Làm thế nào để nhận biết và khắc chế tin giả?

17:13 10/01/2020
Sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của mạng internet trong kỷ nguyên kỹ thuật số khiến thông tin được chia sẻ, được lan truyền một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh dòng chảy tích cực, không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều rủi ro do tính thiếu xác thực của thông tin.


Tại Việt Nam, người tham gia mạng xã hội ngày càng tiếp xúc nhiều với tin tức giả, chưa được xác thực, chưa được kiểm chứng. Làm thế nào để nhận biết và khắc chế tin giả đang là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia về công tác truyền thông giáo dục ở các trường đại học (ĐH) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức ngày 9-1, ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News đã có những chia sẻ về tin giả, hệ lụy và cách thức khắc chế. Theo ông Ngô Văn Hải, tin giả (Fake New) là thông tin giả mạo, sai lệch và giật gân, được phát đi dưới hình thức tin tức đang là mối nguy ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Tin giả hiện có 4 loại gồm tin lừa đảo, tin thiên vị, tin câu view và tin vu khống. Động cơ của tin giả là vì tiền, lý do chính trị, làm rối loạn xã hội, làm mất uy tín báo chí chính thống hoặc vui đùa quá trớn. Đặc biệt, tin giả ngày càng được thực hiện một cách tinh vi, chuyên nghiệp. Trong đó, các đối tượng tung tin giả thường dựa vào những sự kiện thời sự nóng bỏng để dựng đứng, bịa đặt thông tin; từ câu chuyện thật nhưng giật tít sai sự thật, nội dung khác đi và đặc biệt là xuất bản trên nền tảng IA của Facebook.

“Công nghệ mới giúp tạo các video như thật và khiến nhân vật nói những điều mà họ chưa bao giờ nói ra. Các video do máy tính tạo ra cũng đang ngày càng giống như thật, thậm chí rất khó để phát hiện nhờ deep learning và trí tuệ nhân tạo. Một phần mềm Windows có tên gọi FakeApp giúp dễ dàng tạo ra các video clip nếu người dùng thu thập đủ số ảnh của đối tượng. Ngoài ra, công cụ deepfake đáng sợ hơn khi cho phép “nhét” lời vào miệng người khác bằng cách nhập văn bản”- ông Hải chia sẻ.

Ông Ngô Văn Hải cho biết,  hiện các chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra một số cách thức giúp người đọc có thể phát hiện tin giả thông qua 6 bước. 

Bước thứ nhất là kiểm tra xem bài viết đến từ nguồn nào? 

Bước thứ hai là đọc kỹ trang giới thiệu để biết rõ ai đang vận hành website đó và người ta có nói rằng đây là trang châm biếm hay cố tình đăng tin giả không? 

Bước thứ ba là kiểm tra câu trích dẫn. Nếu bài viết trích dẫn lời một người nổi tiếng hoặc đến từ đại diện một cơ quan chức năng như sỹ quan cảnh sát, hãy thử gián câu đó vào công cụ tìm kiếm. 

Bước thứ tư là kiểm tra đường link bằng cách click vào các đường link trong bài viết và kiểm tra xem link có hoạt động không hoặc có từ nguồn tin cậy không? 

Bước thứ năm là tìm kiếm ảnh ngược với những hình ảnh và các sản phẩm khác trong bài viết. 

Bước thứ sáu là chậm lại. Nếu như câu chuyện quá hoàn hảo, quá hay tới mức khó tin hoặc khiến bạn có phản ứng xúc cảm mạnh mẽ thì hãy tỉnh trí lại một chút. 

Ngoài 6 bước này, có thể tham khảo thêm một số cách thức khác như thận trọng nếu các trang tin tức nổi tiếng không thông tin về câu chuyện này; những tên miền kỳ cục thông thường đưa ra những tin kỳ cục và ít khi đúng sự thật; thiếu tên tác giả cho thấy câu chuyện cần thẩm định. 

Đặc biệt, đối với các tin tức càng nóng bỏng, đáp ứng sự tò mò của tuyệt đại đa số, càng giống chỉ diễn ra trong tưởng tượng, càng gây căm phẫn… thì càng phải cảnh giác. Tin tức có nhiều chữ viết kỳ lạ kiểu như xen vào bằng dấu chấm, tin tức có tít ngô nghê, phi logic như “Bộ Công an bắt Phó Tổng giám đốc công ty điện lực và 6 đồng phạm vì tăng giá điện vô tội vạ”; đường dẫn có đuôi kỳ lạ, thường là .org cũng cần phải thẩm định…

Vấn nạn tin giả hiện đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Kinh nghiệm chống tin giả tại nhiều quốc gia phát triển cho thấy, phải có luật với những chế tài mạnh. Tại Singapore đã xây dựng dự Luật Chống nạn tin trực tuyến giả với phạt án tù giam lên tới 10 năm cho người tung tin giả. 

Các nền tảng mạng internet bao gồm các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter cũng sẽ được yêu cầu phải thực hiện chuyển đổi để hạn chế tình trạng phát tán những thông tin sai lệch bằng cách hiển thị các thông báo đính chính trên các nội dung đó, hoặc xóa bỏ chúng. Nếu không thực hiện điều này, các nhà cung cấp mạng xã hộ có thể chịu phạt tới 1 triệu USD Singapore. 

Mạnh tay hơn là nước Nga, chính quyền có thể khóa các trang điện tử không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch và cá nhân có thể bị phạt hơn 8.000 USD vì phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng. 

Tại Việt Nam, trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin & truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả.

Huyền Thanh

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文