Dấu ấn từ những chuyên án lớn

10:15 18/07/2022

Trong dòng chảy 60 năm lịch sử hình thành và phát triển (20/7/1962-20/7/2022), lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm qua (2011-2021), lực lượng CSND đã xác lập, đấu tranh hàng chục nghìn chuyên án, xứng đáng với danh hiệu “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu dự Hội nghị tổng kết các chuyên án điển hình của lực lượng Cảnh sát nhân dân giai đoạn 2011-2021.

Những chuyên án làm nên "thương hiệu" của lực lượng CSND

Nhắc đến lực lượng CSND, chúng ta không thể không đề cập tới những chuyên án tiêu biểu, điển hình, mang tầm vóc lịch sử trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ sơ lược điểm lại những chuyên án đã trở thành "thương hiệu" của lực lượng CAND trong 10 năm trở lại đây (2011-2021).

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, chỉ riêng giai đoạn 2011-2021, lực lượng CSND đã xác lập, đấu tranh hàng chục nghìn chuyên án. Số lượng chuyên án trong 10 năm qua đã tăng hơn 70% so với giai đoạn cùng kỳ trước đó (2000-2010). Lực lượng CSND đã triệt phá hàng nghìn đường dây, tổ chức tội phạm, khám phá hàng trăm nghìn vụ án, bắt giữ hàng trăm nghìn đối tượng phạm tội rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Ngày 21/6 vừa qua, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của lực lượng CSND, Bộ Công an đã chọn lọc, tập hợp 60 chuyên án điển hình, tiêu biểu trong hàng chục nghìn chuyên án trên, đưa vào kỷ yếu đặc biệt tại Hội nghị tổng kết các chuyên án điển hình của lực lượng CSND.

Với 60 chuyên án đã được Bộ Công an tổng kết, trong đó có rất nhiều chuyên án đấu tranh với băng nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” tương tự như vụ Năm Cam ở TP Hồ Chí Minh hay Khánh “trắng” ở Hà Nội. Những chuyên án truy xét, điều tra khám phá các vụ trọng án giết 3 người để cướp tiệm vàng tại hiệu vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang năm 2011; đối tượng Nguyễn Đại Dương cùng đồng bọn sát hại dã man 6 người trong cùng một gia đình tại Bình Phước gây rúng động dư luận cả nước; hay chuyên án điều tra truy bắt đối tượng giết người, đốt xác tạo hiện trường giả nhằm chiếm đoạt tiền 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm ở Đắk Nông… đều là những chuyên án điển hình cho tinh thần mưu trí, sáng tạo, quyết tâm tấn công, trấn áp tội phạm của lực lượng CSND.

Nhắc tới vụ án đối tượng nguyên là Bí thư xã giết người dã man, đốt xác, tạo hiện trường giả nhằm trốn khoản nợ 20 tỷ đồng và chiếm đoạt 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn, Ban chuyên án đã lật mặt và bắt giữ đối tượng Đỗ Văn Minh (SN 1971, trú tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Kết quả của chuyên án thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an tỉnh Đắk Nông với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh và đặc biệt là tinh thần mưu trí, quyết tâm đưa kẻ thủ ác ra trừng trị trước pháp luật của lực lượng CSND.

Còn ký ức về vụ án Nguyễn Đại Dương giết 6 người trong một đêm được lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước thuật lại với chúng tôi như một cuốn phim quay chậm. Do bị người yêu từ chối tình cảm, đối tượng Dương đã lên kế hoạch, rủ đồng bọn đột nhập biệt thự nhà người yêu trong đêm rồi lạnh lùng, tàn bạo sát hại dã man 6 người. Chuyên án điều tra bắt giữ đối tượng được chính đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo trực tiếp. Chỉ vài ngày sau khi gây án, những kẻ thủ ác đã bị bắt giữ, chịu sự trừng trị của pháp luật.

Một trong những chuyên án đứng đầu về thời gian điều tra, vô cùng khó khăn, phải kể tới chuyên án đấu tranh, triệt xóa băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm do đối tượng Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, là phạm nhân chấp hành án tù tại Trại giam Nam Hà) cầm đầu thực hiện. Chuyên án với thời gian kéo dài tới 5 năm. Chuyên án có nhiều những chi tiết đặc biệt, “vô tiền khoáng hậu” như đối tượng chủ mưu là Thọ “sứt” khi đó đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Nam Hà nhưng vẫn tìm cách chỉ đạo đám đàn em đang ở ngoài xã hội thực hiện hàng loạt các vụ ném chất nổ vào nhà dân, những người mà Thọ “sứt” cho rằng đã bắt giữ, ngăn cản, truy bắt, chặn đường phạm tội, tống y vào tù. Chuyên án triệt phá băng nhóm tội phạm do Thọ "sứt" cầm đầu đã góp phần đem lại sự bình yên cho nhân dân, đảm bảo an toàn cho bị hại, nhân chứng, cán bộ thực thi pháp luật, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm.

Nhắc đến chuyên án triệt phá đường dây tội phạm ma túy do Tráng A Tàng (SN 1982, ở Mộc Châu, Sơn La) còn gọi là Tàng “Keangnam” cầm đầu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết: Không chỉ chuyên án Tàng “Keangnam”, trong 10 năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy của Cục và Công an các địa phương đã triệt xóa hàng trăm nghìn vụ án và chuyên án ma túy. Có chuyên án các đối tượng vận chuyển, mua bán hàng nghìn bánh heroin, xuyên quốc gia, với những thủ đoạn cất giấu, vận chuyển tinh vi, xảo quyệt, cùng hành vi côn đồ, manh động, sẵn sàng sử dụng súng để chống trả lực lượng vây bắt. Những chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia được lực lượng Cảnh sát Công an các tỉnh như Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bình Dương, Hải Phòng, Hậu Giang… triển khai cũng đã trở thành những bài học kinh điển trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CSND.

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Những chuyên án ở “mảng” hình sự, đặc biệt là công nghệ cao , “tín dụng đen”, đánh bạc bằng công nghệ cao hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm số lượng lớn trong 60 chuyên án điển hình được Bộ Công an tổng kết. Tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng kéo theo không ít những nguy cơ các đối tượng tội phạm lợi dụng công nghệ cao để gây án. Từ việc nhận diện và đấu tranh hiệu quả với những chuyên án này, lực lượng CSND đã phát hiện nhiều “lỗ hổng” trong quản lý, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường những biện pháp phòng, chống, không để tội phạm công nghệ cao lợi dụng sơ hở hoạt động. Đặc biệt, Cơ quan CSĐT các cấp cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho đông đảo người dân nắm vững, hiểu sâu các thủ đoạn gây án của các đối tượng phạm tội, từ đó chủ động phòng tránh.

Bộ trưởng Tô Lâm cùng Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tham quan gian trưng bày phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác đấu tranh các chuyên án.

Xử lý “không có vùng cấm”, bịt kín những lỗ hổng

Giai đoạn 2011-2021 là khoảng thời gian công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành đẩy mạnh, trong đó Bộ Công an giữ vai trò nòng cốt, tiên phong. Cũng trong giai đoạn này, lực lượng CSND đã triệt phá rất nhiều chuyên án, điều tra các vụ “đại án” về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu. Điển hình như chuyên án đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên (tức "bầu Kiên").

Với những chiêu trò “ma quái” biến hóa khi thành lập các công ty sân sau nhằm thổi giá, mua đi bán lại cổ phần các ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) đã thâu tóm hàng loạt ngân hàng. Chuyên án bắt giữ “bầu Kiên” được xem là điển hình cho tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả… của lực lượng CSND, góp phần bình ổn thị trường tiền tệ, giúp kinh tế - xã hội của đất nước phát triển ổn định, bền vững. Hay như chuyên án truy xét đấu tranh mở rộng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như ở  Viettinbank và đồng phạm… cũng là chuyên án tiếp nối của lực lượng CSND, góp phần làm trong sạch thị trường tài chính, ngân hàng.

Thành công của việc đấu tranh với những chuyên án kinh tế trên đã minh chứng sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế; khẳng định chắc chắn với nhân dân cho dù kẻ phạm tội là ai vẫn sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ. Kết quả của những chuyên án kinh tế trên không chỉ bắt những đối tượng gây án phải chịu sự trừng trị của pháp luật mà đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh báo các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tín dụng phải hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Thành công của những chuyên án kinh tế cũng đã giúp cho thị trường tiền tệ trở về giá trị thật, nhờ đó trong những năm 2013-2014, thanh khoản trên thị trường được cải thiện nhanh chóng, các ngân hàng dần giảm được lãi suất huy động và lãi suất cho vay; căng thẳng về vốn không còn, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh hồi phục. Kết quả của chuyên án được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ, củng cố vững chắc, đặt trọn niềm tin vào lực lượng CAND trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH, uy tín của lực lượng Cảnh sát kinh tế được nâng cao rõ rệt.

Một trong những thành công nổi bật của các chuyên án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu được lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu khẳng định, đó là: Quá trình đấu tranh chuyên án, Cơ quan CSĐT đã chỉ ra một loạt sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, qua đó kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Đối với chuyên án “bầu Kiên”, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lại cơ chế, không để các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thành lập công ty tài chính hoặc góp vốn tham gia quản trị ngân hàng thương mại cổ phần, đầu tư, sở hữu chéo ra ngoài ngành, hay sở hữu chéo ngân hàng này với ngân hàng khác, góp phần minh bạch thị trường tài chính, tiền tệ.

Sau khi chuyên án “bầu Kiên” kết thúc, trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Bộ Công an, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 thay thế Nghị định 52/2006/NĐ ngày 19/5/2006, từ đó tạo cơ sở pháp lý tăng cường giám sát và thắt chặt các quy định đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả đấu tranh chuyên án cũng đã cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng để Chính phủ cấu trúc lại nền kinh tế, xây dựng Đề án "Cấu trúc lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015", tạo nên một thị trường tài chính, tiền tệ ổn định như hiện nay, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng

Trong vòng 10 năm qua (2012-2022) công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động cũng trùng khớp với thời gian triển khai các chuyên án của giai đoạn 2011-2021 được Bộ Công an thực hiện. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, trong bài phát biểu quan trọng trước hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình; hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo.

Cơ quan CSĐT bắt giữ, đưa đối tượng Nguyễn Đại Dương cùng đồng phạm thực nghiệm tại hiện trường vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước.

Cũng tại hội nghị tổng kết quan trọng này, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: Trong 10 năm qua, cơ quan điều tra các cấp trong CSND đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được Tổng Bí thư - Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá là một “điểm sáng”, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Giai đoạn 2012-2020, công tác điều tra đã có những bước tiến đột phá, làm rõ được bản chất của các vụ án, phân hóa trách nhiệm của từng đối tượng, bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực của lực lượng CAND nói chung và CSND nói riêng có những bước tiến mới. Điểm nổi bật là, đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý, tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người”. Điển hình là các vụ tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi...Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ. Điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi; vụ Tân Hoàng Minh, FLC...

Để phòng ngừa hiệu quả tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị phải rà soát những văn bản pháp luật đang có "sơ hở dễ bị lợi dụng"; cần sơ kết, thông báo công khai thời gian sửa đổi để mọi người biết, cảnh giác khi áp dụng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, tập trung xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực; làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Đánh giá tính chất quan trọng các chuyên án trong dòng chảy lịch sử 60 năm của lực lượng CSND, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Trong quá trình xác lập và đấu tranh chuyên án, lực lượng CSND thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Cấp ủy, người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương; sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ của nhiều lực lượng trong và ngoài ngành Công an. Lực lượng CSND áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chiến thuật, phương tiện, do đó đã phát hiện, đấu tranh, khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn, điển hình, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội; nhận diện, đánh đúng, đánh trúng các băng nhóm, đường dây tội phạm hình sự, tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, ma túy, môi trường, công nghệ cao, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, bảo đảm tốt trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những dấu ấn, thành tích, chiến công trên của lực lượng CSND trong công tác đấu tranh các chuyên án góp phần tô thắm thêm truyền thống Anh hùng vẻ vang, làm nên “thương hiệu” của lực lượng CSND.

Hoàng Phong

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文