Biến ảo những chiêu lừa trên mạng
Ngày 14/2, Công an TP Hồ Chí Minh đã thông báo nhiều phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thời gian qua.
Cụ thể, bọn chúng chiếm quyền điều khiển, giả mạo tài khoản mạng xã hội của người dùng, rồi nhắn tin lừa đảo, mượn tiền mọi người trong danh sách bạn bè của nạn nhân. Lừa đảo qua hình thức nhắn tin trúng thưởng, cho vay trực tuyến bằng một số ứng dụng trên điện thoại di động; tham gia mini game trúng thưởng, gửi tiền phí tham gia, phí xác minh, vận chuyển, làm hồ sơ.
Bên cạnh đó, chúng còn giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam, sau đó giả danh nhân viên sân bay, nhân viên thuế... để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp phí, nộp phạt để chiếm đoạt tài sản.
Cách đây không lâu, ông V.Đ.L. (SN 1958, quê quán Hải Dương) đã bị nhóm đối tượng mạo danh nhân viên Hải quan TP Hồ Chí Minh lừa đảo nhận hàng từ nước ngoài về sân bay ở Việt Nam chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Đối tượng tên Hoa đã giới thiệu mình tham gia quân đội chiến đấu tại Afghanistan. Hoa nhắn tin muốn gửi thùng hàng quan trọng có giá trị lớn cho ông L.
Sau đó, Hoa năn nỉ ông L. nhận giúp thùng hàng tại Việt Nam và hứa sẽ cảm ơn hậu hĩnh. Thùng hàng sẽ được đưa về Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Tin tưởng Hoa, ông L. đã nhận lời và chờ ngày thông báo nhận thùng hàng này mà không chút nghi ngờ về nguồn gốc, chủng loại hàng.
Sau đó, Hoa đã gửi các bức ảnh về chân dung của mình, thùng hàng được nhân viên an ninh hàng không đưa từ máy bay xuống đất, cán bộ Hải quan viết biên bản giao nhận thùng hàng ở sân bay… Tin tưởng, ông L. đã chuyển tiền vào tài khoản cho nhóm Hoa. Để đảm bảo "bí mật", Hoa chỉ nhắn tin yêu cầu ông L. không được chia sẻ với người thân để thùng hàng được an toàn.
Tiếp đó, Hoa nhiều lần gọi điện cho ông L. thông báo thùng hàng phải nộp thêm thuế giá trị gia tăng hơn 300 triệu đồng. Nếu ông L. nộp xong thì hàng mới được chuyển về bộ phận Hải quan làm việc tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay Quốc tế Nội Bài. Đến nay, ông L. đã phải bán đất mình đang ở để trả tiền vay "nóng" trên, vì trót tin Hoa nhận quà từ Afghanistan.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, bọn chúng còn nhắn tin đến thuê bao di động người dùng để được nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp do dịch bệnh COVID-19. Sau đó, lừa lấy thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền có trong tài khoản của nạn nhân.
Ngoài ra, chúng còn chiếm đoạt tài sản ngân hàng của nạn nhân bằng một số hình thức như giả danh ngân hàng gửi liên kết yêu cầu cập nhật tài khoản, xác nhận chuyển tiền quốc tế. Sau đó, truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Một thủ đoạn phổ biến nhất là nhắn tin, gọi điện giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đang điều tra vụ án có liên quan đến tài khoản ngân hàng của nạn nhân và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng để điều tra, làm rõ.
Khi điều tra làm rõ được số tiền sẽ trả lại cho nạn nhân. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này có đặc điểm chung là sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình) giả số điện thoại công khai của các cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và giả danh nhân viên các cơ quan tư pháp.
Một số đối tượng tội phạm còn yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra. Đồng thời, yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.
Tương tự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương vừa phát thông báo cảnh báo đến người dân về tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp sau khi Bình Dương từng bước thực hiện trạng thái "bình thường mới" sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, từ ngày 1/10/2021 đến nay, khi dịch bệnh ở Bình Dương được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế-xã hội được phục hồi… từ đó cũng xuất hiện nguy cơ bị tội phạm tấn công, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các thủ đoạn phổ biến mà đối tượng lừa đảo thực hiện là lập các trang web, tài khoản mạng xã hội giả mạo cho vay tiền với lãi suất thấp. Sau khi người có nhu cầu đăng nhập vào thì kẻ lừa yêu cầu đóng các khoản thuế, phí để được nhận khoản vay. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng tìm nhiều lý do như sai nội dụng chuyển khoản, sai tên dùng, sai mật khẩu… và yêu cầu người vay chuyển từ 30-50% trên tổng số tiền vay để kiểm tra và sẽ chuyển trả lại sau đó. Tuy nhiên, khi nạn nhân chuyển khoản xong thì chúng cắt liên lạc.
Một hình thức khác, thông qua mạng xã hội các đối tượng kêu gọi mọi người làm việc online để khắc phục khó khăn sau đại dịch với mức thu nhập khá hấp dẫn là từ 800.000-1.200.000 đồng/ngày. Để tạo lòng tin, các đối tượng dẫn đường link giả mạo các trang web bán hàng qua mạng như Lazada, Shopee và cung cấp cho người tham gia 50.000 đồng vào tài khoản trên trang web giả mạo mà chúng lập ra.
Sau khi nạn nhân đăng ký tài khoản tham gia, chúng yêu cầu người chơi phải mua bán các đơn hàng ảo để nhận tiền hoa hồng. Tuy nhiên nếu muốn rút tiền hoa hồng thì người tham gia phải mua tối thiểu là 10 đơn hàng do chúng chỉ định để đủ điều kiện rút tiền. Ban đầu chúng đưa ra các đơn hàng giá rẻ để dẫn dụ người tham gia, khi đã "lún sâu" chúng yêu cầu mua các đơn hàng đắt tiền hơn. Vì "phóng lao phải theo lao", nhiều người buộc lòng tiếp tục mua hàng và đến khi hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là lúc biết mình đã bị lừa.
Tương tự, lợi dụng nhiều người khó khăn sau đại dịch, các đối tượng tạo ra các trang fanpage, group trên mạng xã hội Zalo, Facebook để quảng cáo đầu tư số tiền ít vào các sàn giao dịch ngoại hối trái phép, chạy "bot" (rô bốt) tự động để sinh lời với số tiền lớn. Sau khi nạn nhân chuyển tiền tham gia được một thời gian thì các đối tượng thông báo đầu tư thua lỗ và mất sạch tiền…
Nhằm chủ động phòng ngừa loại tội phạm nói trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương đang ráo riết rà soát, lập danh sách các đơn vị, cơ quan, tổ chức kinh doanh thiết bị công nghệ, tên miền, cho thuê máy chủ, nhà mạng viễn thông, mua bán thiết bị an ninh… để phối hợp phòng ngừa. Lập danh sách các website, tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo, mua bán thiết bị an ninh trái phép, giả mạo cơ quan, tổ chức nhà nước… để cảnh báo đến người dân và có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời tăng cường phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các đơn vị nghiệp vụ Công an các tỉnh để phát hiện, điều tra, khám phá các chuyên án đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Cơ quan Công an cảnh báo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này, cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại thông báo nợ cước điện thoại vào các thuê bao cố định (điện thoại bàn). Không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email…) cho bất kỳ ai và với bất kỳ hình thức nào.