Nga muốn đưa robot hạt nhân lên Mặt Trăng
Viện nghiên cứu Vũ trụ Nga thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Nga và Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moscow đang phát triển 3 mẫu robot tự hành khám phá Mặt trăng, một trong số chúng sẽ được trang bị động lực hạt nhân.
“Trong năm 2016, chúng tôi đã tiếp tục công việc phát triển một mẫu robot tự hành cho công cuộc khám phá Mặt trăng", báo cáo của Viện Nghiên cứu Vũ trụ cho hay. Robot tự hành này sử dụng động lực hạt nhân có thể nặng tới 550-750 kg.
Các nhà khoa học dự kiến sử dụng mẫu robot này tại vùng cực của Mặt trăng nơi có rất ít ánh nắng mặt trời. Vì vậy, ngoài pin mặt trời, robot được trang bị nguồn năng lượng hạt nhân cho phép nó hoạt động liên tục trong khoảng 400 km.
Nguồn năng lượng hạt nhân trên robot tương tự như các tàu vũ trụ không người lái, chẳng hạn như tàu Voyager từng được phóng ra khỏi Thái Dương Hệ có thể hoạt động mà không cần ánh sáng mặt trời.
Một ưu điểm của loại robot động lực hạt nhân này là nó có thể mang được khối lượng thiết bị nghiên cứu rất lớn (70Kg) do đó các nhà khoa học Nga dự kiến trang bị cho nó 1 máy khoan và thiết bị lấy mẫu đất có thể đào sâu tới 1,5m. Ngoài ra nó còn có 16 cảm biến để nghiên cứu địa chấn trên mặt trăng.
Nước Nga cũng tạo ra một mẫu robot thứ 2 có kích cỡ vừa phải khoảng 200-250 kg, nó sẽ chỉ sử dụng pin mặt trời vào có thể sẽ được phóng lên Mặt trăng cùng với trạm hạ cánh tự động Luna-Resurs-1 vào năm 2021.
Mẫu robot thứ 3 có trọng lượng khiêm tốn nhất chỉ khoảng 20-30 kg. Robot này sẽ làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong bán kính khoảng 500m từ trạm hạ cánh tự động. Nó sẽ tìm kiếm các khu vực có hàng lượng nước cao. Dự kiến robot này sẽ được đưa lên Mặt trăng cùng trạm tự động Luna Resource và Luna-Globe vào năm 2019.
Liên Xô trước đây là quốc gia đầu tiên đưa robot lên mặt trăng vào tháng 11-1970 và tháng 1-1973. Robot đầu tiên đã di chuyển khoảng 10,5 km và chụp 20.000 tấm ảnh, còn robot thứ 2 đã hoạt động trong 4 tháng và đi được 40km.