Kỷ niệm 75 năm Báo CAND phát hành số đầu (1/11/1946-1/11/2021)

Một đơn vị báo chí có “xuất phát điểm” đáng tự hào

06:20 01/11/2021

LTS: Đại tá, nhà văn Phạm Khải, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND chính thức nhậm chức Tổng Biên tập Báo CAND từ ngày 1/2/2020. Đây là thời gian dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam và ngày càng “tác oai tác quái”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, trong đó có đời sống báo chí.

Để giải quyết suôn sẻ công việc của hiện tại, với bất kỳ “thủ lĩnh” cơ quan báo chí nào cũng đã là khó khăn, vậy mà ông và các cộng sự còn phải chịu áp lực rất nhiều từ những công việc tồn đọng của quá khứ, cũng như những đề án sẽ được thực hiện trong tương lai. Việc nhiều, người ít. Đâu là động lực để vượt qua? Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Báo CAND (1/11/1946-1/11/2021), phóng viên đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn cùng Đại tá, nhà văn Phạm Khải.

Trang Báo CAND có bút tích của Bác Hồ.

PV: Thưa Đại tá, nhà văn Phạm Khải! Khi còn là Phó Tổng biên tập, ông đã được giao chủ biên - có thể gọi là tác giả - cuốn kỷ yếu 70 năm Báo CAND. Như vậy, lịch sử Báo CAND hẳn ông rất rành. Nếu nói về những ngày đầu thành lập Báo, ông sẽ nói điều gì?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Là người ít nhiều nghiên cứu về lịch sử báo chí, tôi có thể tự tin khẳng định: Báo CAND là một đơn vị báo chí có “xuất phát điểm” đáng tự hào. Bạn hãy nhớ là, khi chúng ta giành được chính quyền, dân số Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu người; tỉ lệ mù chữ rất lớn, tới 95%. Vậy mà ngay từ những số đầu, Báo Công an mới (tiền thân của Báo CAND ngày nay) đã có số lượng in lên tới 5.000 bản. Đặc biệt, những người gắn bó với tờ báo thời kỳ đầu đều là những “nhân vật lịch sử”.

Người trực tiếp đứng ra xin giấy phép cho Báo là đồng chí Nguyễn Tài, sau này là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an). Và người cấp giấy phép là nhà văn Nguyễn Công Hoan, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, khi ấy giữ chức Giám đốc Kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ. Chỉ đạo thực hiện Báo thời kỳ đầu là đồng chí Lê Giản, Giám đốc Việt Nam Công an vụ, vị trí cao nhất của ngành Công an thời bấy giờ. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Báo chuyển thành Nội san Rèn luyện, xuất bản tại chiến khu Việt Bắc, các đồng chí Trần Duy Hưng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an luân phiên trực tiếp đọc duyệt Báo.

PV: Và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND cũng có khởi đầu từ việc Bác Hồ gửi thư cho Báo CAND…

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Không phải Bác Hồ gửi thư cho Báo CAND, mà là sau khi nhận được tờ Nội san Bạn dân do đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu 12 gửi lên biếu Bác, Bác đã gửi thư cho Công an khu 12, trong đó có nhắc tới 6 Điều dạy. Có lẽ vì đồng chí Hoàng Mai sau này từng phụ trách Báo CAND, và Nội san Rèn luyện (Báo CAND hiện nay) đã đăng bức thư của Bác để Công an các khu, tỉnh học tập nên một số người đã nhớ nhầm ra như vậy. Tất nhiên, với Báo CAND, Bác Hồ có những quan tâm cụ thể. Báo từng vinh dự được Bác đọc và cho ý kiến.

Đọc bài “Lực lượng Cảnh sát nhân dân phục vụ tốt cuộc vận động chống đầu cơ, buôn lậu, lấy cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước” in trên Báo CAND số ra ngày 27/5/1969, Bác ghi bằng mực đỏ lên đầu bài hai chữ “nên khen” và mở ngoặc đơn (đã nói với A Hoàn rồi) (A Hoàn là đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an). Lần đầu tiên cán bộ, chiến sĩ Công an được thưởng Huy hiệu Bác Hồ là qua việc Bác đọc bài viết biểu dương trên Báo CAND (khi ấy là Nội san CAND).

PV: Khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Báo CAND 75 năm qua, ông thấy có điểm nào cần đặc biệt chú ý?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Không phải nói theo khuôn mẫu, mà sự thật là quá trình hình thành và phát triển của Báo CAND hoàn toàn tương ứng và “gắn” với bước trưởng thành và phát triển của lực lượng CAND. Thời đất nước còn chiến tranh, mặc dù vai trò của lực lượng CAND là to lớn, song vẫn còn “ẩn” đi so với một số lực lượng khác. Thời bình, vai trò của lực lượng Công an được “nhìn thấy” rõ hơn, bao trùm hơn. Đặc biệt là khi đất nước mở cửa, hội nhập tới nay. Báo CAND cũng vậy. Nếu khi mới ra đời, Báo phát hành công khai, thì khi “theo” Chính phủ đi kháng chiến, Báo chủ yếu phát hành nội bộ. Kháng chiến chống Mỹ cũng vậy. Việc phát hành nội bộ kéo dài tới mấy chục năm, dù khi ấy Báo đã thu hút được nhiều cộng tác viên là các văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Tới năm 1988, sau hai năm Đảng ta phát động công cuộc Đổi mới và đất nước đang từng bước hội nhập, Báo mới chính thức được phát hành công khai. Và với “tiền đề” đã có, Báo “hội nhập” rất nhanh. Chỉ sau ít năm, Báo đã nhanh chóng bứt lên, trở thành một trong những tờ báo có lượng bạn đọc lớn trong cả nước. Đặc biệt, với ấn phẩm An ninh thế giới, Báo từng có lượng phát hành lên tới gần 80 vạn bản, một “hiện tượng” của làng báo Việt Nam.

PV: Ý ông muốn nhắc tới ấn phẩm An ninh thế giới thời kỳ Trung tướng, nhà văn Hữu Ước làm Tổng Biên tập?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Thời kỳ nào cũng vậy, nói đến An ninh thế giới là phải nói tới Hữu Ước. Và nói tới Hữu Ước thì trước hết phải nói tới An ninh thế giới. Sự tồn tại và phát triển của An ninh thế giới nhiều lúc khiến tôi hình dung như sự tồn tại của một ban nhạc nổi tiếng, kiểu ABBA trước đây. Thực tế, ở thời kỳ đỉnh cao, An ninh thế giới tạo dựng được thương hiệu cũng chỉ gắn với một số người. Nhưng đó là những cây viết thực sự xuất sắc, có tên tuổi và rất giàu cá tính. Đó là Nguyễn Như Phong, là Nguyễn Quang Thiều, là Đặng Vương Hưng, là Nguyễn Hồng Lam, là Hồng Thanh Quang, là Đỗ Doãn Hoàng... Chừng chục người đổ lại. Tất nhiên là còn đội ngũ cộng tác viên, nhưng nòng cốt, thường trực là những con người này. Lạ là hầu hết họ đều là nhà văn. Họ vừa viết văn vừa viết báo. Vừa làm báo vừa trực tiếp viết báo. Giống như ban nhạc ABBA, họ tự sáng tác và tự biểu diễn. Hữu Ước cũng trực tiếp viết. Hữu Ước là người “nhạc trưởng” có khả năng “truyền lửa”. Vai trò “nhạc trưởng” của ông là không thể phủ nhận.

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa gắn huy hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới lên cờ truyền thống của Báo CAND (ngày 12/2/2007).

PV: Trải qua các thời kỳ, Báo CAND không chỉ có một “nhạc trưởng”. Đại tá, nhà văn Phạm Khải có thể cho biết, những “nhạc trưởng” ấy đã để lại dấu ấn gì đối với tờ Báo như trường hợp Trung tướng, nhà văn Hữu Ước?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Tất nhiên, không phải ai cũng có vai trò bao trùm được tờ báo của mình để có thể gọi là “nhạc trưởng” như Hữu Ước. Nhưng đúng là, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Muốn đánh giá tầm vóc, đóng góp của một con người, phải đặt họ vào “thời”, “thế” của họ. Tôi không công tác ở Báo CAND thời kỳ Đại tá Trần Liêu làm Tổng Biên tập (từ 1982 tới 1987). Cũng không được chứng kiến thời kỳ Báo chuẩn bị ra công khai của Đại tá Chu Phùng; sự tăng kỳ từ 1 lên nhiều kỳ trong tuần của Đại tá, nhà văn Ngôn Vĩnh, nhưng tôi nghĩ, đó là những bước đột phá của Báo và để thực hiện được điều đó, “các bác” chắc chắn cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn, áp lực. Đọc các bài hồi ức về thời kỳ này, tôi càng có cảm nhận như vậy. Mặc dù, xét về quy mô thì Báo CAND thời đó không thể bề thế như sau này. 

PV: Ông vừa nhắc tới hai từ “quy mô”. Theo cách nhìn nhận của ông, Báo CAND hiện nay, trong tương quan làng báo, ở vị trí nào?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Sẽ không được tế nhị nếu tôi trả lời trực diện câu hỏi này, nhất là khi tôi lại là Tổng Biên tập. Tôi chỉ muốn cung cấp một số thông tin, để từ đó bạn đọc có cái nhìn bao quát hơn về Báo CAND. Báo CAND, ngoài Báo Điện tử còn có ấn phẩm CAND ra hằng ngày và các ấn phẩm chuyên đề: An ninh thế giới Tuần, An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, Văn nghệ Công an; chưa kể các Báo: An ninh Thủ đô, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an TP Đà Nẵng và An ninh Hải Phòng, từ ngày 1/3/2021 đã trở thành chuyên đề của Báo CAND và đang trong quá trình thực hiện việc trở thành đơn vị “phối thuộc”. Chắc chắn, trong hệ thống báo chí cả nước, không có cơ quan báo chí nào có nhiều ấn phẩm báo in như vậy, lại có tới 5 tờ gần như ra hằng ngày.

Chưa hết, theo Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Báo CAND cùng với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án trở thành các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia. Dẫn ra như vậy để thấy, Báo CAND thực chất đang “đứng ở vị trí nào” và được Đảng, Nhà nước nhìn nhận ra sao?

Còn nói về bạn đọc, tôi lại xin cung cấp một thông tin hoàn toàn mang tính khách quan: ở Việt Nam có không ít cơ quan báo chí từng xuất bản thêm các ấn phẩm chuyên đề, nhưng không phải nơi nào cũng xây dựng được các chuyên đề có thương hiệu riêng, có thể tồn tại độc lập trong lòng bạn đọc như các chuyên đề An ninh thế giới Tuần, An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, Văn nghệ Công an. Thực tế, trên cương vị Tổng Biên tập, tôi từng không ít lần nhận được liền lúc hai giấy mời dự hội nghị của cùng một đơn vị. Một giấy mời “Tổng Biên tập Báo CAND”, một giấy mời “Tổng Biên tập Báo An ninh thế giới”. Đơn vị gửi giấy mời gần như quên mất Báo CAND và Chuyên đề An ninh thế giới chỉ là một, và chung Tổng Biên tập.

Đại tá, nhà văn Phạm Khải (thứ 4 từ phải qua) cùng các đồng chí trong Ban Biên tập, lãnh đạo một số ban chuyên môn vinh dự đón nhận bình gốm do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng nhân Kỷ niệm 74 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (ngày 1/11/2020).

PV: Nói về việc thu hút độc giả, theo nhìn nhận của không ít người, Báo CAND luôn có lợi thế. Ông thấy nhận xét ấy có thực sự chính xác?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Không rõ họ nói “lợi thế” ở đây là lợi thế về đề tài, hay lợi thế trong việc khai thác đề tài? Thời đại bây giờ, đề tài không còn là độc quyền của riêng báo nào, nhất là thứ đề tài liên quan tới mọi nhà như đề tài về an ninh trật tự. Còn nói về lợi thế khai thác, cụ thể là việc Báo CAND có thuận lợi khi tiếp cận nguồn tin từ cơ quan điều tra, trước khi đi vào điều này, xin chia sẻ thực lòng là, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song nhiều lúc nghiêm khắc nhìn lại, đối chiếu với những gì mà một số cơ quan báo chí khác làm được, Báo CAND tự thấy bản thân còn những mặt hạn chế.

Báo chưa nhiều bài viết mang tính phát hiện, đột phá, tạo hiệu ứng to lớn trong dư luận xã hội, mở ra bước ngoặt trong công tác điều tra, xử lý tiêu cực (ví như vụ Trịnh Xuân Thanh với khởi đầu từ chuyện xe cá nhân gắn “biển xanh”). Cũng có vụ việc, như vụ bổ nhiệm “siêu tốc” Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối với ông Vũ Minh Hoàng (26 tuổi) ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, mặc dù phóng viên Báo CAND là một trong những người đầu tiên có tài liệu và đã cho đăng báo từ rất sớm bài “Nghi án Trịnh Xuân Thanh thứ 2: Ông Phó vụ trưởng tuổi 26”, song nhìn chung, những kiểu bài có tính phát hiện nói trên thực sự vẫn còn ít.

Tạm thời chúng tôi xác định có 2 lý do dẫn tới tình trạng trên. Về chủ quan: Phóng viên Báo CAND hơi nệ vào tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp (vốn là lợi thế so với một số cơ quan báo chí khác). Mà khi các vụ việc đã đi vào tài liệu của cơ quan điều tra thì có nghĩa nó đã mất đi phần nào yếu tố “mới mẻ”, có “tính phát hiện” rồi. Cách làm việc mang tính thụ động này của phóng viên cũng là điều chúng tôi đã ý thức được và sẽ có biện pháp nắn chỉnh trong thời gian tới.

Về khách quan: Báo CAND là báo của Bộ Công an, của cơ quan bảo vệ pháp luật. Khác với nhiều cơ quan báo chí, khi một vụ việc được đưa lên Báo CAND để phê phán thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Người có hành vi tiêu cực bị “bêu” lên báo là có thể nghĩ mình “bị bắt tới nơi”. Bởi vậy, trước mỗi vụ việc, nếu phóng viên không có bằng chứng chắc chắn thì rất dễ đối mặt với kiện tụng (các đối tượng không dễ bỏ qua như trường hợp bị “bêu” ở báo khác). Bên cạnh đó, qui trình viết bài, duyệt bài tại Báo CAND rất chặt chẽ. Lãnh đạo Bộ Công an cũng xử lý rất nghiêm khắc với các sai phạm của phóng viên.

Tất nhiên, chúng tôi ý thức, việc làm báo khó như đi trên dây. Cầu toàn quá không nên mà mạo hiểm quá cũng không được. Bởi vậy, tiêu chí làm báo của Báo CAND từ nhiều năm nay luôn là “Nhân văn -Tin cậy - Kịp thời”. Và Báo xác định cả ba yếu tố này đều quan trọng như nhau.

PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về tiêu chí này?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Chúng ta đều biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng Công an là bảo vệ, giữ gìn sự bình ổn của xã hội. Với báo chí của lực lượng Công an, cả 3 yếu tố “Nhân văn”, “Tin cậy”, “Kịp thời” đều góp phần vào sự bình ổn của xã hội. Nếu một bài viết thực sự nhân văn sẽ góp phần làm vợi đi những bức xúc, những khiếu kiện không đáng có của nhân vật được nêu đối với một cá nhân, một tổ chức nào đó, kể cả với cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí. Một bài viết với những thông tin đúng đắn, tin cậy chắc chắn cũng đem lại hiệu quả như vậy. Và một bài viết với những thông tin vừa nhân văn, vừa tin cậy, vừa kịp thời thì hiệu ứng xã hội lại càng tốt hơn nữa. Ở đây, tôi xin nhắc lại: Tất cả những điều đó đều góp phần vào sự bình ổn của xã hội.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi người viết phải hội đủ 3 yếu tố: Có tâm, có trí, có tài. Có tâm để biết đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật được phản ảnh, biết đồng cảm, sẻ chia với nỗi bất hạnh của họ, qua đó mới hy vọng có được những trang viết thực sự nhân văn. Có trí để từ những gì mình nhìn thấy, nghe được, có cách phân tích vấn đề một cách đúng đắn, thuyết phục, tạo được sự tin cậy nơi bạn đọc. Và có tài để có thể nắm bắt, xử lý thông tin kịp thời, cạnh tranh được trong xu thế toàn cầu hóa hôm nay. Chung quy lại, cả 3 yếu tố ấy - như một nhà báo lão thành đúc kết - đó là “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc”. Một nhà báo giỏi, chân chính phải là một nhà báo có “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc”.

PV: Theo tôi quan sát, Báo CAND quả là “lò rèn quân”. Không ít cán bộ của Báo khi ra công tác bên ngoài, đã trở thành người đứng đầu cơ quan báo chí. Như các nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới; Lưu Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Kinh doanh và pháp luật; Hồng Thanh Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết; Nguyễn Hồng Thái, Tổng Biên tập Tạp chí CAND…

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Điều này không chỉ bạn “phát hiện” ra đâu. Chính nhà báo Đinh Thế Huynh, khi đến thăm Báo CAND trên cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã nêu điều ấy. Và tôi muốn bổ sung thêm, không chỉ các nhà báo từng là cán bộ, thậm chí là Phó Tổng Biên tập Báo CAND như những cái tên mà bạn vừa nhắc, còn có những đồng chí chỉ là phóng viên của Báo CAND, khi ra ngoài đã phấn đấu và giờ thì giữ cương vị Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập một số cơ quan báo chí. Nhẩm qua cũng tới chục trường hợp. Việc nhiều cán bộ, phóng viên từng công tác tại Báo CAND “thăng tiến” ở các cơ quan báo chí bên ngoài là một trong những khía cạnh thể hiện uy tín, vị thế của Báo CAND. Một điều nữa mà với tư cách những người làm nghề, chúng tôi rất lấy làm tự hào, là kể từ khi giải Báo chí toàn quốc - Giải Báo chí quốc gia ra đời tới nay, Báo CAND là đơn vị có nhiều tác giả đoạt giải. Theo thống kê thì hiện chưa năm nào Báo CAND để “trống” giải. 

Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, chiến sĩ Báo CAND trong dịp đến thăm, chúc mừng Báo nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (ngày 17/6/2020).

PV: Vừa rồi chúng ta bàn nhiều về câu chuyện của quá khứ. Giờ là lúc để nói về hiện tại. Thưa Đại tá, nhà văn Phạm Khải! Thực hiện Nghị định số 01/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 6/8/2018, Báo CAND cùng với Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh CAND, Nhà xuất bản CAND hợp nhất thành Cục Truyền thông CAND. Xin Đại tá, nhà văn cho biết, đến với mô hình mới, Báo CAND gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Những năm đầu hợp nhất, đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Miên còn là Tổng Biên tập. Đồng chí Phạm Văn Miên cũng là người sâu sắc. Giá như bạn hỏi thêm được đồng chí ấy thì nội dung câu trả lời sẽ đầy đủ hơn. Riêng cá nhân tôi nhìn nhận thì công tác thông tin tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh, và có sự thay đổi rõ rệt. Thiết nghĩ, đối với Bộ Công an, đây là điều quan trọng nhất. Bởi thay đổi mô hình tổ chức nào, đầu tư con người, tiền của ra sao, cuối cùng cũng là để cho công việc đạt hiệu quả cao hơn. Còn tại sao lại đạt hiệu quả như vậy, theo tôi là do có sự chỉ đạo quyết liệt, trước nhất là từ lãnh đạo Cục, “cao” nữa là từ lãnh đạo Bộ. Chúng tôi vẫn đùa với nhau, trước đây còn Tổng cục, còn cấp “trung gian”, nay bỏ Tổng cục rồi, anh em mình “gần mặt trời” hơn, chắc chắn áp lực công việc sẽ lớn hơn. Trước đây, đâu có chuyện Báo CAND “được” báo cáo kế hoạch công tác tuần lên đồng chí Thứ trưởng. Bây giờ thì... có đấy (cười).

Nói vui vậy, thực sự là từ khi nhập Cục tới giờ, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ ngày càng rõ hơn, đậm hơn. Đến giờ, cán bộ, chiến sĩ Báo CAND vẫn không quên kỷ niệm về lần Bộ trưởng Tô Lâm tới thăm, chúc mừng Báo nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Mặc dù sáng đó (17/6/2020), Bộ đã tổ chức cuộc mít tinh, gặp gỡ toàn thể anh chị em công tác trong các cơ quan báo chí của lực lượng Công an, song Bộ trưởng Tô Lâm vẫn bố trí thời gian thăm riêng Báo. Và Bộ trưởng đã trò chuyện, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ của Báo tới một tiếng rưỡi. Cuộc trò chuyện để lại thật nhiều cảm xúc. Chưa hết, cuộc tổng kết công tác năm 2020, Cục Truyền thông CAND cũng vinh dự được đón đồng chí Bộ trưởng. Quá vinh dự vì trong các đơn vị Công an toàn quốc, Bộ trưởng chỉ dự vài ba cuộc tổng kết công tác năm như vậy.

Những ai từng nghe Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại những hội nghị lớn, như Hội nghị Công an toàn quốc, sẽ thấy Bộ trưởng chỉ đạo rành rẽ về rất nhiều lĩnh vực công tác chiến đấu của lực lượng Công an. Ở đây, Bộ trưởng nói về lĩnh vực báo chí truyền thông, và rất thú vị là Bộ trưởng nói với sự am tường, đặc biệt thấu đáo của một người “trong cuộc”, mặc dù trước đó, Bộ trưởng khiêm tốn bảo ở lĩnh vực này, ông là người “ngoại đạo”; nói với cán bộ, chiến sĩ Cục Truyền thông CAND là “múa rìu qua mắt thợ”.

Không chỉ quan tâm tới đời sống tinh thần, Bộ trưởng Tô Lâm còn rất quan tâm tới đời sống, cơ sở vật chất của những người làm báo. Bộ trưởng từng than phiền, dịch COVID-19 thế này, báo chí khó khăn lắm. Và chính Bộ trưởng là người quan tâm, tạo điều kiện để Báo CAND có một “trụ sở riêng, gần dân, thuận tiện cho hoạt động báo chí” (như Bộ trưởng từng lưu ý), với vị trí mà chúng tôi thường nói vui với nhau là, không phải “đất vàng” mà là “đất kim cương”. Tòa nhà 7 tầng có kiến trúc đẹp, cổ kính, diện tích mặt bằng trên 600 m2; diện tích sử dụng trên 2.500 m2, nằm sát nhà Bưu điện Bờ Hồ, thuộc “km số 0”, chỉ cách mặt nước Hồ Gươm chừng 70m đã được dành làm trụ sở Báo CAND (tòa nhà số 2 Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Báo CAND có một trụ sở hội đủ các yếu tố: khang trang, bề thế, riêng biệt và tọa lạc ở vị trí đắc địa như vậy. Cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên của Báo, ai nấy đều rất “kết” trụ sở này. Mọi người sắm sanh cây cảnh, năng chăm nom, trang trí cho phòng làm việc của mình đẹp hơn, năng chụp ảnh, check-in cảnh trí trong và ngoài trụ sở để đưa lên facebook nhiều hơn. Một không khí mới, niềm cảm hứng mới lan tỏa khắp đơn vị. Chúng tôi càng thêm tự hào khi được biết, nếu như bên Quân đội, đích thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chọn trụ sở cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 4 Lý Nam Đế), thì bên Công an, đích thân Đại tướng Tô Lâm chọn trụ sở cho Báo CAND.

Sự quan tâm của lãnh đạo Bộ còn thể hiện ở chỗ, ngay ngày đầu tiên Báo CAND chuyển về trụ sở mới (1/7/2021), đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã tới thăm, chúc mừng tập thể Báo (đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn là người rất sâu sát, chăm lo cho quá trình sửa chữa, tu bổ trụ sở Báo tại số 2 Đinh Lễ).

Một góc trụ sở mới của Báo CAND tại số 2 Đinh Lễ (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Xuân Trường.

PV: Đại tá, nhà văn Phạm Khải vẫn đang nói về những thuận lợi. Có lẽ vào dịp Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, ông chưa muốn nhắc tới những khó khăn, vướng mắc chăng?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Đúng là Báo CAND hiện còn đối mặt với nhiều khó khăn. Chỉ là tôi nghĩ, cơ bản đó là những khó khăn do “nội tại”. Như câu chuyện chung cư Báo CAND từng ầm ĩ trên mạng xã hội chẳng hạn, đó là do “nội tại”. “Anh” đang làm báo lại nhảy sang xây nhà, một lĩnh vực “anh” hoàn toàn xa lạ. Việc giờ tạm “ổn” nhưng đó chỉ là câu chuyện của hiện tại. Sẽ còn rất nhiều vướng mắc phải giải quyết. Trong đời, có những việc nặng nhưng không khó, đây vừa là việc nặng vừa là việc khó, thậm chí rất khó. Rồi chuyện nhân sự lãnh đạo thiếu hụt nghiêm trọng. Nếu gọi đây là “lỗi” thì là “lỗi dây chuyền”.

Một đơn vị báo chí nhiều ấn phẩm thế, bộ máy vận hành với tốc độ thế, mà Ban Biên tập, ngoài Tổng Biên tập chỉ vẻn vẹn hai Phó Tổng biên tập, trong đó một đồng chí phụ trách hành chính, trị sự thì kiêm nhiệm (đồng chí làm chính trên Cục), một đồng chí phụ trách nội dung (duy nhất) lại ở TP Hồ Chí Minh, đợt dịch COVID-19 này coi như “án binh bất động” (bình thường sau 1 tháng đồng chí luân phiên ra Hà Nội trực 2 tuần). Giờ hầu hết các cuộc họp ở các Bộ, Ngành, Tổng Biên tập phải cử Trưởng ban đi thay.

Cách đây 15 năm, khi Báo CAND còn chưa ra đủ 7 số 1 tuần; các ấn phẩm chuyên đề cũng chưa nhiều kỳ như bây giờ, đơn vị đã được Bộ bố trí tới 6 Phó Tổng biên tập, mà toàn những ông “thiên lôi” cả. Mỗi ông lo một mảng, và tất cả đều ở Hà Nội (Đặng Đình Thành, Lưu Vinh, Phạm Văn Miên, Nguyễn Như Phong, Đặng Văn Lân, Đinh Quang Tốn; sau khi đồng chí Đặng Đình Thành nghỉ thì bổ sung nhà báo Hồng Thanh Quang). Mới đây, đồng chí Bộ trưởng đã ký ban hành Thông tư Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, bộ máy của Cục Truyền thông CAND, trong đó có Báo CAND. Hy vọng bộ máy tổ chức của Báo CAND sẽ được bổ sung ổn thỏa trong thời gian tới. Và việc sắp xếp các ấn phẩm Báo Công an địa phương thành chuyên đề của Báo CAND, căn cứ Thông tư nói trên cũng sẽ được thực hiện suôn sẻ hơn.

PV: Khó khăn thì khó khăn vậy nhưng theo tôi được biết, trong một cuộc liên hoan chia tay tòa soạn, Đại tá Nguyễn Tuấn, nguyên Trưởng Ban Trị sự, bộ phận mà các mảng công việc thường gắn với Thủ trưởng đơn vị hơn cả, đã đưa ra nhận xét, mặc dù thời gian Đại tá Phạm Khải phụ trách đơn vị chưa lâu, song đã tạo được nhiều dấu ấn. Ông có thể chia sẻ thêm điều này?

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Xin cho tôi không trả lời câu hỏi này. Vấn đề ai cần tìm hiểu xin cứ tự tìm hiểu qua cán bộ, chiến sĩ. Họ đa phần là người viết, họ có cách nhìn nhận, đánh giá riêng của họ, không ai có thể “nói thay” được. Tôi chỉ bổ sung một chi tiết vui thế này: Hôm anh Nguyễn Tuấn phát biểu câu ấy, anh ấy nói đại ý là mặc dù đồng chí Phạm Khải mới chỉ giữ chức Tổng Biên tập hơn 2 năm thôi… (sự thật khi ấy tôi mới chỉ giữ chức Tổng Biên tập hơn 1 năm). Tôi có cảm tưởng ở cơ quan, nhiều người nghĩ tôi giữ cương vị Tổng Biên tập đã lâu.

Cũng xin nói thêm, năm 2020 là một năm của các “thể loại” đại hội. Tôi tham gia nhiều hội hè, tổ chức, nên đó cũng là năm tôi phải (bị) “cân, đo” nhiều nhất (cười). Kết quả đại hội, theo tôi nghĩ đó cũng chính là một thứ “thước đo” dành cho mình. Đến nay, tôi vẫn luôn ý thức, mặc dù áp lực công việc rất nhiều, song tôi đang được sống trong bầu không khí “trên thuận, dưới hòa”. Sự thực, tập thể Báo CAND là một tập thể đoàn kết, giàu tình nhân ái. Tôi thấy tôi hạnh phúc khi được sống, làm việc trong môi trường ấy.

PV: Thừa hưởng thành quả được làm nên bởi công sức của bao thế hệ, và cả phần còn dang dở, với tư cách Tổng Biên tập, theo ông, đâu là điều mà những người làm báo Báo CAND cần rút ra như bài học kinh nghiệm dành cho chính mình? 

Đại tá, nhà văn Phạm Khải: Trong cuốn kỷ yếu 70 năm Báo CAND, tôi từng gửi gắm ở “Lời nói đầu”: “Với mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan đơn vị, quá khứ là một tài sản. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên Báo CAND hôm nay thực sự tự hào về tài sản vô cùng lớn lao mà mình đang thừa hưởng”. Tôi nghĩ, quá khứ có điều hay, điều chưa hoàn thiện. Cả cái hay, cái chưa hoàn thiện đều là “tài sản”. Còn nó có thành “tài sản” hay không chính là do thế hệ hậu bối có biết biến nó thành bài học hay không?

Có một câu châm ngôn mà tôi luôn tâm đắc “Muốn thay đổi thế giới, trước hết hãy thay đổi chính mình”. Và “Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay”. Chỉ cần con người biết tiết chế tham vọng cá nhân, mở lòng yêu thương nhiều hơn, mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tốt đẹp cho cộng đồng và tốt đẹp cho chính mình. Các cộng sự của tôi ai cũng biết, tôi là người bận rộn. Anh Nguyễn Hữu Phúc, nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản CAND, khi chứng kiến tôi liền lúc giải quyết nhiều việc, tay vừa sửa văn bản, miệng trao đổi công việc qua điện thoại, mà toàn việc áp lực, đã thốt lên rằng, đúng là phải có “thần kinh thép” mới “trụ” được. Tôi mỉm cười và nghĩ, suy cho cùng, “bận rộn” đến mấy cũng không sợ bằng “bận tâm”. Hãy sống sao để chỉ bị hối thúc bởi trách nhiệm, chứ không bị giày vò bởi lương tâm. Mà về điều này, tôi có thể nói rằng, đến nay tôi hoàn toàn thanh thản.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại tá, nhà văn Phạm Khải về cuộc trò chuyện!

 

Hoàng Quân (thực hiện)

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文