàng thế giới giảm sâu phiên thứ 4 liên tiếp, kéo giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống.

Cảnh sát liên bang tại Brazil đang điều tra các vụ nổ làm rung chuyển trung tâm thủ đô Brasilia của nước này, ngay cạnh Tòa án Tối cao Liên bang và khiến ít nhất một người chết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文