Công an xã kể chuyện lên rẫy vận động bà con tiêm vaccine ngừa COVID-19

06:50 29/04/2022

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Quảng Nam đã được kiểm soát tốt, mọi hoạt động gần như đã trở lại bình thường.

Để có được kết quả đó, lực lượng Công an xã chính quy đã đóng góp công sức tất lớn trong công tác tuyến đầu, ngày đêm bám cơ sở, thực hiện công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19…

Trò chuyện cùng chúng tôi, Trung tá Trần Công Thịnh, Trưởng Công an xã Phước Hiệp, huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) chia sẻ, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nhờ vào tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Cán bộ Công an xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tuyên truyền người dân đảm bảo ANTT, không chủ quan, lơ là với dịch bệnh COVID-19.

Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng lực lượng Công an xã vẫn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không chủ quan, lơ là.

Nhớ lại việc vận động người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19, Trung tá Thịnh kể rằng, do địa phương có khoảng 60% là người đồng bào thiểu số, chủ yếu là đồng bào Giẻ Triêng nên có nhiều người ngại đến cơ sở y tế để tiêm vaccine. Do đó, Công an xã Phước Hiệp phải phối hợp với lực lượng y tế và các lực lượng khác đến từng nhà để tuyên truyền, giải thích, vận động người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19.

Thậm chí có hàng chục người dân xã Phước Hiệp đã bỏ lên rẫy, không chịu đến cơ sở y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 nên các anh phải vào tận rẫy để tuyên truyền, vận động người dân. “Có trường hợp rẫy của người dân ở xa, phải đi bộ hàng giờ đồng hồ, không có sóng điện thoại nên chúng tôi phải tìm đến tận nơi để giải thích, vận động cho người dân hiểu về ý nghĩa của việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Sau khi được giải thích, vận động, người dân đã đồng ý trở về tiêm chủng”, Trung tá Thịnh nói.

Trong đợt mưa lũ tháng 10, 11 năm 2021, tại các xã vùng cao của huyện Phước Sơn như Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Kim… tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Với bản lĩnh, sự linh hoạt và tinh thần phục vụ nhân dân, lực lượng Công an các xã cùng lực lượng chức năng đã làm tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Riêng tại xã Phước Lộc, nơi có khoảng 95% dân số là đồng bào Giẻ Triêng, do nhận thức và hiểu biết của người dân còn hạn chế nên khi dịch bùng phát mạnh, nhiều người, nhất là người già lo sợ bị lây bệnh đã bỏ nhà lên rẫy ở.

Công an xã Phước Lộc đã chia thành nhiều tổ công tác lặn lội dưới trời mưa bão, vượt qua bao chặng đường núi trơn trợt, nguy cơ sạt lở để vận động hơn 30 người quay về nhà. Thiếu tá Hồ Ngọc Cảnh, Trưởng Công an xã Phước Lộc là người từng trực tiếp tìm kiếm, vận động người dân lên rẫy trở về nhà, kể rằng, khi tổ công tác của anh tiếp cận số người này thì họ đang trong tình trạng rất mệt mỏi, đói và lạnh. Một số người sau vận động không thể tự đi về mà lực lượng chức năng phải cõng hoặc khiêng bằng võng từ rẫy về nhà.

Thiếu tá Cảnh kể thêm, trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp, tình trạng sạt lở diễn ra ở nhiều nơi, đường sá hư hỏng, rất khó khăn để đi lại, trong khi số ca F0 không ngừng tăng cao, do đó việc chuyển F0 đi điều trị thực sự là thách thức lớn. Một số địa bàn không thể sử dụng các loại xe cơ giới để vận chuyển bệnh nhân mà lực lượng Công an xã phối hợp với các lực lượng khác phải dẫn F0 đi bộ đến trung tâm xã, sau đó dùng xe máy chở F0 vượt hơn 10km đường trơn trượt, sạt lở đến cầu Xà Ka thuộc xã Phước Công để đưa lên xe tải chờ ở phía bên kia cầu vận chuyển tiếp đến cơ sở điều trị vì xe cứu thương không thể vào được do đường sạt lở nặng.

Nhờ sự linh động trong sử dụng nhiều phương pháp, cách thức, phương tiện di chuyển nên các trường hợp F0 tại xã Phước Lộc đã được đưa đến nơi điều trị đúng quy định và đảm bảo được an toàn cho người bệnh.

Già làng Hồ Văn Reo (SN 1962, trú thôn 3, xã Phước Hiệp) nói rằng, từ khi lực lượng Công an chính quy về xã, tình hình ANTT tại địa phương luôn được giữ vững. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phòng, chống thiên tai, lực lượng Công an luôn thể hiện tinh thần xung kích, bám sát địa bàn cơ sở để giúp đỡ nhân dân.

Có lực lượng Công an xã chính quy, người dân rất yên tâm vì mỗi khi cần, các cán bộ chiến sĩ Công an đều có mặt. Công an xã chính quy thực sự là chỗ dựa của người dân... Lãnh đạo Công an huyện Phước Sơn khẳng định, thời gian qua, lực lượng Công an xã trên địa bàn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong phòng, chống dịch; phòng, chống thiên tai đã thể hiện rõ là lực lượng nòng cốt, xung kích ở cơ sở.

Công an các xã đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Công an huyện trong việc bám sát địa bàn, sẵn sàng có mặt để giúp đỡ nhân dân bất kể ngày đêm, mưa gió, bão lũ; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, biểu dương.

Ngọc Thi

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文