Mạch nguồn tự hào của một tờ báo

06:00 01/11/2023

Tròn 20 năm trước, vào dịp kỷ niệm 57 năm Ngày Báo CAND phát hành số đầu (1/11/1946), ngày 19/11/2003, Bộ Công an công bố quyết định hợp nhất Báo An ninh Thế giới vào Báo CAND. Từ ngày 1/1/2004, Báo CAND (bộ mới) chính thức ra mắt bạn đọc. Hai mươi năm từ dấu mốc ấy, Báo CAND vẫn luôn giữ được vị thế, là một trong những tờ báo được bạn đọc tin yêu...

Ngay sau khi hợp nhất, Đảng ủy, lãnh đạo Báo CAND đã tập trung “set up” bộ mới cho các ấn phẩm Báo CAND: Gồm báo in CAND; tiếp tục cải tiến, phát huy thế mạnh của các ấn phẩm chuyên đề như An ninh thế giới Tuần, An ninh thế giới Cuối tháng, Văn nghệ công an... Tròn 1 năm sau, ấn phẩm Báo điện tử CAND chính thức hòa mạng Internet vào ngày 23/11/2004.

Bộ trưởng Tô Lâm thăm, chúc mừng Báo CAND nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (ngày 17/6/2020). Ảnh: Xuân Trường.

Sau khi Báo CAND phát hành bộ mới, các ấn phẩm được cải tiến, nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức. Báo in CAND từng xuất bản 3-5 kỳ/tuần, đã trở thành nhật báo từ tháng 12/2006. Hiện tại, Báo CAND là một “tổ hợp báo chí” gồm nhiều ấn phẩm: Báo in CAND ra hằng ngày, Chuyên đề An ninh thế giới Tuần (tuần ra 2 kỳ vào Thứ tư và Thứ bảy), An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng (phát hành ngày 10 và 25 hằng tháng), Chuyên đề Văn nghệ công an (phát hành Thứ năm hằng tuần) và Báo điện tử CAND liên tục cập nhật thông tin để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Đặc biệt, theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, cùng với Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo CAND được xác định là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia. Đồng thời, thực hiện quy hoạch báo chí của Chính phủ và Bộ Công an, từ năm 2021, các ấn phẩm báo Công an TP Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, An ninh Hải Phòng và Công an TP Đà Nẵng trở thành chuyên đề của Báo CAND...

Trong lịch sử 77 năm xây dựng, trưởng thành, những người làm Báo CAND luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đồng hành và phục vụ hiệu quả sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ghi nhận những thành tích và kết quả công tác của Báo CAND, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Báo CAND nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý. Chỉ tính trong 25 năm qua, hằng năm Báo CAND đều giành được Giải Báo chí toàn quốc, Giải Báo chí Quốc gia, nhiều Giải Búa liềm vàng và các giải thưởng uy tín khác của các Bộ, ban, ngành. Năm 2007, Báo CAND được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; năm 2008, Trung tướng, nhà văn Hữu ước (Tổng Biên tập Báo CAND từ 2003-2013) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...

Và, gần đây nhất, năm 2021, Báo CAND vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất, là phần thưởng đột xuất dành cho đơn vị “có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của lực lượng Công an, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. 

Báo CAND đạt được những kết quả và thành tích nêu trên là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đặc biệt là sự chỉ đạo cụ thể, trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ và sự ủng hộ, tin yêu của cán bộ, chiến sĩ CAND cũng như độc giả cả nước...

Trụ sở hiện tại của Báo CAND tại số 2A Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.  Ảnh: Đặng Giang

Dấu mốc mở đầu của Báo CAND là sự ra đời của Báo Công an mới, phát hành số đầu ngày 1/11/1946. Tên gọi Công an mới đã phản ánh tôn chỉ, mục đích của tờ báo và bản chất của lực lượng CAND là “Công an của ta là công an của dân, dựa vào dân mà làm việc, vì dân mà phục vụ”. Việc Báo Công an mới ra đời trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” trước ngày toàn quốc kháng chiến đã khẳng định vai trò to lớn của công tác thông tin, tuyên truyền nói chung và báo chí nói riêng. Trong kháng chiến chống Pháp, dù tòa soạn báo phải di chuyển nhiều lần, mang nhiều tên khác nhau, song Báo Công an mới và các tờ báo kế thừa như Nội san Rèn luyện, Bạn dân... luôn phát huy vai trò tích cực, góp phần vào những thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Vinh dự và tự hào to lớn của những người làm Báo CAND là được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo, giáo dục và rèn luyện. Trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII (ngày 11/3/1948), Bác đã có những căn dặn cụ thể, sâu sắc về cách làm tờ báo Bạn dân, sao cho thiết thực, hiệu quả: ...“Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực để mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an Nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”... Thông qua thư gửi Công an Khu XII nhận xét về tờ báo Bạn dân, Người đã nêu Sáu điều “Tư cách người Công an Cách mệnh” mà trong gần 8 thập kỷ qua, là tiêu chí và kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phấn đấu, thực hiện. 

Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên đọc Báo CAND và Người đã để lại lưu bút trên Báo CAND hoặc có thư gửi lãnh đạo các cấp lưu ý việc khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến... Tháng 11/1962, qua đọc Nội san CAND có bài về đồng chí Nguyễn Văn Ân (Công an TP Hải Phòng) dũng cảm cứu sống 2 em nhỏ bị đuối nước, Bác đã thưởng huy hiệu cho đồng chí Ân; đây là chiến sĩ CAND đầu tiên được thưởng huy hiệu của Người... Báo CAND số 462 (ra ngày 25/7/1969), có bài phản ánh kết quả công tác phòng, chống buôn lậu, trộm cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước; Bác Hồ ghi bằng bút đỏ lên đầu trang báo hai chữ “Nên khen” và mở ngoặc đơn (đã nói với A.Hoàn rồi). “A.Hoàn” là đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an...

Không chỉ nhận được sự quan tâm chỉ đạo, Báo CAND còn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ trực tiếp viết bài, cộng tác với Báo; như các đồng chí Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Trần Bạch Đằng, Vũ Khoan... Bên cạnh đó, Báo CAND còn nhận được tình cảm yêu mến, đồng hành của các văn nghệ sĩ, các nhà báo trong cả nước bền bỉ cộng tác, góp phần làm cho các ấn phẩm của Báo CAND thêm sinh động, lan tỏa rộng rãi trong bạn đọc.

Những thành tích, kết quả Báo CAND đạt được trong gần 8 thập kỷ phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, có vai trò quyết định là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu lực lượng Công an, lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ. Ngay khi Báo Công an mới ra đời, đồng chí Lê Giản, Giám đốc Việt Nam Công an Vụ - người đứng đầu lực lượng CAND thời kỳ này đã trực tiếp chỉ đạo nội dung. Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và xây dựng đất nước, lãnh đạo Bộ Công an đều dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo, chỉ đạo Báo CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Gần đây nhất, ngày 17/6/2020, trong lần đến thăm, chúc mừng Báo CAND nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã dành gần 2 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến và có những chỉ đạo cụ thể với công tác báo chí. Từng có thời gian cộng tác viết bài cho Báo Nhân dân và một số tờ báo từ khi còn là cán bộ trẻ và từng có Thẻ Nhà báo, Bộ trưởng Tô Lâm rất am hiểu công tác làm báo và gợi mở nhiều vấn đề tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh vai trò của báo chí, tuyên truyền bằng dẫn chứng: Các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, có nhiều người trực tiếp viết báo, làm báo và coi báo chí là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, tổ chức lực lượng cách mạng. Bác Hồ là vị lãnh tụ, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và nhiều vị lãnh đạo tiền bối như Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... đều làm báo. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều năm làm báo, từng giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Trong buổi làm việc thân tình, đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo, giải đáp cụ thể những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, chiến sĩ... Bộ trưởng đặc biệt quan tâm tới đời sống, cơ sở vật chất của những người làm báo và cụ thể bằng việc tạo điều kiện để Báo CAND có một “trụ sở riêng, gần dân, thuận tiện cho hoạt động báo chí” - như lời Bộ trưởng bày tỏ... Nhờ sự quan tâm của đồng chí Bộ trưởng, từ ngày 1/7/2021, trụ sở Báo CAND được chuyển về vị trí mới bên Hồ Gươm (số 2A Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là tòa nhà 7 tầng có kiến trúc đẹp, diện tích sử dụng trên 2.500 m2, nằm sát tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ, thuộc “Km số 0”, chỉ cách mặt nước hồ Gươm chừng 70m... 

Nhìn lại gần 8 thập kỷ xây dựng, trưởng thành, những người làm Báo CAND tự hào về truyền thống vẻ vang của tờ báo và cảm nhận rõ mạch nguồn sự phát triển, thành công; để từ đó nỗ lực phát huy, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trần Duy Hiển

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文