Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh nhà mạng dọa “khóa thuê bao” để lừa đảo
Theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ 15/3, các nhà mạng đã có thông báo hướng dẫn khách hàng cập nhật, chuẩn hóa thông tin cho các thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi nhà mạng triển khai kế hoạch, nhiều trường hợp người dùng đã nhận cuộc gọi, tin nhắn từ các đối tượng mạo danh đe dọa “khóa thuê bao” của khách hàng rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo “khoá thuê bao” để chiếm đoạt SIM, mã OTP ngân hàng
Anh Lê Mạnh Hiếu ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, sáng 20/3, anh nhận được cuộc gọi từ một người xưng là đại diện Cục Viễn thông yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao và phải cung cấp họ tên, số chứng minh nhân dân… nếu không thực hiện sẽ bị khóa SIM sau 2 tiếng nữa.
Chị Nguyễn Lê Phương ở Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết, trong chiều 18/3, chị cũng bị một đối tượng xưng là nhân viên của mạng MobiFone gọi điện đến yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, khi chị Phương trả lời “lừa nhầm người rồi” thì đối tượng liền dập máy.
Cục Viễn thông, Bộ TT&TT khẳng định đây là những cuộc gọi lừa đảo để đánh cắp thông tin thuê bao dùng cho mục đích xấu. Thủ đoạn phổ biến là người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao. Sau đó đối tượng yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này các đối tượng lừa đảo tự nhận là người của Cục Viễn thông hoặc nhân viên nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.
Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng sẽ đưa ra nhiều lời đe dọa về việc thuê bao sẽ bị khóa và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Lúc này nếu người dùng thực hiện theo các hướng dẫn sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...
Cũng theo Cục Viễn thông, nếu như trước đây việc chuẩn hoá chỉ dừng ở mức đối chiếu, bảo đảm sự trùng khớp giữa thông tin được khách hàng cung cấp khi mua, đăng ký SIM và dữ liệu lưu trữ tại nhà mạng thì lần này chuẩn hoá hướng tới mục tiêu bảo đảm thông tin thuê bao đúng quy định và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích là giảm những hoạt động lợi dụng SIM thuê bao có thông tin không chính xác để thực hiện hoạt động quảng cáo sai sự thật, sai luật.
Do vậy, Cục Viễn thông rất mong khách hàng, người sử dụng thuê bao di động phối hợp với các nhà mạng để chuẩn hóa thông tin. Đồng thời, để hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lừa đảo nhằm trực lợi, Cục Viễn thông đã có văn bản đề nghị các nhà mạng triển khai các biện pháp truyền thông qua nhắn tin thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao phải có định danh, hoặc số điện thoại chăm sóc khách hàng để tránh việc bị mạo danh.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cho các cuộc gọi, tin nhắn có đầu số lạ
Lưu ý thêm để người dân cảnh giác thủ đoạn lừa đảo này, đại diện MobiFone cho biết: Quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao không có nội dung nào cần thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Do vậy, khách hàng tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng. Quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao đều hoàn toàn miễn phí, khách hàng chỉ tiếp nhận thông tin và làm theo hướng dẫn khi nhận được tin nhắn chính thức từ brand name của nhà mạng.
“Có 4 cách để khách hàng MobiFone chuẩn hoá thông tin thuê bao. Cách thứ nhất là đến cửa hàng nơi gần nhất. Cách 2 là thực hiện qua website https://tttb.mobifone.vn/. Cách 3 là thực hiện qua app My MobiFone. Và cách cuối cùng, đối với khách hàng là người đặc thù, người cao tuổi, nhà mạng sẽ cho nhân viên đến hỗ trợ tại nhà”-đại diện nhà mạng MobiFone lưu ý.
Để tránh các nguy cơ bị lừa đảo từ các cuộc gọi, tin nhắn mạo danh, Tổng Công ty Viễn thông Viettel cũng khuyến cáo: Mỗi nhà mạng đều có các đầu số được định danh để cung cấp thông tin tới khách hàng và hoàn toàn không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP qua điện thoại. Khách hàng tuyệt đối không làm theo và cung cấp thông tin cá nhân cho các cuộc gọi, tin nhắn được gửi từ đầu số lạ.
“Chỉ những thuê bao nhận được tin nhắn của Viettel hoặc cuộc gọi từ tổng đài mới cần đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của Viettel để chuẩn hóa, cập nhật thông tin trước ngày 31/3. Những khách hàng không nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ các nguồn trên yên tâm sử dụng dịch vụ và cần cảnh giác khi có người gọi thông báo chặn hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Trường hợp khách hàng không nhận được tin nhắn nhưng cần thay đổi các thông tin khác hoặc cập nhật thuê bao chính chủ có thể thực hiện sau ngày 31/3 để được hỗ trợ nhanh chóng và không phải chờ đợi”- đại diện Viettel cho hay.
Còn theo đại diện VinaPhone, hiện nhà mạng chỉ thực hiện thông báo đến các khách hàng nằm trong diện cần phải kiểm tra, chuẩn hóa thông tin thuê bao thông qua tin nhắn và các cuộc gọi tự động hiển thị tên định danh “VinaPhone”. Sau khi nhận được thông báo, khách hàng hoàn toàn có thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin qua ứng dụng và website chính thức của VinaPhone, tại các điểm giao dịch VinaPhone trên toàn quốc hoặc liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn.
“VinaPhone sẽ không đột ngột khóa thuê bao của bất kỳ khách hàng nào ngay sau khi thông báo mà sẽ thực hiện theo đúng trình tự quy định của các cơ quan quản lý nhà nước. VinaPhone sẽ nhắn tin thông báo liên tục cho các khách hàng nằm trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin, mỗi ngày ít nhất 1 lần, trong 5 ngày liên tiếp. Các thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ chỉ bị gián đoạn liên lạc 1 chiều sau ngày 31/3/2023. Sau đó đến ngày 15/4, VinaPhone sẽ thực hiện tạm khóa liên lạc 2 chiều và đến 15/5 mới thu hồi số thuê bao đối với những khách hàng chưa thực hiện chuẩn hóa lại thông tin thuê bao theo quy định”- đại diện VinaPhone cho biết.