Tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của tin giả
Những ngày này, Việt Nam tiếp tục đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở mức độ nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh thì người dân và cơ quan chức năng cũng đang đối mặt với nạn tin giả liên quan đến dịch bệnh xuất hiện nhiều trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội. Từ việc hàng loạt cá nhân bị xử phạt hành chính do đăng tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của tin giả.
Ảnh minh hoạ: Việc người dân phát tán tin giả sẽ gây thêm khó khăn cho lực lượng chức năng trong phòng chống dịch COVID-19 |
Phát tán tin giả về dịch COVID-19, hàng loạt cá nhân bị xử phạt
Từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương trên toàn quốc đã tiến hành xử phạt hành chính hàng chục trường hợp tung tin giả, tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2021, lực lượng Công an đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) một số địa phương xử phạt từ 5 - 12,5 triệu đồng đối với các cá nhân tung tin đồn thất thiệt liên quan đến dịch COVID-19.
Đáng chú ý, ngay trong ngày 10/5, Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội xử phạt một cá nhân đã đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch COVID-19. Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an TP. Hà Nội phát hiện trang Facebook H.N.P đăng tải nội dung “Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa”. Đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Tiến hành xác minh, cơ quan Công an đã làm rõ chủ tài khoản là anh T.V.D, SN 1982 ở quận Hoàng Mai. Tại cơ quan công an, anh D đã thừa nhận việc đăng tải thông tin không đúng, gỡ bỏ thông tin vi phạm và cam kết không đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Công an TP.Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang Sở TT&TT và cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với anh D theo quy định tại Nghị định 15/2020/ NĐ-CP của Chính phủ về hành vi “Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử đưa thông tin sai sự thật”.
Trước đó, vào ngày 6/5, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xử phạt ông Lê Quang H, chủ tài khoản Facebook 5 triệu đồng do đã đăng thông tin các cá lây nhiễm COVID-19 không có địa điểm, địa chỉ cụ thể, rõ ràng gây hoang mang cho cộng đồng. Làm việc với cơ quan chức năng, ông H. đã thừa nhận vi phạm và cam đoan từ nay về sau không tái diễn hành vi tương tự, đồng thời, đã gỡ nội dung thông tin không chính xác nêu trên và đăng kèm lời xin lỗi.
Cùng ngày, Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với bà H.T.T, chủ tài khoản có tên là “Chuột Nhắt” do đăng tải nội dung không đúng sự thật liên quan đến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, gây hoang mang cho người dân…
Sau gần 5 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm xử lý Tin giả, đơn vị trực thuộc Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cũng đã tiếp nhận hàng trăm phản ánh của người dân đề nghị xác minh các thông tin được nghi ngờ là tin giả, tin sai sự thật. Qua quá trình sàng lọc, xác minh thực tế, Trung tâm đã dán nhãn “tin giả” cho hơn 40 tin có nội dung không đúng sự thật. Trong số này, có rất nhiều thông tin liên quan đến việc cá nhân đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội về dịch COVID-19.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho rằng: Số lượng vụ việc về đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật bị cơ quan chức năng xử lý đã tăng mạnh trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Điều này xuất phát từ 2 lý do: Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực và dịch COVID-19 trong giai đoạn bùng phát mạnh mẽ.
“Trước đây, mặc dù chúng ta đã có quy định xử lý người tung tin giả, tin sai sự thật nhưng chưa rõ, chế tài kèm theo cũng chưa phù hợp. Khi có Luật An ninh mạng, việc phân công nhiệm vụ điều tra, xử lý hành chính, thậm chí hình sự giữa lực lượng Công an và TT&TT rõ ràng hơn nên các đơn vị chức năng thực hiện dễ hơn, thuận lợi hơn. Người dân qua những vụ việc đã bị cơ quan chức năng xử lý được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng tìm hiểu về luật nhiều hơn, có ý thức hơn trong việc phát ngôn và biết nhắc nhở nhau không vi phạm”-ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội
Rõ ràng với những hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19, ngoài sự thiếu hiểu biết về pháp luật, còn thể hiện sự thiếu ý thức trách nhiệm, ý thức công dân. Trong khi cả nước, các cơ quan chức năng đang gồng mình chống dịch, thì chủ nhân của các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo lại chia sẻ những thông tin vô trách nhiệm chỉ để câu view, gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Do đó, các đơn vị chức năng đề nghị người dân trong giai đoạn này, cần nâng cao ý thức cảnh giác, chọn lọc thông tin; không chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, khuyến cáo tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết hoặc bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, để hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng, bên cạnh các công cụ pháp luật thì giải pháp nâng cao ý thức của các cấp các ngành, doanh nghiệp và người sử dụng vẫn là quan trọng nhất bởi chỉ khi nào mỗi người sử dụng đều tự giác dùng mạng xã hội một cách văn minh thì mới đẩy lùi được thông tin xấu độc, sai lệnh. Hiện Bộ TT&TT đang hoàn thiện, trình Chính phủ để có thể ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2021. Bộ quy tắc này ra đời sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, kêu gọi sự chung tay của cơ quan truyền thông, cộng đồng mạng và cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nhấn mạnh: Để có thể tạo được khả năng miễn dịch đủ mạnh, đủ lớn trong cộng đồng, mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần có ý thức trách nhiệm với chính bản thân, với cộng đồng xã hội; có hiểu biết về pháp luật, xây dựng được ý thức cảnh giác với tin giả, luôn tỉnh táo, thận trọng trong việc đưa và tiếp nhận thông tin, chia sẻ, bình luận; luôn coi trọng nguyên tắc và chuẩn mực văn hoá, đạo đức khi tham gia và tiếp nhận thông tin trên không gian mạng.
Nói cách khác, để phòng tránh tin giả thì, người dân nên tập tư duy phản biện và đừng tin vào bất cứ thông tin gì ngay lần đầu đọc nó. Đặc biệt, khi gặp một thông tin trái với dòng chảy thông tin thông thường đang diễn ra thì hãy nên bình tâm đọc kỹ, suy xét cẩn thận và cuối cùng, khi chia sẻ (share) bất kỳ thông tin gì, hãy nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng, nghĩ đến hậu quả nếu đó là tin giả để thận trọng hơn.