Mô hình đội công nhân xung kích ở các khu công nghiệp
Sau 5 năm (2018-2022) xây dựng mô hình, tỉnh Bình Dương hiện có 1.021 Đội CNXK trong và ngoài khu công nghiệp với 19.390 thành viên. Trong 5 năm qua, Đội CNXK trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ được 9.662 lượt tại doanh nghiệp và đã kịp thời cung cấp báo cho lực lượng Công an 3.239 tin có liên quan về ANTT...
Với gần 62.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại 41 khu - cụm công nghiệp, tỉnh Bình Dương thu hút hơn 1,6 triệu người lao động làm việc, cư trú trên địa bàn, trong đó có 53% lao động là người nhập cư và khoảng 23.000 người nước ngoài. Hằng năm trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng xảy ra trên dưới 100 vụ đình công, lãn công nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.
Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch thường trà trộn vào công nhân để kích động, lôi kéo biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng… Do vậy, công tác đảm bảo an ninh công nhân, an ninh doanh nghiệp luôn được Công an tỉnh Bình Dương đặt lên hành đầu và đề ra nhiều giải pháp phòng ngừa hiệu quả, trong đó điển hình là mô hình Đội công nhân xung kích (CNXK) tự quản về ANTT tại các doanh nghiệp.
Sau 5 năm (2018-2022) xây dựng mô hình, tỉnh Bình Dương hiện có 1.021 Đội CNXK trong và ngoài khu công nghiệp với 19.390 thành viên. Trong 5 năm qua, Đội CNXK trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ được 9.662 lượt tại doanh nghiệp và đã kịp thời cung cấp báo cho lực lượng Công an 3.239 tin có liên quan về ANTT; tiếp nhận và giải quyết hơn 1.182 vụ việc, phối hợp tham gia chữa cháy trên 57 vụ. Đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra đình công tại 210 doanh nghiệp; phối hợp với chủ doanh nghiệp và lực lượng Công an ổn định tình hình an ninh, trật tự 29 vụ đình công.
Để hỗ trợ về chuyên môn, cơ quan Công an các cấp đã phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp tổ chức 316 đợt tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng cho 13.489 thành viên của Đội CNXK. Nhờ cách làm này mà đến nay đã có hàng trăm, hàng ngàn vụ mâu thuẫn trong công nhân và giữa công nhân với người bên ngoài được kịp thời ngăn chặn, hòa giải.
Trước đây, các doanh nghiệp chưa thành lập Đội CNXK có lúc xảy ra đình công, lãn công hoặc xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến tình hình ANTT (trộm cắp tài sản, gây rối,…) nhưng từ khi thành lập Đội CNXK, thì tình hình đình công, lãn công, số vụ trộm cắp tài sản giảm đáng kể.
Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, Đội CNXK đã thật sự phát huy vai trò của mình khi đã rất tích cực trong việc phối hợp ngành Y tế, lực lượng chức năng tham gia truy vết, test nhanh COVID-19, tiêm vaccine cho người lao động…
Để ghi nhận những đóng góp thiết thực đó, trong 5 năm qua, UBND tỉnh Bình Dương đã tặng bằng khen cho 46 tập thể và 52 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh tặng bằng khen 53 tập thể, 62 cá nhân; UBND cấp huyện khen thưởng 88 tập thể và 142 cá nhân có thành tích trong thực hiện Đề án thành lập Đội CNXK tự quản về ANTT trong doanh nghiệp và trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Tuy đã đạt được kết quả khả quan nhưng theo UBND Bình Dương, việc thành lập mô hình Đội CNXK vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là công tác phối hợp giữa các ban, ngành có thời điểm chưa thường xuyên, một vài doanh nghiệp chưa thật sự chú trọng và nhận thức hết tầm quan trọng của việc thành lập Đội CNXK nên quá trình vận động, tiếp xúc có nơi có lúc vẫn còn gặp khó khăn. Một số Đội CNXK hoạt động chưa đồng đều, chưa phát huy hiệu quả do có sự biến động về nhân sự nên khó khăn trong việc quản lý, kiện toàn. Do vậy mà trong thời gian tới, các ban, ngành chức năng tỉnh Bình Dương sẽ cố gắng tối đa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục nhân rộng mô hình này, nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong các khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.