Hành trình phá chuyên án thực phẩm chức năng rởm hoạt động xuyên quốc gia
Mỗi hộp thực phẩm chức năng “An cung ngưu hoàng hoàn” làm giả chỉ có giá từ 200.000 - 250.000 đồng nhưng khi bán ra thị trường, chúng được phù phép thành “hàng xách tay” từ Hàn Quốc, giá trị mỗi hộp được người bán thổi lên đến 3.000.000 đồng hoặc hơn nữa. Tổng số viên hoàn giả tại thời điểm Công an TP Thanh Hoá bắt giữ, ước tính giá trị tương đương 10 tỷ đồng…
Tiền thật mua thực phẩm chức năng rởm!
Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển mạnh, mặt hàng thực phẩm chức năng cũng được giới thiệu, bày bán khắp nơi, khó kiểm soát… Đáng chú ý, nhu cầu về thuốc, thực phẩm chức năng bổ não, chống đột quỵ đang được rất nhiều người quan tâm, khách hàng sẵn sàng “xuống tiền” với một hộp thực phẩm chức năng có giá trên dưới 3.000.000 đồng để bảo vệ sức khoẻ cho mình và người thân.
Nắm bắt nhu cầu, xu hướng người tiêu dùng, một đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn đã được hình thành ở Hà Nội rồi tỏa đi các tỉnh, trong đó có thị trường Thanh Hoá.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và môi trường Công an TP Thanh Hoá cho biết: Chuyên án “Đấu tranh với đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng trên địa bàn TP Thanh Hoá và các đơn vị có liên quan” được xác lập từ cuối năm 2023. Quá trình đấu tranh, ban chuyên án xác định, cầm đầu đường dây là Nguyễn Thị Thịnh (SN 1978), trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Trước khi điều hành đường dây, Thịnh đã có thời gian kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng nên biết cách tìm nguồn hàng để làm giả và cách tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường.
Để hàng bán có giá trị, Thịnh chọn thực phẩm chức năng là một sản phẩm viên hoàn có tác dụng hỗ trợ chống đột quỵ, do Công ty Kwangdong sản xuất, buôn bán ở thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu một số mã hàng sang Việt Nam. Thủ đoạn của Thịnh khá tinh vi, ả đặt mua các “viên hoàn” trôi nổi theo từng đợt, sau đó chia nhỏ lô hàng và phân công các công đoạn đóng gói, tiêu thụ… Địa điểm đóng gói, cất trữ hàng cũng chia thành nhiều nơi khác nhau (chủ yếu là các phòng trọ) nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Những người được Thịnh thuê đóng gói hàng đều không có việc làm ổn định, khó khăn về kinh tế, thậm chí trong số đó còn có các đối tượng nghiện... Hàng sau khi được đóng gói hoàn thiện với nhãn mác bắt mắt, giống y chang sản phẩm của Công ty Kwangdong được Thịnh tiêu thụ qua chợ thuốc Nam Từ Liêm, các nhà thuốc bán buôn, các kênh bán lẻ… Đáng chú ý, để tạo niềm tin cho khách hàng là sản phẩm thật từ nhà sản xuất, Thịnh còn sang tận trụ sở Công ty Kwangdong ở Hàn Quốc để tham quan và livestream trên các nền tảng mạng xã hội...
Đại uý Lê Văn Tuấn - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và môi trường Công an TP Thanh Hoá cho biết thêm, quá trình đấu tranh, ban chuyên án xác định, vấn đền gian nan nhất là phải liên hệ, phối hợp với đại diện của Công ty Kwangdong tại Việt Nam để có được hàng mẫu làm tiêu chuẩn so sánh với hàng giả. Đồng thời, các trinh sát được lệnh phải nắm bắt rõ quy luật hoạt động của các đối tượng về thời gian, địa điểm sản xuất, đóng gói sản phẩm; thời gian, địa điểm giao hàng… để khi phá án phải có vật chứng đầy đủ.
Và một điều quan trọng nữa là phải chứng minh được rằng, các chủ nhà thuốc, đơn vị bán hàng biết đây là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn cố tình nhập hàng để bán lại hưởng chênh lệch. Với quyết tâm cao của ban chuyên án, các trinh sát đã ngày đêm nắm bắt di biến động của các đối tượng, thông tin trinh sát chính xác gần như tuyệt đối. Do vậy, đến khi bị bắt giữ, đấu tranh, gần như tất cả các đối tượng đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Đột kích 10 phòng trọ, bắt 9 đối tượng
Sau một thời gian kiên trì đấu tranh, ngày 4/4/2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Công an TP Thanh Hoá đã huy động hơn 50 CBCS tổ chức khám xét đồng loạt tại 10 địa điểm là nơi ở, nơi làm việc, sản xuất, cất giấu hàng hoá của các đối tượng trên địa bàn TP Hà Nội và TP Thanh Hoá.
Qua khám xét, lực lượng Công an đã phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm và nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng giả, gồm: Hơn 4.000 hộp An cung viên hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm thành phẩm (loại hộp 10 viên), giá trị hàng hoá tương đương 10 tỷ đồng; 100 hộp An cung ngưu hoàng hoàn (loại 60 viên/hộp) của Công ty Samsung Pharm sản xuất.
Các nguyên vật liệu phục vụ việc sản xuất, đóng gói sản phẩm giả, gồm: 7 bì đựng vỏ lọ bằng nhựa, nắp lọ bằng nhựa được sử dụng để đựng viên An cung ngưu hoàng hoàn; hơn 1.000 tem chống giả nhãn hiệu Kwangdong, tem hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu Kwangdong; trên 1.000kg viên nén hình tròn màu vàng đã được bọc giấy màu vàng cùng nhiều công cụ, máy móc để đóng gói sản phẩm như: máy ép, súng bắn keo, ghim, băng dính…
Căn cứ kết quả đấu tranh, Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hoá đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, gồm: Nguyễn Thị Thịnh, đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, trực tiếp tìm nguồn mua các nguyên vật liệu, thuê in vỏ bao bì và thuê người đóng gói sản phẩm, sau đó rao bán ra thị trường qua các kênh phân phối; Nguyễn Lan Hương, là đối tượng trực tiếp liên hệ mua hàng giả của Thịnh; Trần Anh Cường (SN 1994), là đối tượng trực tiếp quản lý hàng hoá cho Hương, nhận đơn hàng của khách lẻ và giao hàng hoá cho khách; Ngô Thị Tú (SN 1982), là đối tượng được Thịnh thuê để in tem nhãn mác, bao bì, vỏ hộp giả; Nông Quang Hải, là đối tượng được Thịnh thuê để đóng hộp các sản phẩm An cung ngưu hoàng hoàn giả; Nhữ Thị Minh; Phạm Văn Chiến và Trịnh Thị Hiệp, là những đối tượng trực tiếp liên hệ mua hàng giả của Thịnh để bán lẻ ra thị trường.
Đấu tranh, mở rộng chuyên án, Công an TP Thanh Hóa khởi tố, bắt giam thêm đối tượng Nông Thị Hằng về hành vi sản xuất hàng giả. Trong vụ án này, Hằng là đối tượng Nguyễn Thị Thịnh thuê đóng gói sản phẩm thành phẩm thuốc chống đột quỵ giả.
Qua vụ việc trên, Công an TP Thanh Hoá khuyến cáo người dân khi mua thực phẩm chức năng nhập khẩu nói riêng, các sản phẩm nhập khẩu nói chung cần phải tìm hiểu các đơn vị sản xuất có uy tín, thương hiệu lâu năm. Đặc biệt, đối với sản phẩm nhập khẩu phải kiểm tra rõ giấy tờ xuất, nhập khẩu; sản phẩm phải có tem phụ của đơn vị nhập khẩu; quét QR truy xuất thông tin về sản phẩm…
Ngày 25/4/2024, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Trưởng Công an TP Thanh Hóa; đồng chí Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và môi trường Công an TP Thanh Hóa về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với quy mô lớn. “…Kết quả điều tra, khám phá vụ án đã góp phần bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu theo các quy chế, hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời răn đe, phòng ngừa tội phạm có tổ chức xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm hại lợi ích, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng…”, Thư khen nêu rõ.