Hiệu quả sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 ở Khánh Hòa
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự vào cuộc khẩn trương của các sở, ban, ngành sự gắn với sự đồng hành tích cực của người dân, doanh nghiệp, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đại tá Trần Minh Trúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, xác định tầm quan trọng và với vai trò thường trực Đề án 06, Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh xác lập kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập 145 tổ công tác ở 3 cấp chính quyền. Đặc biệt đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị Quyết số 30-NQ/TU ngày 23/5/2023 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Đề án 06; tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt; thành lập và phân công trách nhiệm Ban Chỉ đạo; định kỳ tuần, tháng rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tham mưu hợp nhất "Tổ công nghệ số cộng đồng" và "Tổ công tác Đề án 06" để tạo sự gắn kết, nâng cao hiệu quả triển khai, thực hiện.
Giải pháp đẩy mạnh khai thác, ứng dụng định danh điện tử VNelD và phát triển ứng dụng công dân số, tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) ở địa phương, hướng đến tiện tích cho người dân, doanh nghiệp đã được Công an tỉnh cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu tổ công tác Đề án 06 của tỉnh Khánh Hòa ký kết kế hoạch phối hợp tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ triển khai thực hiện 31 mô hình điểm về chuyển đổi số, phục vụ 5 nhóm tiện ích: giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); phát triển kinh tế, xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, 5 nhóm tiện ích đều đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong nhóm cung cấp DVCTT, đến nay hệ thống CNTT thiết yếu phục vụ Đề án 06 đã đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống thông tin giải quyết TTHC, kết nối chia sẻ 11 hệ thống thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; triển khai kho quản lý dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC điện tử và thực hiện số hóa đúng lộ trình; ban hành chính sách giảm mức thu phí, lệ phí đối với 100% DVCTT, 10/10 DVCTT thiết yếu thuộc thẩm quyền của tỉnh đã triển khai đồng bộ.
Trong nhóm tiện ích về phát triển kinh tế, xã hội, 100% cơ sở y tế khám - chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip; 100% cơ sở giáo dục, khám - chữa bệnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, 100% TTHC trả lệ phí trực tuyến, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đã được cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách; ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay tín chấp an sinh xã hội đã được 3 ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân hơn 4,5 tỷ đồng cho 104 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%.
Nhóm tiện ích phát triển công dân số cơ bản đã cấp CCCD cho 100% người có đủ điều kiện và hoàn thành chỉ tiêu tài khoản định danh điện tử theo chỉ đạo của Bộ Công an từ cuối tháng 11/2023. Theo đó đến nay toàn tỉnh Khánh Hòa đã thu nhận 1.211.064 hồ sơ CCCD, cấp 909.276 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt 834.283 tài khoản, xây dựng và sử dụng ứng dụng công dân số từ giữa tháng 10/2023.
Nhóm tiện ích kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác đã có nhiều ngành ứng dụng và khai thác hiệu quả, ghi nhận 95,5% mũi tiêm COVID-19; 100% đối tượng bảo trợ xã hội; 98,3% trẻ em; 98,2% người có công; 88% thông tin người lao động; 98% dữ liệu người dân tham gia các loiạ hình bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; số hóa 100% dữ liệu pháp, nội vụ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cập nhật dữ liệu hội viên 102.219 nông dân; 81.660 người cao tuổi; 15.565 cựu chiến binh và 13.744 chữ thập đỏ.
Nhóm tiện ích phục vụ chỉ đạo, điều hành đã được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan, đơn vị xây dựng Trung tâm điều hành thông minh IOC cấp tỉnh để vận hành từ ngày 5/4.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, tỉnh Khánh Hòa đã cấp hơn 16,3 tỷ đồng triển khai Đề án 06 và ban hành quyết định danh mục dự án, nhiệm vụ CNTT, chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025 với dự toán hơn 1.747 tỷ đồng; phát huy hiệu quả hoạt động 8 tổ công tác cấp huyện, 136 tổ cấp xã và 937 tổ cấp thôn. Nhiều lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ CNTT phục vụ Đề án 06 đã được tổ chức, cấp giấy chứng nhận trên nền tảng mô hình đào tạo trực tuyến đại chúng cho 1.289 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Nói về triển khai mô hình Đề án 06, Đại tá Trần Minh Trúc cho biết, trong số 31 mô hình đã triển khai, đến nay đã có 24 mô hình hoạt động hiệu quả như: mô hình kiosk tại trung tâm phục vụ hành chính công; 100% cơ sở khám - chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip; 15 cơ sở lưu trú du lịch và 2 cơ sở khám - chữa bệnh thí điểm nền tảng khai báo lưu trú qua phần mềm ASM; KCN Suối Dầu, Khu du lịch Tháp Bà Ponagar và nút giao đường 2 tháng 4 và Nguyễn Đình Chiểu đã thí điểm camera AI hỗ trợ công tác đảm bảo ANTT, kiểm soát ATGT.
Tại Trường Đại học Khánh Hòa, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hồng Bàng đã triển khai nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chip điện tử để phục vụ giám sát, kiểm tra thi cử và sát hạch lái xe; tại các trường học cấp THCS, THPT đã triển khai hệ thống quản lý điện tử…
"5 bài học kinh nghiệm đã được Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh Khánh Hòa rút ra để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, đổi mới tư duy. Đó là nhận thức; trách nhiệm người đứng đầu; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị chính quyền các cấp; chủ động triển khai nhiệm vụ, không trông chờ từ các bộ, ngành, Trung ương và tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư trùng lắp" - Đại tá Trần Minh Trúc cho biết thêm.