Trung tá Công an có nhiều sáng kiến trong phòng, chống dịch tại Trại tạm giam T30
Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh năm 2000, anh vào ngành Công an và có duyên với công tác Hậu cần của Công an TP Hồ Chí Minh. Hiện nay Trung tá Trương Vĩnh Phúc đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Hậu cần Công an TP Hồ Chí Minh.
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phía Nam và diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hồ Chí Minh đã huy động toàn lực để phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa bàn thành phố, đảm bảo an ninh an toàn trại tạm giam, nhà tạm giữ…
Từ ngày 28/6/2021, Trung tá Trương Vĩnh Phúc được UBND TP Hồ Chí Minh và Công an thành phố giao nhiệm vụ Phó Giám đốc khu cách ly dã chiến và khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trại tạm giam T30 (đóng tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi).
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án T30, dự án đầu tư xây dựng công trình Trại tạm giam thuộc Công an TP Hồ Chí Minh và Trại tạm giam thuộc Tổng cục An ninh, Trại tạm giam thuộc Tổng cục Cảnh sát tại TP Hồ Chí Minh (ký hiệu T30), được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt vào ngày 5/3/2009, với tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 là 60ha.
Sau khi xây dựng và hoàn thiện các hạng mục, Công an TP Hồ Chí Minh đã cho chuyển toàn bộ số phạm nhân ở Trại tạm giam Chí Hòa (quận 10) về cơ sở mới T30 để thực hiện giãn cách, phòng, chống dịch COVID-19, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho các can phạm nhân.
Từng là Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng Trại tạm giam T30 nên Trung tá Trương Vĩnh Phúc là người hiểu rõ hơn ai hết về quy mô, đặc tính kỹ thuật của cơ sở mới của Trại. Ngay sau khi nhận quyết định Phó Giám đốc khu cách ly dã chiến và khu điều trị bệnh nhân COVID-19, anh đã cấp tốc lên đường xuống Trại tạm giam T30 để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngay từ ngày đầu, thực tế Trại tạm giam T30 có khá nhiều bệnh nhân dương tính với SAR-CoV-2. Dù bản thân chưa được đào tạo trường lớp về ngành y nhưng đứng trước thách thức quá lớn, anh phải cố gắng tìm mọi cách cùng đồng chí, đồng đội để hoàn thành nhiệm vụ, khống chế được tình trạng lây nhiễm bệnh và chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19; đặc biệt bản thân anh cùng đồng chí, đồng đội cũng phải tự giữ được sức khỏe để không bị lây nhiễm bệnh.
Đầu tháng 7 là khoảng thời gian cao điểm nhất của dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và cả nước. Cùng với đội ngũ y, bác sĩ của cả nước được tăng cường về Trại tạm giam T30 từ Bệnh viện 30-4, Bệnh viện 199, 198, Bệnh xá Công an các tỉnh ngày đêm nỗ lực cố gắng để thực hiện các biện pháp chữa trị, phòng, chống dịch bệnh, tìm ra các giải pháp để hạn chế lây lan dịch bệnh, thực hiện điều tra dịch tễ để phân luồng, điều trị bệnh nhân tại T30. Và mục tiêu quan trọng là hạn chế hết sức việc lây nhiễm chéo và lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ đang làm việc trong khu cách ly và điều trị.
Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cung cấp kịp thời trang thiết bị vật tư y tế, dụng cụ phòng, chống dịch, sửa chữa cải tạo các khu dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, các khu phân luồng theo đề nghị của đội ngũ y tế cùng với việc đảm bảo hậu cần, chế độ ăn uống cho hơn 600 cán bộ, y bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại T30.
Kết quả là sau gần 100 ngày điều trị, phòng, chống dịch, toàn bộ Trại tạm giam T30 đã không còn bệnh nhân COVID-19, không còn ca nhiễm mới nào và đặc biệt là trong suốt quá trình tham gia tại T30, không có cán bộ chiến sĩ hay y, bác sĩ, nhân viên y tế… nào bị lây nhiễm bệnh. Đó là một trong những thành công rất lớn, góp phần trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đợt thứ 4 năm 2021.
Trung tá Trương Vĩnh Phúc chia sẻ bản thân gia đình anh thì vợ anh là bác sĩ Bệnh viện quận 3 khi tham gia phòng, chống dịch cũng đã bị nhiễm bệnh. Vì thế, trong hơn 100 ngày hai vợ chồng anh tham gia phòng, chống dịch đều phải làm việc và ở riêng cách xa nhau. Các con anh, đứa nhỏ nhất hơn 2 tuổi, cũng đã phải gửi về quê cho ông bà trông giữ.
Gặp anh hôm 27/10 khi anh được nhận Bằng khen của Bộ Công an để ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch, Trung tá Trương Vĩnh Phúc bày tỏ xúc động và cảm ơn sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị bạn đã hỗ trợ trong đợt dịch này. Anh cũng mong muốn rằng còn rất nhiều cán bộ chiến sĩ, các lực lượng khác cũng đã cống hiến rất nhiều trong đợt đại dịch, mong cũng sớm được động viên khen thưởng.