Chuyện nghề của một trinh sát
Tiếp xúc với Trung uý A Trung, cán bộ Phòng 5, Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an), chúng tôi cảm nhận được sự nhanh nhẹn, cứng cỏi của một trinh sát trẻ say nghề. A Trung say nghề đến nỗi, lúc vợ sinh con, thực hiện nhiệm vụ công tác, anh đi biền biệt từ lúc con trai 1 tháng tuổi đến lúc 8 tháng tuổi mới về.
Thật may mắn khi A Trung có người vợ là một nữ trinh sát nên hiểu, cảm thông và sẻ chia với công việc của chồng. 5 năm làm công tác an ninh, thời gian không nhiều nhưng anh đã cống hiến hết mình, góp phần giữ gìn sự bình yên tại các buôn làng.
Người con của bản làng
Trung uý A Trung là người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân, anh được phân công về Tây Nguyên công tác. Sinh ra và lớn lên ở Kon Tum, có mẹ là một nghệ nhân ưu tú; lại có chút năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật nên từ nhỏ anh đã ước mơ sẽ theo con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, lại bén duyên với nghề Công an; trực tiếp làm công tác trinh sát, được lãnh đạo Cục An ninh Tây Nguyên (nay là Cục An ninh Nội địa) phân công phụ trách theo dõi công tác bảo đảm an ninh ở địa bàn Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.
Trung uý A Trung chia sẻ: Đặc trưng của địa bàn Tây Nguyên có ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Người dân Tây Nguyên hiền lành, chất phác nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn nên dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện hành vi chống phá. A Trung nhớ lại: Am hiểu về địa bàn nhưng không vì thế mà ngay từ đầu, công việc của anh đã thuận lợi. Khi bắt tay vào thực tế, A Trung mới thấy công việc khác nhiều so với kiến thức đã được học trên ghế nhà trường. Thời điểm đầu mới tiếp xúc với công việc, có lúc A Trung cảm thấy bị “quá tải” với công việc.
Anh chia sẻ: Khi đó, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn diễn biến phức tạp. Muốn ổn định được tình hình thì việc đầu tiên phải tiếp cận địa bàn, đối tượng, mà lúc đó A Trung chỉ hiểu được mỗi tiếng dân tộc Hà Lăng. Trong khi đó, trên địa bàn Tây Nguyên có nhiều thành phần dân tộc nên muốn hiểu được nhiều tiếng của các dân tộc phải trau dồi, học hỏi thêm để giao tiếp, phục vụ vận động, tuyên truyền giúp bà con hiểu được âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch. Với đồng bào, sự chân thành là quan trọng nhất. Khi bà con đã tin tưởng thì sẽ giúp lực lượng Công an trong công việc.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, có không ít lần A Trung cũng cảm thấy buồn, đau lòng khi một số người dân rõ chưa hiểu đúng đã có những lời nói làm tổn thương khi cho rằng anh là người đồng bào mà lại không đứng về phía bà con, phản bội lại đồng bào..., rồi còn nhiều những câu nói khiến người trinh sát trẻ phải suy nghĩ. Nhưng rồi anh lại tự động viên mình, đây là công việc, bà con chưa hiểu thì anh phải giúp bà con hiểu ra. Vì thế, anh tiếp tục vực lại tinh thần để làm việc. Tây Nguyên một năm chỉ có hai mùa, mùa mưa kéo dài 6 tháng, bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc hết tháng 10; mùa khô ở Tây Nguyên sẽ bắt đầu vào tháng 11 và kết thúc tháng 4. Mùa mưa là những cơn mưa xối xả, con đường đất đỏ trở nên trơn trượt; những địa bàn xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo thường là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên mỗi chuyến công tác thường kéo dài cả tháng trời, điều kiện sinh hoạt và đi lại vô vàn khó khăn.
Cho đến bây giờ, Trung uý A Trung vẫn nhớ câu chuyện xảy vụ việc ra vào năm 2018, tại Ia Chim, TP Kon Tum. Vụ việc xuất phát từ việc tranh chấp đất đai giữa một số người đồng bào với một nông trường cao su. Khi A Trung cùng các cán bộ của Cục An ninh Tây Nguyên có mặt ở địa bàn thì lúc đó tình hình hết sức phức tạp. Lúc đầu, họ cũng chưa hiểu hết anh và các cán bộ địa bàn nên có những lời nói khiến Trung cảm thấy buồn. Nhưng được sự động viên của lãnh đạo đơn vị, anh đã tự xốc lại tinh thần. Trong những ngày thực hiện “4 cùng” với bà con, sự chân thành của A Trung đã khiến người dân hiểu ra. Ở Tây Nguyên, nguyên nhân phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) xuất phát từ vấn đề nội sinh ở địa bàn. Đời sống của người dân khó khăn, một số nơi có hủ tục lạc hậu như: ma lai, thuốc thư… Trong những lúc triển khai công tác tại các địa bàn, anh còn cùng đồng đội tuyên truyền, vận động để bà con từ bỏ các phong tục, tập quán còn lạc hậu.
“Để từ bỏ một hủ tục đã ăn sâu vào nếp sống qua nhiều thế hệ thật không dễ dàng...”, Trung uý A Trung cho biết. Nhưng “mưa dầm thấm lâu” trong quá trình thực hiện “4 cùng” với người dân, anh hướng dẫn bà con khi ốm đau phải lên trạm xá, không nghe thầy lang; thông qua các mối quan hệ hỗ trợ người dân tộc thiểu số có việc làm để ổn định cuộc sống.... Đồng thời, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho bà con học nghề. Từ đó, dần dần người dân ở địa bàn A Trung phụ trách cũng đã dần hiểu ra; tự nguyện từ bỏ những phong tục, tập quán không phù hợp. Và khi đã có công ăn, việc làm, người dân không phải sống phụ thuộc vào thiên nhiên, lên rừng tìm nông, lâm sản. Khi đó, họ yên tâm làm ăn, không nghe theo kẻ xấu xúi giục.
Bám bản, bám làng, vì bình yên của đồng bào
Thực hiện Đề án 106 của Bộ Công an, hầu hết cán bộ, chiến sĩ của Cục An ninh Tây Nguyên đều về địa phương. Được sự động viên, khích lệ của các cấp lãnh đạo, anh đã tự nguyện tiếp tục công tác tại đơn vị. Khi ấy, A Trung là cán bộ trẻ, bản thân anh lúc đó cũng có suy nghĩ nếu khi có gia đình, vợ con việc đi lại sẽ khó khăn... Nhưng rồi người trinh sát trẻ ấy lại tự động viên mình, nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai.
Khi làm việc và tiếp xúc với A Trung, tôi cảm nhận được tình yêu nghề cháy bỏng trong người trinh sát trẻ ấy. Nói về A Trung, lãnh đạo và những người đồng đội cũng dành cho anh sự trìu mến. Trung yêu công việc đang làm lắm... Có việc là lăn xả, lấy niềm vui là cống hiến. Những nhận xét của đồng đội có lẽ là khách quan nhất.
Sau khi về Cục An ninh Nội địa, Trung uý A Trung được phân công phụ trách theo dõi địa bàn Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. Thời gian gần đây, tình hình hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục có những diễn biến mới; phương thức và thủ đoạn tuyên truyền của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp với mức độ lan truyền nhanh hơn. Bề ngoài, các đối tượng lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia các hoạt động hát thánh ca, chia sẻ kinh thánh và cầu nguyện. Thế nhưng, thông qua các hoạt động sinh hoạt tôn giáo để lồng ghép nội dung xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, ý đồ quy tụ, tập hợp lực lượng đấu tranh “đòi” tự do tôn giáo, tự quyết dân tộc, tiến tới thành lập “tôn giáo riêng”, “nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Khi viết về A Trung, tôi lại nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên ““Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”. Ở những địa bàn từng đặt chân, người trinh sát trẻ say nghề ấy đã để lại tình cảm tốt đẹp với bà con. Người dân ở các địa bàn anh công tác xem A Trung là người con của buôn làng.
Chia sẻ với chúng tôi, về nghề, A Trung cho biết niềm vui lớn nhất của anh đó chính là thấy đồng bào của mình được ổn định cuộc sống. Đó là việc giúp đỡ không ít đồng bào của mình hiểu ra bản chất của các đối tượng xấu mà không tin theo. Trường hợp của Siu HMeng, một người dân sinh sống tại xã Ia Ko, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) là một ví dụ. Năm 2015, nghe theo kẻ xấu và cũng do hoàn cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, Siu Hmeng đã rời bỏ quê hương, trốn sang Campuchia, ảo tưởng về việc sẽ được đi Mỹ định cư. Khi đặt chân đến vùng đất mà anh ta cho rằng đó là miền đất hứa, Siu Hmeng không thể ngờ rằng bi kịch của cuộc đời cũng bắt đầu. Siu HMeng bị bắt vào một “trại ti nạn” ở Campuchia, cuộc sống khó khăn chẳng khác gì địa ngục trần gian. Siu Hmeng muốn về cũng không có cơ hội. Ở trong nước, cuộc sống của vợ Siu Hmeng và các con cũng vô cùng khó khăn. Vợ anh ta không có việc làm, trong khi trước khi bỏ đi, gia đình còn đang gánh một khoản nợ.
Tiếp cận địa bàn, A Trung đã nắm bắt được hoàn cảnh riêng của gia đình Siu HMeng. Khi đó, một mặt anh cùng các cán bộ của Cục An ninh Tây Nguyên hỗ trợ gia đình của Hmeng vượt qua khó khăn, mặt khác, thông qua giới thiệu của gia đình, anh đã kết nối được với Hmeng ở Campuchia, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng để vận động Hmeng viết đơn trình báo lên Cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước bạn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục và tổ chức tiếp nhận.
Nhưng lúc này, chưa phải đã hết khó khăn, Trung uý A Trung nhớ lại. Lúc mới về nước, Siu Hmeng mất định hướng, quá trình tái hoà nhập với cộng đồng không dễ dàng. Vào thời điểm đó, số tiền vợ chồng Siu Hmeng nợ ngân hàng đã quá hạn rất lâu, nguy cơ gia đình bị thu hồi nhà và đất ở luôn hiện hữu. Khi Siu Hmeng về nước, Trung uý A Trung và lãnh đạo đơn vị khi đó thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư. Cùng với việc tạo điều kiện cho Siu Hmeng tìm việc làm, đã tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người đàn ông này ổn định cuộc sống. Những khó khăn dần qua đi, cuộc sống của Siu Hmeng và người thân trong gia đình đã vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. Với anh thì bây giờ không đâu bằng quê hương và bản quán của mình.
Lúc gặp chúng tôi, Trung uý A Trung vừa vinh dự nhận được 2 Bằng khen đột xuất của lãnh đạo Bộ Công an. Với những đóng góp thầm lặng của mình, trong năm qua Trung úy A Trung đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng nhiều Bằng khen… Điều đó là sự động viên, khích lệ cho Trung uý A Trung và đồng đội tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ bình yên cho các bản làng.