Nở rộ ứng dụng gọi xe công nghệ: Cơ quan chức năng vẫn “lúng túng” trong quản lý
- Thêm một ứng dụng gọi xe công nghệ cho người dân Thủ đô
- Ra mắt ứng dụng gọi xe APPP do người Việt thiết kế
- Gọi xe ôm qua smartphone
Ngày 1-7 vừa qua, Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã chính thức cho ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo.MyGo là nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ di chuyển - giao hàng trên phạm vi toàn quốc. Ngay sau khi ra mắt vào hôm qua, MyGo sẽ được triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Như vậy là MyGo sẽ chính thức tham chiến trong lĩnh vực gọi xe cùng với Grab, FastGo, be, Go-Viet. Theo nhận định, ứng dụng MyGo đang có lợi thế vô cùng lớn khi đã có sẵn một lượng bưu tá sẵn có ở các địa phương.
Việc cùng lúc “bung” ứng dụng này ra các tỉnh, thành phố cả với dịch vụ giao hàng và chở người có vẻ đã được tính toán kỹ lưỡng và sẽ giúp MyGo chiếm lĩnh thị trường các địa phương (ngoài Hà Nội và TP HCM) nhanh hơn so với các đối thủ còn lại.
Ứng dụng gọi xe công nghệ ra đời, tạo sự thuận lợi hơn cho hành khách. |
Trước đó, “tân binh” Be của Tập đoàn BeGroup cũng đã gia nhập thị trường ứng dụng gọi xe. Đặc biệt, ứng dụng được xem là đối thủ đáng gờm của “ông lớn” Grab hiện nay.
Theo đó, ứng dụng Be cũng mạnh mẽ tham gia thị trường với cước phí rẻ, nhiều khuyến mại cho người dùng và cả lái xe, mức chiết khấu thấp… cũng giúp Be nhanh chóng chiếm lĩnh được lượng khách hàng không nhỏ. Trong khi ra đời trước đó như Go-Viet, FastGo hay Aber lại tỏ ra khá mờ nhạt, dù trước đó, CEO của FastGo hay Go-Viet cũng đưa ra nhiều tuyên bố khá mạnh mẽ.
Như vậy đến nay, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ Việt đang nở rộ với cả chục ứng dụng tham gia kết nối xe công nghệ như Grab, FastGo, Go-Viet, Be, Mailinh, Aber, MyGo…
Phải chăng, thị trường Việt đang là mảnh đất màu mỡ với mảng ứng dụng gọi xe công nghệ, hay cũng bởi sự quản lý còn lỏng lẻo, dễ dãi từ cơ quan chức năng mới dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”?. Và, có lẽ cũng chưa thị trường nào trên thế giới lại có đa dạng các ứng dụng gọi xe hoạt động như Việt Nam.
Đáng nói, ngay khi vừa ra mắt thì Bộ GTVT đã có văn bản gửi Viettel Post “tuýt còi” ứng dụng gọi xe này.
Cụ thể, trong công văn vừa gửi tới Viettel Post, Bộ GTVT khẳng định là luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải (hàng hóa, hành khách), trong đó khuyến khích các đơn vị cung cấp phần mềm, doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, phải đáp ứng đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật về thương mại điện tử.
Đặc biệt, đối với việc kết nối xe hợp đồng dưới 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản), đây là nội dung thuộc chương trình thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 kèm theo Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Bởi vậy, Bộ GTVT đề nghị Viettel Post gửi Đề án nêu trên đến địa phương mà công ty xin được thí điểm (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan Bộ GTVT sẽ xem xét, quyết định.
Đối với việc đăng ký hoạt động thương mại điện tử, Bộ GTVT đề nghị Viettel Post gửi đề nghị đến Bộ Công Thương để được hướng dẫn; các quy định về chính sách thuế và hoạt động của doanh nghiệp đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước sự “bùng nổ” của taxi công nghệ, mới đây, tại thông báo kết luận số 204/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn với chữ "Xe hợp đồng" trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12x30cm xe đối với xe ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử để vận chuyển hành khách (đặc biệt lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe… khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe); nghiên cứu thêm các hình thức quản lý khác, từ đó thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông, đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo nghị định.
Để siết quản lý loại hình taxi công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc bổ sung nội dung này nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi; đồng thời, phân biệt với xe cá nhân (loại xe không kinh doanh vận tải), làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này. Từ đó, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, nghị định này tiếp thu và được sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp taxi lớn và một số Sở Giao thông Vận tải.
"Đặc biệt đối với nội dung, quy định này cũng đã được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế hiện nay cũng đã có một số nước như Thái Lan, Singapore... xe ứng dụng công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe", công văn Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Tính đến thời điểm này, trên cả nước đã có khoảng 36.000 xe tham gia loại hình taxi công nghệ. Với 14 đơn vị được tham gia đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24 gồm: Công ty CP Be Group (ứng dụng Be), Công ty CP thương mại điện tử Vận Thông (Vato), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car), Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Linh Trang (LB.Car), Công ty TNHH Phúc Xuyên (Emddi-Quảng Ninh), Công ty TNHH Thương mại công nghệ Go-Viet (ứng dụng GoCar) và Công ty cổ phần FastGo Việt Nam (ứng dụng FastGo). |