Hai dự án lớn của Bộ Công an góp phần xây dựng Chính phủ điện tử
LTS: Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) là một trong 6 cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cấp thẻ CCCD nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, cùng với sự quyết tâm, trách nhiệm rất cao của CBCS đã luôn sáng tạo, từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhân dịp này, Báo CAND đã phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an , nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) - đơn vị được Bộ Công an giao chủ trì triển khai thực hiện 2 dự án nêu trên.
PV: Xin đồng chí cho biết quá trình tổ chức thực hiện 2 dự án quan trọng đã được triển khai như thế nào trong lực lượng CAND?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Thời gian qua, lực lượng CAND từ Trung ương đến cấp cơ sở đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo Bộ trong việc xây dựng Dự án CSDLQG về DC và dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Đây vừa là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, vừa là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng CAND.
Thống nhất nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện 2 dự án, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH toàn quốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc rất quyết liệt, triển khai thực hiện song hành 2 dự án. Đây là dự án công nghệ thông tin loại A, tầm cỡ quốc gia, chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay với những hạng mục công việc lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, nguồn nhân lực của Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH.
Ngay sau khi có các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bộ trưởng trực tiếp là Trưởng Ban, 3 đồng chí Thứ trưởng là Phó trưởng Ban và các Cục nghiệp vụ liên quan là thành viên để chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Trong đó, xác định việc thực hiện 2 dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là chiến dịch của toàn lực lượng trong năm 2020 và năm 2021. Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-BCA, ngày 4/3/2020, xác định 8 nhóm nhiệm vụ, 48 công việc trong thực hiện dự án CSDLQG về DC và Kế hoạch số 389/KH-BCA ngày 8/9/2020 với 9 nhóm nhiệm vụ, 55 công việc trong thực hiện dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD; đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt 2 dự án, gắn trách nhiệm đến các đồng chí Giám đốc Công an địa phương về kết quả, tiến độ thực hiện 2 dự án của đơn vị mình phụ trách.
Ban Chỉ đạo đã họp 16 phiên toàn thể, tổ chức 12 Hội nghị trực tuyến toàn quốc; 12 cuộc Hội ý nghiệp vụ với các cụm, địa bàn và các địa phương trọng điểm; 67 cuộc họp giao ban vào thứ Bảy hàng tuần để kiểm điểm công việc của 2 dự án; kiểm tra, đôn đốc đến tận cấp xã để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong điều kiện khó khăn về biên chế, Bộ đã cố gắng bố trí đủ nguồn nhân lực thực hiện 2 dự án từ Trung ương tới cơ sở, gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng tại 4 cấp Công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đặc biệt, đã bố trí Công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn với gần 45.000 CBCS (bảo đảm trung bình mỗi xã 5 đồng chí), đây là nguồn nhân lực quan trọng bảo đảm thu thập, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày.
Quá trình triển khai thực hiện, Bộ đã thành lập gần 100 đoàn công tác với hơn 200 lượt và gần 6.000 đoàn của Công an các địa phương kiểm tra, phúc tra đến tận cơ sở, bảo đảm chính xác thông tin đã thu thập; kiểm tra, đôn đốc và kịp thời nắm tình hình những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai 2 dự án, thống nhất đưa ra giải pháp hiệu quả cho từng địa phương. Công an các địa phương đã lập các điểm, các tổ thu nhận dữ liệu CCCD, nhất là các tổ công tác lưu động đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng già yếu... để thu thập dữ liệu CCCD, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi làm CCCD gắn chíp điện tử...
PV: Kết quả thực hiện 2 dự án đã góp phần xây dựng Chính phủ điện tử như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, sự quyết tâm vào cuộc của các bộ, ban, ngành địa phương; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và tinh thần quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lực lượng CAND mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, trong đó có Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá trong việc tổ chức, triển khai thực hiện 2 dự án.
Chiến dịch xây dựng Hệ thống CSDLQG về DC và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngày 25/2/2021, Bộ Công an đã tổ chức Lễ khai trương hai Hệ thống quan trọng nêu trên. Đến ngày 25/6/2021, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai 2 dự án và Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1/7/2021. Các sự kiện lớn nêu trên đã vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Đến nay, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an các địa phương trên toàn quốc đã thu nhận trên 58 triệu hồ sơ CCCD; tổ chức in và cấp trả 28 triệu thẻ CCCD cho công dân.
Đặc biệt, khi Hệ thống CSDLQG về DC và Hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý CCCD đi vào hoạt động sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được cắt giảm, giao dịch của công dân thuận lợi. Việc ứng dụng triệt để công nghệ vào quản lý giúp thay đổi phương thức quản lý, làm việc; giảm nhiều chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tiết kiệm ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng khi xây dựng các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách...
Những kết quả đạt được từ 2 dự án nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại. Vận hành có hiệu quả 2 hệ thống nêu trên cùng với các giải pháp công nghệ thông tin đã và đang được triển khai không chỉ làm giàu thêm Hệ sinh thái Chính phủ điện tử mà còn góp phần kiến tạo Chính phủ liêm chính, hành động, phát triển, phục vụ Nhân dân, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Việt Nam trở thành Quốc gia số.
PV: Hiện nay việc kết nối dữ liệu với các bộ, ban, ngành và địa phương được triển khai như thế nào? Vấn đề về bảo mật thông tin trong quá trình kết nối, khai thác dữ liệu, xin Thiếu tướng thông tin rõ hơn về nội dung trên?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản kết nối, khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân từ CSDLQG về DC để phục vụ 236 dịch vụ công cấp độ 4. Trong đó, có 183 dịch vụ công cấp tỉnh, 36 dịch vụ công cấp huyện và 17 dịch vụ công cấp xã. Tính đến giữa tháng 7/2021, CSDLQG về DC đã kết nối kỹ thuật với 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, CSDLQG về DC đã kết nối với Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ sở dữ liệu của Cục CSGT để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với CSDLQG về DC để cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Theo Luật CCCD thì công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, gia đình và trách nhiệm của cơ quan quản lý phải đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân trong CSDLQG về DC. Vì vậy, ngay từ khi triển khai hệ thống, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu với lãnh đạo Bộ chỉ đạo thiết kế xây dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ Trung ương đến địa phương và có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành liên quan. Hiện, hệ thống đã được trang bị bảo mật tiên tiến, do vậy thông tin của công dân được bảo đảm an toàn, bảo mật tuyệt đối.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!