Mô hình “Con nuôi Công an xã”, mái ấm ươm những mầm non của đất nước

08:20 24/01/2022

Mô hình “Con nuôi Công an xã” ra đời, góp phần cùng cả nước chung tay nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nâng bước các em đến trường, lan toả việc làm đậm chất nhân văn của người chiến sỹ CAND vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân.

Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được xác định tại Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Sau thời gian tăng cường lực lượng Công an chính quy xuống xã, thị trấn tại tỉnh biên giới Hà Giang, chất lượng công tác đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) ở địa bàn cơ sở tiếp tục được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại nơi địa đầu Tổ quốc. Cũng từ đây, Mô hình “Con nuôi Công an xã” ra đời, góp phần cùng cả nước chung tay nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nâng bước các em đến trường, lan toả việc làm đậm chất nhân văn của người chiến sỹ CAND vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bài 1: “Con nuôi Công an xã” trên cao nguyên đá Đồng Văn

Xuất phát từ sáng sớm, vượt gần 500km từ Hà Nội, qua nhiều dốc cua tay áo ngoằn ngoèo nằm vắt ngang đèo như sợi chỉ trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, mãi tới xế chiều, chúng tôi mới đặt chân đến xã Lũng Cú - mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Nơi đây để lại ấn tượng đặc biệt với chúng tôi bởi vạt hoa tam giác mạch nở muộn, sự sống nảy mầm từ những cây ngô, rau cải mọc lên trong hốc đá, cùng với nền văn hoá giàu truyền thống, lòng hiếu khách, sự chân tình mộc mạc của đồng bào các dân tộc. Khoác chiếc áo bông trần trong tiết trời giá lạnh, Thiếu tá Nguyễn Quang Hường, Trưởng Công an xã biên giới Lũng Cú cùng chúng tôi hồ hởi đi bộ một đoạn đường để đón những vị khách đặc biệt.

Lãnh đạo Công an huyện Đồng Văn, Công an xã Lũng Cú với “con nuôi” Lầu Mí Na.

 Những bông hoa nở trên đá

Sự ấm áp bởi những lời hỏi thăm chân tình, mộc mạc giữa Trưởng Công an xã và Trưởng thôn Sán Trồ, anh Thào Súa Mua, cùng thầy giáo Trần Ngọc Quyết đã xua tan bầu không khí giá lạnh của chiều Đông biên cương. Thấy có khách lạ, cậu bé Lầu Mí Na đưa tay lên kéo chiếc khẩu trang cho chặt lại rồi ngước đôi mắt đen láy nhìn chúng tôi, rụt rè nép vào cạnh “bố Hường” và thầy giáo chủ nhiệm của em. Đã được giới thiệu qua nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi đứng trước mặt là một cậu bé vóc dáng nhỏ nhắn, khắc khổ, gầy gò, nhìn như học sinh lớp 5, dù em đã học lớp 7. Có lẽ, cuộc sống ấu thơ với nhiều khó khăn, nhọc nhằn, những ngày đứt bữa khiến em không lớn phổng phao như những bạn cùng trang lứa.

Sau thời gian làm quen, cậu bé người Mông Lầu Mí Na (SN 2009, trú tại thôn Sán Trồ, xã Lũng Cú) đã cởi mở hơn khi trò chuyện với chúng tôi. “Bố, mẹ em đều chết rồi, em đang ở với bà nội, anh trai cũng đi làm xa, lâu chưa về...!”- mở đầu câu chuyện, Na chia sẻ hoàn cảnh của mình bằng giọng buồn buồn. “Nhà khổ quá, cơm không đủ ăn, nhiều lúc em không muốn đến trường, không gặp thầy, cô giáo nữa”- Na nhớ lại quãng thời gian khi bố mẹ mất, không người chăm sóc, sự nương tựa chỉ là về mặt tinh thần vì bà nội Sùng Thị Già đã gần 80 tuổi, già yếu nên em thường phải nghỉ học đi chăn bò, trồng rau, kiếm cái ăn. “Giờ em được các “bố Công an” nuôi, cuối tuần, các “bố” thay nhau đến nhà thăm, giúp đỡ bà, có lúc đón e đến chỗ làm việc và nơi ở tập thể, dạy em học, dạy em cách vệ sinh sạch sẽ và tự chăm sóc bản thân, em sẽ học thật tốt để sau này lớn lên được làm cán bộ...”, em Na mong ước. 

Thầy Trần Ngọc Quyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 7C, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Cú cho biết: “Từ đầu năm 2021, nhà trường đã khảo sát tình hình của học sinh và nắm được việc Lầu Mí Na dù còn nhỏ nhưng do hoàn cảnh khó khăn, em trở thành lao động chính trong nhà, bởi vậy mà em đã nhiều lần định bỏ học. Rất may em đã được Công an xã đỡ đầu, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ khi được làm con nuôi Công an xã, em rất chịu khó học tập, hăng hái trong các hoạt động, thậm chí còn giúp đỡ các bạn khác trong lớp cùng tiến bộ. Hiện, em là học sinh khá của lớp. Từ thứ 2 đến thứ 6, em học tập, sinh hoạt miễn phí tại trường, còn cuối tuần thì về nhà giúp đỡ bà ...”.

Những ngày bám bản, câu chuyện đẹp về em bé người dân tộc Mông Lầu Mí Na trở thành con nuôi của 5 cán bộ chính quy Công an xã Lũng Cú để lại cho chúng tôi ấn tượng khó phai, những việc làm tốt như bông hoa nở từ trên núi đá. Từ khi có chủ trương của Bộ Công an bố trí Công an chính quy tăng cường cơ sở, 5 cán bộ từ các đơn vị khác nhau của Hà Giang và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an được tăng cường về xã biên giới Lũng Cú. Và dù ở nhiều vùng quê khác nhau: Phú Thọ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Giang nhưng các anh đã đoàn kết, hoà nhập để xây dựng một đơn vị Công an xã vững mạnh nơi địa đầu Tổ quốc, bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở. Hằng tháng, các anh đã bớt tiền lương của mình trích ra 500 nghìn đồng hỗ trợ hai bà cháu Lầu Mí Na, để em Na được cắp sách đến trường, có cơ hội thay đổi số phận và đặc biệt là được sống trong tình thương yêu của các CBCS Công an miền biên viễn.

Thượng tá Đào Tuấn Hùng, Trưởng Công an huyện Đồng Văn tặng quà Tết cho “con nuôi” Hờ Mí Mua tại xã Sủng Trái.

Ngôi nhà mới cho “con nuôi” nơi vùng cao Sủng Trái

Theo chân đoàn công tác do Thượng tá Đào Tuấn Hùng, Trưởng Công an huyện Đồng Văn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn xã Sủng Trái nhân dịp Tết cổ truyền vào một buổi sáng trời mưa tầm tã, chúng tôi mới phần nào hiểu thêm những vất vả của những chiến sỹ Công an chính quy cắm bản. Đường sá đi lại lầy lội, xa xôi, ngoài căn phòng nhỏ ở trụ sở xã vừa là chỗ làm việc, tối lại biến thành phòng ngủ với những vật dụng hết sức đơn sơ nhưng cũng không đủ chỗ, họ phải ăn ở, sinh hoạt ở nhà công vụ vốn là căn nhà mái bằng lụp xụp, ẩm thấp. Công an xã Sủng Trái đã nỗ lực vượt qua bộn bề khó khăn, bảo đảm ANTT ngay từ cơ sở, với những việc làm được chính quyền, bà con ghi nhận, đánh giá cao.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, không phải là “con nuôi” của riêng Công an xã Sủng Trái, cháu Hờ Mí Mua (SN 2011, học sinh lớp 5, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trái) còn là “con nuôi” được đỡ đầu bởi Khoa Cảnh sát Hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân và Thượng tá Đào Tuấn Hùng, Trưởng Công an huyện Đồng Văn. Mất bố từ lúc chưa chào đời, đến 2 tuổi thì mẹ mất, Mua và anh trai được họ hàng chia đi hai nhà nuôi dưỡng. Ở với bà nội già yếu, không được chăm sóc sức khoẻ lại thiếu thốn trăm bề nên cháu còi cọc, xanh xao. Giờ đây, em Mua đã có ngôi nhà thứ 2, là thành viên trong gia đình Công an xã Sủng Trái. Lực lượng Công an xã Sủng Trái thường xuyên quan tâm, tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt và động viên “con nuôi” trong học tập. Ngoài giờ học trên lớp, Mua còn được “bố nuôi” là Thượng uý Hoàng Đức Huy, Công an viên của xã dạy thêm.

Hôm chúng tôi đến cũng may mắn được gặp thầy Hoàng Trung Kiên, giáo viên chủ nhiệm của cháu Hờ Mí Mua và Trưởng thôn Tìa Súng Sùng Mí Xá, xã Sủng Trái là những người luôn quan tâm, giúp đỡ gia đình Hờ Mí Mua. Thầy Kiên cho biết: “Từ khi được các cán bộ Công an nhận đỡ đầu, trò Mua chăm đi học lắm, kết quả học tập cũng tiến bộ hẳn lên, lại còn tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp. Thầy giáo và nhà trường cũng rất phấn khởi, vì đây là nguồn động viên to lớn cho cả các thầy, cô từ nhiều vùng quê xa xôi lên cắm bản, gắn bó với vùng đất địa đầu Tổ quốc này”.

Nhận món quà Tết sớm của “cha đỡ đầu” Đào Tuấn Hùng, Hờ Mí Mua nói “Cháu vui lắm vì được Học viện Cảnh sát và bác Trưởng Công an huyện, các chú Công an xã nuôi cháu ăn học đến lớp 12. Thời gian tới, cháu sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng giúp đỡ của các bác, các chú Công an. Cháu mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành một chiến sỹ Công an”.

Trong chuyến thăm, làm việc, chúc Tết sớm Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang những ngày đầu năm 2022, qua nghe báo cáo và đi thực tế, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao kết quả công tác đảm bảo ANTT của Công an tỉnh Hà Giang trong thời gian qua, nhất là hiệu quả triển khai Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Bộ trưởng đặc biệt quan tâm, biểu dương cách làm hết sức nhân văn, thiết thực của Công an tỉnh Hà Giang khi triển khai Mô hình “Con nuôi Công an xã” tại địa bàn cơ sở. Công an tỉnh Hà Giang là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thực hiện Mô hình đậm chất nhân văn, nhận nuôi dưỡng các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em có nguy cơ, hoàn cảnh dễ vi phạm pháp luật, giúp đỡ, nâng bước các em đến trường.

Hiện, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện Mô hình “Con nuôi Công an xã” qua 1 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang để từ đó nhân rộng ra Công an các đơn vị, địa phương toàn quốc, lan toả những nghĩa cử cao đẹp, những mô hình, phần việc đậm chất nhân văn của lực lượng CAND nói chung, lực lượng Công an chính quy tại cơ sở nói riêng, góp phần xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành cho biết: “Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện Đồng Văn đã được nghe Công an huyện báo cáo về mô hình triển khai thực hiện. Theo tôi, đây là một chủ trương hết sức ý nghĩa, nhân văn của Công an tỉnh Hà Giang nói chung, Công an huyện Đồng Văn nói riêng; không chỉ giúp tăng cường sự đoàn kết giữa lực lượng Công an với nhân dân mà còn góp phần to lớn trong công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Mô hình “Con nuôi Công an xã” được Công an huyện tích cực triển khai xuống tận thôn, bản, tôi đánh giá là rất hiệu quả, dù mới triển khai được 5 tháng, bước đầu thực hiện được 10/19 xã, thị trấn. Hằng tháng, lực lượng Công an xã hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm, đồ dùng sách vở cho các cháu được tiếp tục đến trường, đối tượng là các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ.

Ngoài ra, Công an xã cũng phối hợp với cán bộ thôn, bản, nhà trường để kèm cặp các cháu. Nhờ vậy mà các cháu có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, kết quả học tập tiến bộ và cũng bạo dạn, chủ động hơn. Mục tiêu thời gian tới của chúng tôi là mỗi Công an xã, thị trấn sẽ đỡ đầu cho ít nhất 1 cháu; đồng thời, huyện cũng nhân rộng mô hình này ra các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể khác để có thêm nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng, được đến trường…”.

(Còn nữa)

Anh Hiếu - Xuân Trường

Trưa 16/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa phối hợp cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và các đơn vị nghiệp vụ liên quan triệt phá đường dây vận chuyển 58 kg ma túy.

Thời gian qua, chính quyền địa phương, các ban ngành, nhất là Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã vận dụng tối đa nguồn lực, trở thành điểm tựa, hỗ trợ cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, lao động vươn lên trong cuộc sống…

Xung đột Israel-Palestine từ lâu đã trở thành tâm điểm trong quan hệ quốc tế, với giải pháp hai nhà nước được nhiều người coi là chìa khóa để đạt được hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, sau nhiều năm chiến tranh và đau thương, phần lớn người Palestine đã mất niềm tin vào giải pháp này, cho rằng đó là một giấc mơ không thể thành hiện thực.

Theo một số nguồn tin quân sự, kể từ tuần trước, các lực lượng Nga đã tăng gấp đôi cường độ tấn công của họ trên một số mặt trận, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và thời gian tới có khả năng sẽ diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, việc Nga nối lại các hoạt động quân sự ở Zaporizhzhia từ đầu tháng 10 cho thấy khả năng Moscow sẽ mở đợt tấn công lớn nhằm vào khu vực này.

Ngày 4/11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất một số giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chùa Xuân Lũng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Sáng 16/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Biên (Tây Ninh) cho biết, vừa phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ Huỳnh Văn Thanh (SN 1989, ngụ Trà Vinh), Chung Diệu Long (SN 1988, ngụ TP Hồ Chí Minh) để điều tra, làm rõ hành vi trộm và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Một buổi tối trung tuần tháng 11/2024, lớp học tình thương nằm bên đầm Sam (thuộc đầm phá Tam Giang) ở khu tái định cư (TĐC) Đập Góc, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) sáng trưng ánh đèn điện cùng nhiều tiếng cười nói của các em học sinh. Như thường lệ, cứ vào buổi tối có 20 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 ở khu TĐC Đập Góc lại mang sách vở đến lớp học miễn phí này để được thầy Hòa dạy kèm viết chữ, tập đọc và làm Toán. Bên trong phòng học rộng gần 50m2 với những bộ bàn ghế gỗ được kê san sát, các em học sinh cần mẫn ngồi viết chữ theo hướng dẫn của thầy Hòa. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại Hà Tĩnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, trong đó phổ biến vẫn là chiêu thức mạo danh người có công quyền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文