Nơi huấn luyện những “chiến binh bốn chân”
Vào năm 1959, lớp đào tạo cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên ở Việt Nam được khai giảng tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân). Khóa học gồm 44 đồng chí, là những người đặt nền móng cho sự ra đời của lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.
Hiện tại, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ là đơn vị nghiệp vụ đặc thù và duy nhất của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) trong công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia đấu tranh, trấn áp, phòng ngừa tội phạm và hỗ trợ điều tra, truy xét tội phạm.
Thiếu tá Phan Đình Thiện, Đội trưởng Đội chăn nuôi thú y chia sẻ, đội của anh có nhiều tổ như tổ chăm nuôi chó giống, tổ chăm sóc chó dự bị, tổ thú y... với nhiều công việc khác nhau như phối giống sinh sản tạo nguồn chó nghiệp vụ, chăm sóc chó con (chó dự bị)... đặc biệt là chăm sóc bảo vệ sức khoẻ những chú chó tại trung tâm cũng như hỗ trợ các đơn vị, địa phương về phương pháp chăm sóc chó nghiệp vụ.
Đứng trước bệnh xá thú y của trung tâm, Thiếu tá Thiện cho biết, nhiều cán bộ ví von nơi đây gần giống như một bệnh viện đa khoa chuyên phục vụ cho chó nghiệp vụ. Quả thật như vậy khi mà bệnh xá này không chỉ điều trị cho những chú chó nghiệp vụ tại trung tâm hoặc các đơn vị địa phương khác chuyển về mà còn thực hiện cả những ca đỡ đẻ cho chó mẹ.
Chia sẻ về công việc này, Thiếu tá Thiện cho biết, để có một chú chó nghiệp vụ đạt đủ yếu tố về khả năng khứu giác cũng như sức khoẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì phải trải qua một quá trình huấn luyện khá công phu. Tuy nhiên phần lớn chó nghiệp vụ đều là giống chó từ vùng ôn đới, khi nuôi dưỡng tại Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc có khí hậu khác sẽ dễ bị nhiều bệnh, nhất là bệnh hô hấp khi thời tiết thay đổi. Điều này khiến các nhân viên tại trung tâm phải có chế độ chăm sóc đặc biệt cho từng giống chó. Như với giống chó Berger Đức (hay còn gọi là chó chăn cừu Đức), một trong những giống chó được sử dụng nhiều nhất cho công tác an ninh, quốc phòng, các cán bộ trung tâm phải dành cho chúng sự chăm sóc rất đặc biệt. Một chú chó từ lúc mới sinh đã được chăm sóc cẩn thận. Lớn hơn một chút sẽ được phân loại theo dõi và phân tích về sức khoẻ. Theo Thiếu tá Thiện chia sẻ, giống chó này rất dễ dính một căn bệnh là "yếu chân" do thiếu canxi trong cơ thể dẫn đến tình trạng di chuyển khó khăn nên trong quá trình chăm sóc từ lúc là chó con đã phải theo dõi rất kỹ để có biện pháp chữa trị nếu mắc phải.
Công tác phối giống chó nghiệp vụ cũng đòi hỏi công phu từ việc chọn lựa con giống đến cách chăm sóc. Thậm chí nhiều ca chó mẹ khó đẻ, các cán bộ thú y tại trung tâm phải tiến hành mổ đẻ. Các cán bộ tại đây nói vui là bệnh xá giống như “bệnh viện phụ sản” cho chó nghiệp vụ. Có những ca mổ sinh đã cho ra đời cả chục chú chó con. Nhìn những chú chó nhỏ bé trên tay, nhiều cán bộ chia sẻ họ thấy vui và hạnh phúc không chỉ vì góp phần xây dựng đội ngũ chó nghiệp vụ cho trung tâm mà còn có sự phấn khích khi được đón chào những sinh linh mới chào đời.
Trong chuyến thăm tới trung tâm, chúng tôi gặp Đại uý Hà Thu Trang, nữ cán bộ đầu tiên của lực lượng Công an tham gia công tác huấn luyện chó nghiệp vụ. Tốt nghiệp đại học ngành Thú y, lại có sẵn tình yêu động vật, Trang viết đơn xin ứng tuyển một vị trí tại trung tâm. Hơn 10 năm công tác, Đại uý Hà Thu Trang đã có nhiều kỷ niệm với công việc có phần đặc biệt này.
Tại trung tâm hiện đang nuôi dưỡng và huấn luyện năm loại chó chính, trong đó chó nghiệp vụ phụ giám định nguồn chủ yếu là hai loại Berger Đức và Malinois, trong khi chó làm nhiệm vụ trấn áp thì đa phần là giống Rottweiler. Tuy nhiên dù là huấn luyện loại chó nghiệp vụ nào thì quy tắc bất thành văn của các cán bộ tại trung tâm là luôn không để điện thoại trong túi quần. Chia sẻ về điều này, Đại uý Hà Thu Trang cho biết, khi huấn luyện, việc chó va đập vào người huấn luyện là thường xuyên, với các giống chó ôn đới vốn khoẻ mạnh nên nếu để điện thoại ở túi quần như bình thường, nhất là điện thoại thông minh có màn hình lớn thì nguy cơ bị vỡ màn hình là rất lớn.
Ngoài ra việc xây xát, bị thương trong công tác huấn luyện chó nghiệp vụ cũng không phải điều hiếm thấy với những cán bộ tại đây. Gần như đa số các cán bộ làm công tác huấn luyện tại đây đều từng bị chó cắn một lần. Đại uý Hà Thu Trang cho biết, chó nghiệp vụ có bản năng dữ tợn, đặc biệt là ham ăn, nên khi cho ăn không cẩn thận rất dễ bị chúng cắn, bản thân cô cũng từng bị chó cắn một lần. Có trường hợp cán bộ bị chó nghiệp vụ cắn còn phải tới bệnh viện khâu vết thương.
Thông thường các chú chó sau khi được phân loại thì đến 1 năm tuổi sẽ bắt đầu được huấn luyện. Trải qua quá trình huấn luyện công phu, tuỳ theo sự tiến bộ của từng chú chó mà chúng sẽ được sử dụng làm chó nghiệp vụ tại trung tâm hay phân giao về các đơn vị địa phương. Tuy nhiên đến khi chó nghiệp vụ đã rời trung tâm, công việc của các cán bộ tại đây vẫn chưa kết thúc. Họ vẫn thỉnh thoảng phải xuống địa phương hay sang các đơn vị khác để hỗ trợ về phương pháp chăm sóc, sử dụng chó nghiệp vụ. Một hoạt động quan trọng khác của các cán bộ thú y tại trung tâm là chữa trị cho những chú chó nghiệp vụ bị ốm, bị thương trong quá trình chiến đấu. Sau 10 năm, Đại uý Hà Thu Trang cho biết, cô vẫn nhớ rõ về “bệnh nhân” đầu tiên mà mình chăm sóc khi trở thành cán bộ của trung tâm. Đó là một chú chó nghiệp vụ được Công an tỉnh Yên Bái gửi tới. Chú chó bị suy nhược do viêm phổi nặng, Trang và đồng đội liên tục thay nhau chăm sóc “bệnh nhân” đặc biệt này. “Với tôi chó nghiệp vụ không chỉ là tài sản, phương tiện phục vụ công tác chiến đấu của lực lượng mà còn là người bạn, một sinh linh nên nếu có thể giúp để kéo dài sự sống cho chúng, tôi luôn nỗ lực hết sức mình”, Đại uý Hà Thu Trang chia sẻ và cho biết vì chú chó nghiệp vụ đó mà cô đã có đêm đầu tiên ở lại trung tâm để theo dõi tình hình của ca bệnh này. Sau một thời gian tích cực điều trị, niềm vui đã đến với Hà Thu Trang và các đồng đội khi chú chó nghiệp vụ trên đã bình phục và có thêm hai năm phục vụ trong lực lượng CAND.
Không chỉ chăm sóc, huấn luyện chó nghiệp vụ, hiện tại đơn vị cũng đang tập huấn cho cán bộ Công an hai nước bạn Lào và Campuchia về công tác sử dụng chó nghiệp vụ trong hoạt động bảo vệ an ninh trật tự.