Đạo đức và mạng xã hội

12:54 06/11/2019
Trước thực trạng ngày càng có nhiều hành vi phi đạo đức, truyền bá tư tưởng cực đoan, khủng bố, lừa đảo, lôi kéo, bè phái chính trị diễn ra trên mạng xã hội, lần đầu tiên, một hội nghị toàn cầu về công nghệ số với nội dung trọng tâm là xây dựng một thỏa thuận về các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nhằm định hướng phát triển công nghệ đã được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ.


Hoàn thiện các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp

Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho rằng cần phải có sự minh bạch và trách nhiệm để đảm bảo rằng những người tạo ra công nghệ, trong đó có các công ty như Microsoft, phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình với toàn công chúng. Chủ tịch Microsoft nhấn mạnh cần phải khẩn trương thực hiện các bước đi hướng tới hoàn thiện các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên cũng như đã nhận rõ sự cấp bách cần phải có các bộ tiêu chí về đạo đức để xây dựng một nền tảng công nghệ số cho tương lai một cách lành mạnh, Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer nhấn mạnh, cộng đồng đang ngày càng mất lòng tin vào công nghệ, trong khi đây lại là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghệ số. Vì vậy, các công ty công nghệ cần phải thể hiện tính minh bạch, đáng tin cậy và sự cam kết trong các hoạt động.

Một vài đại gia công nghệ toàn cầu chi phối hàng tỷ người dùng. Ảnh: 123rf

Tham gia hội nghị lần này có lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về công nghệ số, mạng xã hội hàng đầu thế giới như như Facebook, Google, Huawei và IBM. Các chuyên gia từ các hãng công nghệ và các nhà mạng đã được nghe những báo cáo đau lòng về thực trạng hỗn loạn trên mạng xã hội mà một phần trong đó có sự "đóng góp" không nhỏ bởi sự tắc trách, vô đạo đức và chấp hành luật pháp không nghiêm từ chính các hãng công nghệ, các nhà mạng.

Xây dựng ý thức đạo đức xã hội trong ngành công nghệ

Theo khảo sát mới nhất do Đại diện Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về chống bạo lực đối với trẻ em và UNICEF công bố cho thấy khoảng 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia khác nhau cho biết đã bị bắt nạt trên mạng và trung bình cứ 5 em thì có 1 em bỏ học vì điều đó. Thông qua trả lời các câu hỏi khảo sát không nêu danh tính bằng công cụ phần mềm U-Report, khoảng 3/4 các em cho biết mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những không gian mạng có tình trạng bắt nạt hay xảy ra nhất.

Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore nhận định nếu muốn học sinh có được trải nghiệm giáo dục tốt, cần cải thiện cả môi trường học tập ngoài đời cũng như môi trường trên mạng. 

Khi được hỏi làm thế nào để nạn bắt nạt học đường chấm dứt, khoảng 32% các em được hỏi tin rằng chính phủ các nước cần phải làm việc đó. 31% các em cho rằng chính các em phải tìm ra giải pháp cho mình và 29% các em lại thấy các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm chính. 

Kết quả khảo sát lần này cũng làm thay đổi quan niệm phổ biến trước đây là bắt nạt trên mạng chỉ xảy ra ở những trường dành cho học sinh của gia đình có điều kiện. 

Ví dụ, khoảng 34% học sinh ở khu vực châu Phi hạ Sahara trả lời khảo sát cho biết các em đã bị bắt nạt trên mạng và 39% các em biết có những nhóm riêng trên mạng của học sinh chia sẻ thông tin để bắt nạt một số bạn nhất định. 

Cuộc khảo sát về tình trạng thanh thiếu niên bị bắt nạt, chèn ép đã được thực hiện với sự tham gia của 170.000 em trong độ tuổi 13-24  trên khắp các châu lục, ở châu Á có Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Hẳn nhiều người chưa quên vụ Công ty Cambridge Analytica (CA) của Anh thu thập thông tin liên quan đến 50 triệu người dùng Facebook. Điều này khiến người dùng hoang mang không biết thông tin của mình được các hãng bảo mật tới đâu và có bị khai thác trái phép không. Đây chính là câu hỏi dành cho những người đang làm trong ngành công nghệ thông tin, liên quan tới quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong ngành. 

Thực tế này cho thấy, nhiều chương trình đào tạo về công nghệ thông tin tập trung vào đào tạo kiến thức và kỹ thuật mà ít có trách nhiệm đạo đức xã hội mà từ đó đưa ra những cảnh báo về khả năng, kịch bản mà các kiến thức, kỹ năng đó có thể bị lạm dụng. Nhiều người làm công nghệ thông tin có thể lạm dụng tài nguyên thông tin mà thậm chí không nhận ra có vấn đề đạo đức trong công việc của họ.

Họ chưa hiểu được, trong ngành công nghệ rất cần có tính nhân văn, đạo đức xã hội. Những kiến thức trong lĩnh vực này gồm đạo đức trong công nghệ thông tin; đạo đức trong công nghệ thông tin với những chuyên gia và người dùng; máy tính và tội phạm công nghệ thông tin; vi phạm đời tư; tự do ngôn luận; vi phạm sở hữu trí tuệ... 

Người làm về công nghệ hay quản lý các trang mạng thường có quyền truy cập tới các dữ liệu nhạy cảm, có hiểu biết về máy tính hay mạng máy tính của cá nhân, tổ chức; điều đó giúp họ có được lợi thế to lớn để thực hiện những thao tác mà người dùng thông thường không có được. 

Nhưng khả năng này lại thường vô tình hay cố ý bị lạm dụng. Trong khi đó, chẳng có tiêu chuẩn nào quy định về yêu cầu đạo đức xã hội đối với người làm công nghệ. 

Các hiệp hội, các tổ chức về công nghệ thông tin thường quan tâm đến mặt đạo đức nghề nghiệp, thế nhưng thực tế lại không có nhiều người được hưởng thụ "sự quan tâm" này.

Chính sự hờ hững của các nhà mạng hay các công ty công nghệ đã làm giới trẻ toàn cầu sa vào "thế giới ảo" một cách tiêu cực. Sa sút học tập, không quan tâm tới thực tế xã hội, rời xa các giá trị đạo đức truyền thống, dễ bị kích động và sống ích kỷ. Thế giới thực sự đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức từ không gian mạng, đe dọa đến trật tự an toàn, an ninh toàn cầu.

Sự vô đạo đức của nhiều người làm trong mảng công nghệ và sự thờ ơ của các nhà mạng còn "tiếp tay" cho tin tặc tấn công vào hệ thống mạng thông tin của các cơ quan trọng yếu trên khắp thế giới... Không chỉ thế tình trạng lừa đảo, xâm hại tình dục, buôn bán các loại vũ khí, cách thức chế tạo hay truyền bá tư tưởng cực đoan ngày càng phổ biến mà không có chính sách kiểm soát hiệu quả.

Cần có định hướng đúng cho trẻ tiếp cận với các thiết bị công nghệ. Ảnh: Nerdwalletq

Vẫn biết, thực tế là Internet và các trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin rất nhanh, nội dung phong phú, đa dạng... nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho thanh niên, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Như việc các trang mạng xã hội ẩn chứa thông hỗn loạn, vô bổ, nói mà không phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng. 

Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia sa vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ.

Luật hóa để tăng trách nhiệm và đạo đức xã hội

Đã đến lúc pháp luật phải ra tay. Pháp luật được sinh ra với mục đích bảo vệ các giá trị về đạo đức và chuẩn mực của cộng đồng. Nếu không có pháp luật bảo vệ hoặc pháp luật không đủ sức mạnh để bảo vệ, các giá trị đạo đức sẽ bị xói mòn.

Vấn đề đạo đức, hay nói rộng hơn là việc tuân thủ luật pháp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao hay trí tuệ nhân tạo ít được bàn tới. Vậy có đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là gì khi mà những kỹ sư, những nhà quản lý chỉ làm việc với máy móc?  

Người ta có thể cho rằng, Internet chỉ là một tập hợp các thiết bị kỹ thuật được liên kết với nhau qua các kênh thông tin. Nói cách khác, Internet là một đối tượng vô tri, vô giác. Đó chính là sai lầm mà nhiều người mắc phải. 

Họ nghĩ rằng chỉ đang tương tác với máy móc, trong khi trên thực tế họ đã và đang tương tác với con người. Hơn thế nữa, họ còn tác động đến những lĩnh vực nhạy cảm thuộc sở hữu của con người, ví dụ như bí mật thông tin liên lạc, bí mật cá nhân.

Với nhiều người, ngày nay, hàng tỷ thuê bao Internet, hàng tỷ người dùng mạng xã hội, trong đó có vài chục triệu người ở Việt Nam, Internet đã trở thành "cơm ăn, nước uống"; một môi trường mà trong đó mọi hoạt động liên quan tới kinh tế, văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, khoa học được trao đổi, tương tác với nhau từ trong nhóm nhỏ, tới một cộng đồng lớn hơn ở một quốc gia và phát triển thành một thế giới ảo. Dù rằng, trong thế giới ảo đó đã xuất hiện những mối quan hệ mới nhưng phương pháp điều khiển Internet vẫn không thay đổi. 

Trước kia, khi còn sơ khai, người ta chỉ hiểu nó ở nghĩa thông thường là các vấn đề kỹ thuật không liên quan gì tới các lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn như luật, kinh tế, đạo đức... Nhưng giờ đây, các yếu tố công nghệ đã gắn chặt với đạo đức xã hội.

Công nghệ, mạng xã hội đang là một "thế giới" lẫn lộn giữa ảo và thật; xen lẫn với cái tốt, cái hữu ích là cái xấu. Ðó là "thế giới" đầy khiếm khuyết với vô số quan hệ ảo được thiết lập vì ẩn danh và sự quản lý lỏng lẻo đến mức kẻ xấu có thể ăn cắp thông tin ngay trước mặt chủ nhân, có thể chửi bới vô tội vạ mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm đạo đức, pháp lý nào. 

Phải siết chặt quản lý bằng luật pháp và các quy chuẩn đạo đức với không chỉ những người sáng tạo công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ, các chủ website, blogger, mà các thành viên tham gia mạng xã hội hay sử dụng công nghệ số đều phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi xâm phạm đạo đức và pháp luật.

Hoa Vinh

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội ngày 13/11 cho biết đã triệt phá thành công băng nhóm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn và tàng trữ vũ khí quân dụng. Vật chứng cơ quan Công an thu giữ trong vụ án là gần 2 bánh heroin có trọng lượng 595,455 gram; 594,29 gram ma tuý tổng hợp các loại; 2 quả lựu đạn; 3 cân điện tử cùng một số đồ vật, tài sản khác có liên quan.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng, mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo qua điện thoại khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo triển khai giải pháp định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文