Robot “made in Việt Nam” phục vụ trong bệnh viện, siêu thị
- Đã mắt với dàn robot tối tân trong “siêu đại bản doanh” của Vsmart
- Robot "cá bay" sử dụng nước tạo ra khí và tự phóng lên
- Cây robot lọc ô nhiễm không khí
Robot FUSO –tích hợp được những tính năng vượt trội và độc đáo, chứng minh sức sáng tạo và khát vọng của các nhà khoa học trẻ Việt Nam, muốn tạo ra các sản phẩm robot “made in Việt Nam” có ứng dụng thiết thực trong đời sống, tiến tới thương mại hóa sản phẩm robot nội địa. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Robot FUSO.
PV: Thưa PGS Chử Đức Trình, Robot FUSO có những tính năng khác biệt nào để giúp ích trong cuộc sống?
PGS.TS Chử Đức Trình: Robot FUSO được chúng tôi gọi là “Hướng dẫn viên thời đại 4.0” có thể nhận diện được khuôn mặt – nhớ được khuôn mặt của những vị khách đã gặp và chào khi gặp vị khách đó, đồng thời cập nhật khuôn mặt của những vị khách mới sau lần đầu gặp.
PGS.TS Chử Đức Trình nói về những tính năng độc đáo của Robot FUSO. |
Robot FUSO thân thiện với người dùng – có thể nhận diện được các cử chỉ vẫy tay của con người từ xa và phản ứng lại với các cử chỉ đó. Robot FUSO còn có thể di chuyển linh hoạt tới mọi nơi trong một không gian đóng, có thể xác định được địa điểm yêu cầu và di chuyển tới đó, tránh được các vật cản.
Với các tính năng này, Robot FUSO có thể được sử dụng trong bệnh viện, trong bảo tàng hay siêu thị, giúp ích người tiêu dùng. Bệnh nhân đến bệnh viện, robot này có thể dẫn họ đến phòng khám; trong siêu thị, nếu người mua hàng muốn mua hàng gì, nói tên hàng, robot FUSO sẽ dẫn họ đến chỗ đó. Hiện đã có tập đoàn lớn có ý tưởng muốn đặt hàng loại robot này.
PV: Ý tưởng sản xuất Robot FUSO này bắt đầu từ đâu, thưa ông?
PGS.TS Chử Đức Trình: Đây là sự hợp tác sâu sắc giữa Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Công nghệ Chiba của Nhật Bản (là trường hàng đầu thế giới về robot, họ có rất nhiều robot đã ra ngoài thị trường).
Khi hai nhà trường hợp tác với nhau, Trường Đại học Công nghệ Chiba quyết tâm giúp đỡ nhóm nghiên cứu chúng tôi. Khi triển khai nghiên cứu thì chúng tôi được lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đặt hàng chế tạo ra một con robot trước mắt có thể ứng dụng cho phòng truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lâu nay ở ta có hiện tượng sản phẩm khoa học công nghệ làm xong hay bỏ lên nóc tủ, giờ quan điểm của chúng tôi là sản phẩm đấy phải được ứng dụng trực tiếp.
Xuất phát từ quan điểm đó, chúng tôi nỗ lực tạo ra một sản phẩm robot vừa có tính nền tảng, tổng hợp nhiều công nghệ, kỹ tính năng hiện đại, vừa có thể triển khai ứng dụng thực tế để áp dụng vào đời sống kinh tế xã hội, cụ thể là một robot ứng dụng cho hướng dẫn viên có thể sử dụng trong các bảo tàng, phòng trưng bày.
Cái tên FUSO (Future Solusion – Giải pháp tương lai) cũng hàm chứa thông điệp đó. Chúng tôi mong muốn Robot FUSO sau này sẽ được nhân rộng, với sự hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế lớn.
Nhóm nghiên cứu chế tạo ra Robot FUSO. |
PV: Quá trình chế tạo ra FUSO, có điều gì thú vị và nhóm có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
PGS.TS Chử Đức Trình: Trước đây nhìn thấy một con robot, chúng tôi nghĩ đơn giản là chỉ cần có một cái bánh xe, có hệ thống máy tính tự động là xong, nhưng quả thực để có được cái bánh xe mà động cơ chuyển động được cần phải có sự tinh tế, công phu, mà nếu không có nghiên cứu chuyên sâu thì không thể làm ra được.
Rất may mắn là chúng tôi nhận được sự chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Công nghệ Chiba Nhật Bản, nhờ đó, nhóm có thể bỏ qua được cả chục năm nghiên cứu.
Đây là điều thú vị, nhưng khó khăn còn rất nhiều bởi những công nghệ mang tính lõi thì bên phía Trường Đại học Công nghệ Chiba giúp, nhưng những công nghệ mang tính hỗ trợ thì hiện Việt Nam chưa phát triển.
Ví dụ, vỏ của robot hiện giờ đang rất khó khăn, chúng tôi đã thuê một nhóm người Pháp giúp nhưng kinh phí vô cùng lớn. Phía Công ty Mỹ thuật Trung ương cũng đã hỗ trợ, nhưng hiện vỏ của Robot FUSO chưa được chau chuốt. Chúng tôi đã nhận ra hạn chế này nên sắp tới sẽ đầu tư tốt hơn cho mảng mỹ thuật công nghiệp, thiết kế công nghiệp…
Robot FUSO. |
PV: Vậy khi nào Robot FUSO có thể được nhân rộng ra cộng đồng?
PGS.TS Chử Đức Trình: Công nghệ làm ra con robot này rất cao, khoảng 2 tỉ, dù là sản xuất đơn chiếc. Nên sắp tới robot phải tối ưu cho cấu hình sử dụng, đưa vào nơi có kinh phí để sản xuất.
Theo tôi, muốn nhân rộng ra thì phải giảm giá thành, khi đó rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Chúng tôi nói điều đó để muốn chia sẻ rằng, cần rất nhiều điều kiện và thời gian để hoàn thiện con robot này, sẵn sàng cho thương mại nội địa. Một cái xe máy có thể chở hàng, có thể chở người đi chơi, đi làm việc, làm sao con robot này cũng phải “đa năng” như vậy, không phải xuất phát từ phía nhà khoa học, mà từ phía người ứng dụng, người tiêu dùng. Trí tuệ nhân tạo phải đi liền với cuộc sống.
Đấy là một hành trình rất dài của nhóm nghiên cứu để có thể chế tạo ra nhiều Robot FUSO trong tương lai.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS!