Cảnh giác với “cạm bẫy” kinh doanh trên mạng xã hội

07:52 22/04/2023

Kinh doanh trên nền thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày phổ biến và người tiêu dùng đã có thói quen tiêu dùng, mua sắm trên không gian mạng. Cùng với các sàn TMĐT thì người bán hàng còn mở rộng trên các nền tảng xã hội để quảng bá sản phẩm và bán hàng.

Tuy nhiên, đi cùng với sự thuận tiện thì người tiêu dùng cũng đối mặt với nhiều chiêu lừa đảo trên không gian mạng như mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, mua trên trang mạng xã hội bị lừa tiền đặt cọc…

Đa dạng kênh bán hàng

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc dự án HQ Care Công ty dược phẩm HQ cho biết, khi công ty ra mắt sản phẩm mới vào đúng thời điểm dịch COVID-19 nên bắt buộc phải chuyển hướng kinh doanh, marketing. Theo đó, bán hàng qua kênh online, trên sàn TMĐT được doanh nghiệp lựa chọn. "Qua 2 năm thì chúng tôi thấy đây là lựa chọn đúng đắn, bán hàng online mang lại hiệu quả cao, sức tiêu thụ tốt, người tiêu dùng khi đặt hàng đều được tư vấn và kiểm tra hàng rồi mới trả tiền. Sản phẩm đảm bảo chất lượng, không qua nhiều khâu trung gian nên vừa nhanh và tiện cho cả người mua và người bán", bà Nhung cho hay. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ có hướng phát triển mạnh hơn qua kênh online, đặc biệt là mạng xã hội. Hiện, sản phẩm của công ty đang được bán trên các sàn TMĐT như Tiki, Shopee, trang Facebook cá nhân, fanpage của sản phẩm…

Người tiêu dùng cần lựa chọn website uy tín khi mua hàng trên mạng. Ảnh minh họa: CTV.

Ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế và XNK, Công ty CP cà phê Mê Trang cho biết, để đẩy mạnh bán hàng, công ty đã lựa chọn nhiều kênh và hình thức để bán hàng và quảng bá sản phẩm. Hiện, sản phẩm của Mê Trang đang được bán trên sàn TMĐT Shopee, Lazada, mạng xã hội… Còn xuất khẩu, bán buôn thì bán trên sàn Alibaba.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 (Vietnam Online Business Forum 2023) với chủ đề "Smart E-commerce", Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, sau hai năm đại dịch COVID-19, TMĐT đã bước vào năm 2022 với nhiều tín hiệu lạc quan. VECOM ước tính, năm 2022 quy mô giao dịch TMĐT bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. VECOM đánh giá TMĐT của quý I/2023 tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ. Như vậy, TMĐT tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định. Tuy nhiên, khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với nước láng giềng có nhiều nét tương đồng là Trung Quốc thì các tỷ lệ trên còn rất thấp. VECOM đưa dẫn chứng, năm 2022, tại Trung Quốc bán lẻ hàng hóa trực tuyến chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hoá, gấp đôi tỷ lệ này của năm 2016 và cao hơn tỷ lệ 24,5% của năm 2021. Rõ ràng, TMĐT nước ta dù phát triển với tốc độ cao, nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Tiềm năng cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn.

Đáng chú ý, về hoạt động kinh doanh TMĐT của các sàn TMĐT và mạng xã hội, khảo sát của VECOM cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Số lao động tại các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như: Zalo, Whatsapp, Viber, Facebook Messenger liên tục tăng qua các năm. Bán hàng trên các mạng xã hội cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như TMĐT. Theo đại diện VECOM, nổi bật nhất trong số các mạng xã hội là sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của Tiktok Shop. Kinh doanh trên nền tảng này có sức hút rất lớn đối với đông đảo thương nhân trên cả nước. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo khảo sát của VECOM, năm 2022 có 23% doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn TMĐT. Theo Công ty cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh số của bốn sàn TMĐT hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD). Shopee và Lazada là hai sàn TMĐT lớn nhất, trong khi đó dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop đã trở thành nền tảng TMĐT bán lẻ lớn thứ ba tại Việt Nam.

Cần đẩy lùi vấn nạn lừa đảo khách hàng

Mặc dù cơ hội bán hàng từ TMĐT là rất lớn nhưng thời gian qua, nhiều người vẫn bị mua phải hàng giả, hàng nhái, thậm chí rất nhiều người bị lừa tiền khi mua hàng trên mạng xã hội. Trên các hội nhóm trên Facebook đã xuất hiện tình trạng kẻ gian lợi dụng sự tin tưởng của người cùng chung hội nhóm để bán hàng và yêu cầu người mua chuyển khoản tiền cọc hoặc chuyển trả phí giao hàng trước. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, hàng hóa không được giao đến nơi. Khi bị phát hiện lừa, người bán khóa Facebook, không thể liên lạc được.

Người tiêu dùng cần lựa chọn website uy tín khi mua hàng trên mạng. Ảnh minh họa.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian vừa qua. Để đẩy xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh cần đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật cũng như vấn nạn hàng không đảm bảo chất lượng, lừa đảo khách hàng…

Đại diện sàn Shopee cho biết, Shopee thường xuyên sàng lọc các đăng bán trên nền tảng để đảm bảo người bán không vi phạm. Các trường hợp cố tình vi phạm, công ty sẽ quyết cương gỡ bỏ các nội dung và sản phẩm vi phạm. Nhằm hạn chế việc giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, Shopee có các chính sách kiểm soát và quản lý chặt chẽ hoạt động đăng bán trên nền tảng. Đồng thời, nền tảng cũng được trang bị các tính năng và công cụ cho phép người dùng xác định và báo cáo các sản phẩm giả mạo. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, "người dùng có thể liên hệ với Shopee thông qua hệ thống "Tố cáo sản phẩm" hoặc "Tố cáo người dùng" tại mục "Menu" ở góc phải của bất kỳ danh sách sản phẩm hoặc trang người dùng.

Để mua sắm an toàn, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade cho rằng, trong môi trường mạng, người tiêu dùng khi mua hàng hoá cần lựa chọn những website uy tín, có sự kiểm tra sản phẩm và thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt thận trọng, cảnh giác trước các trang web ảo, không được cấp phép nhưng yêu cầu quá cụ thể, chi tiết các thông tin cá nhân của khách hàng. Khi mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét vấn đề nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể. Đặc biệt, hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, cần hạn chế việc nhận và chuyển hàng qua các dịch vụ vận chuyển. Cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua.

Lưu Hiệp

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Xin bỏ qua các lỗi vi phạm khi tham gia giao thông không được, Nguyễn Đình Toàn (SN 1991, ở Khu 7, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã hất chất bẩn (phân lợn) vào tổ CSGT đang làm nhiệm vụ, gây mất an ninh trật tự, cản trở hoạt động của tổ công tác Đội CSGT. Với hành vi trên, Toàn đã bị khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng về tội chống người thi hành công vụ.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và cấp dưới của mình đã “bắt tay” với các đối tượng của Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh để làm giả các phiếu thử nghiệm chất lượng không khí tại các địa điểm cần quan trắc môi trường để đưa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Chỉ vì không có nhiều thời gian kiểm tra, lại đang trong mùa cao điểm “cháy phòng”, nên nhiều khách hàng du lịch tại Tà Xùa, Mộc Châu đã mất khá nhiều tiền chỉ trong vòng vài phút vì dính bẫy lừa đảo fanpage giả mạo. Tiền vừa mất, tật vừa mang, lại thêm ôm bực vào người khi tới điểm du lịch.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文