Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
Thời gian qua, tình hình các đối tượng xấu sử dụng các dịch vụ trên môi trường mạng tiếp cận, xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước. Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.
Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, thủ đoạn phạm tội của đối tượng sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em; xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em qua mạng đang diễn biến rất phức tạp. Thủ đoạn phổ biến là thông qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục. Một số đối tượng thông qua mạng xã hội, làm quen, đặt vấn đề quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn cho tiền, quà để dụ dỗ, đe dọa, ép buộc trẻ em trình diễn khiêu dâm qua mạng. Một số trường hợp còn đăng tải lên không gian mạng các hình ảnh, clip trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường; các hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của trẻ em, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống riêng tư của trẻ. Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn thông qua mạng xã hội làm quen, "núp bóng" tuyển dụng để hẹn gặp gỡ, lôi kéo, khống chế, cưỡng ép đưa trẻ em đến các khu lao động bất hợp pháp tại nước ngoài để bóc lột lao động, bóc lột tình dục.
Mới đây, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã ngăn chặn và phối hợp với Công an địa phương làm rõ vụ tán phát thông tin, clip lên mạng có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm nạn nhân, có nguy cơ tác động nghiêm trọng đến nạn nhân và gia đình.
Cụ thể, khoảng tháng 5/2022, trên mạng xã hội chia sẻ một clip ghi lại cảnh một nữ sinh tại Sơn La bị 4 nam sinh khác hiếp dâm tập thể trong tình trạng bất tỉnh nhân sự và 2 nam sinh đứng ngoài sử dụng điện thoại quay lại quá trình thực hiện hành vi. Sau khi phát hiện thông tin, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khẩn trương liên hệ Công an tỉnh Sơn La.
Quá trình xác minh, đã xác định vụ việc là có thật và xảy ra vào tháng 4/2022 tại xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Từ các căn cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố 6 bị can trong vụ án này. Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã liên hệ khẩn cấp với Facebook và Google để yêu cầu các nền tảng rà soát, gỡ bỏ các bài viết có nội dung chia sẻ; xin link, share link liên quan clip; tiến hành ngăn chặn truy cập đối với hơn 600 trang mạng có nội dung khiêu dâm, đồi trụy đăng tải thông tin về clip, ngăn chặn thông tin không tiếp tục tán phát, lan rộng, bảo vệ nạn nhân và gia đình trước tác động của thông tin, dư luận trên mạng.
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an các địa phương đã khởi tố 42 bị can về các tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 21 bị can là người dưới 18 tuổi (chiếm tỉ lệ 50%). Ngoài ra, xảy ra nhiều vụ án mà nạn nhân là người từ 13 tuổi trở xuống. Cụ thể: tại Trà Vinh có 1 bị hại 12 tuổi; Thanh Hóa có 1 bị hại 13 tuổi; Cần Thơ có 1 bị hại 12 tuổi; Hà Nội có 4 bị hại 13 tuổi; Sóc Trăng có 1 bị hại 13 tuổi, đáng chú ý Bắc Ninh có 1 bị hại mới 11 tuổi, sử dụng tài khoản Zalo của phụ huynh lên mạng, dẫn đến bị tiếp cận, dụ dỗ, xâm hại tình dục.
Lý giải về tình trạng trên, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho biết: Một trong các nguyên nhân chính là sự buông lỏng của gia đình trong việc quản lý con em trong hoạt động trên không gian mạng. Về phía các cháu, do nhận thức chưa đầy đủ về các nguy cơ, tính phức tạp, mối nguy hại cũng như chưa có kỹ năng bảo vệ bản thân khi hoạt động, tương tác, có mối quan hệ tình cảm, yêu đương trên mạng nên không có khả năng bảo vệ bản thân. Cùng với đó, nhiều đối tượng phạm tội còn trẻ tuổi, chưa nhận thức được đầy đủ về pháp luật, tính nghiêm trọng của hành vi, thực hiện các hành vi chỉ vì tò mò, thỏa mãn bản thân, hùa theo bạn bè. Phần khác, do trẻ em sớm tiếp cận với Internet và các loại hình thông tin, dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi các loại thông tin dâm ô, đồi trụy trên không gian mạng…
Để ngăn chặn tình trạng trên, mới đây, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất ký kết và ban hành "Quy chế phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng".
Cụ thể, thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025", được sự phân công của lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tham mưu cho lãnh đạo 3 Bộ tiến hành ký kết Quy chế, thống nhất nhiều vấn đề, nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả, tính đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các bên. Quy chế được xây dựng gồm 3 chương, 11 điều, quy định cụ thể các vấn đề về nguyên tắc, hình thức, nội dung phối hợp và trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác phối hợp tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và theo dõi thông tin, dữ liệu liên quan đến các đối tượng có tiền án, tiền sự xâm hại tình dục trẻ em.
Theo đó, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin là các đơn vị được giao nhiệm vụ Cơ quan thường trực, điều phối, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.
Sau khi quy chế được ban hành, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương để thống nhất thực hiện, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trên phạm vi cả nước.
Để hạn chế tình trạng trên, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo các bậc cha mẹ cần chú trọng quan tâm, quản lý hoạt động của con cái trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hậu quả xấu có thể xảy ra.
Các trường học, cơ sở giáo dục, bậc phụ huynh cần chú trọng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên kiến thức pháp luật, kỹ năng tương tác an toàn, bảo vệ bản thân trên không gian mạng. Trong trường hợp phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, bạo lực cần khẩn trương thông báo, tố giác đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện nay, thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình hỗ trợ và bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sang tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025"; được sự phân công của lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tích cực chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các trường học, cơ sở giáo dục, cơ quan ban, ngành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng tương tác an toàn trên mạng; các thủ đoạn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phòng ngừa "từ sớm, từ xa" đối với loại tội phạm này. Đồng thời, tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong xử lý, ngăn chặn các loại thông tin xấu, độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng.