Chiêu thức lừa đảo mới "đọc sách mỗi ngày để nhận lương"
Mất tiền tỷ khi đăng ký cho con tham gia khóa tu mùa hè trên mạng xã hội và "đọc sách mỗi ngày để nhận lương" là những chiêu thức lừa đảo mới mà Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lưu ý người dân cần cảnh giác. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng khuyến cáo người dùng trong nước về chiến dịch lừa đảo trực tuyến qua email mới có quy mô quốc tế.
Theo Cục An toàn thông tin, trên mạng xã hội đang rộ lên chiêu thức lừa đảo mới "đọc sách mỗi ngày để nhận lương". Đây là hình thức lừa đảo lợi dụng vào niềm tin với các thương hiệu lớn, quen thuộc, biến tướng từ hình thức "thực hiện nhiệm vụ", "nhận thưởng".
Theo các chuyên gia Cục An toàn thông tin, trong những ngày gần đây đã xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo sử dụng tên, hình ảnh, văn bản, công văn của 1980Books nhằm mục đích lừa đảo thông qua quảng cáo tuyển dụng để chiếm đoạt tiền. Nhóm đối tượng dùng tên, thông tin của 1980Books để đăng tải tin tuyển dụng độc giả đọc sách tại nhà qua các nền tảng mạng xã hội. Các tài khoản giả mạo này đều được chạy quảng cáo, có thể tiếp cận đến số lượng lớn người dùng mạng xã hội.
Với hình thức lừa đảo tinh vi, những người quan tâm sẽ được gửi những hợp đồng, thỏa thuận lương, thưởng có chữ ký và con dấu giả của 1980Books. Đối tượng giả mạo này có tổ chức, khi lập ra hệ thống Website/Landing page, Facebook, sử dụng thông tin của 1980Books, chỉ thay đổi số điện thoại, địa chỉ, con dấu và chữ ký giả. Sau đó, nạn nhân sẽ bị đối tượng lừa đảo thêm vào các nhóm trên ứng dụng Telegram để thực hiện nhiệm vụ "đọc sách mỗi ngày để nhận lương".
Để được nhận công việc, người dùng phải nạp tiền, sau mỗi lần kết thúc công việc thì được hoàn tiền về tài khoản. Khi số tiền lớn, hệ thống sẽ báo lỗi, yêu cầu người bị hại đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn tiền về ví điện tử, sau đó tiền không bao giờ được hoàn lại, chúng sẽ xoá toàn bộ tài khoản liên hệ.
Để phòng tránh bị lừa đảo bởi hình thức trên, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng. Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.
Một chiêu thức lừa đảo khác cũng được Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đưa ra cảnh báo là việc phụ huynh bị chiếm đoạt tiền khi đăng ký tham gia các khóa tu mùa hè cho con trên mạng xã hội. Theo cơ quan này, khoảng thời gian năm học sắp kết thúc cũng là lúc nhiều phụ huynh đi tìm các khóa học hè cho con. Những năm gần đây, các khóa học dịp hè ngày càng đa dạng hơn, trong đó có các khóa "tu sinh mùa hè". Lợi dụng nhu cầu này, một số đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh muốn tìm khóa tu mùa hè cho con.
Cụ thể, với chiêu thức tạo niềm tin bằng cung cấp số, ảnh căn cước công dân của "Trưởng ban tu sinh", sau đó thêm nạn nhân vào nhóm Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy để tăng tương tác cho đơn vị tài trợ khóa học, đối tượng lập trang "Tu sinh mùa hè" đã lừa của một phụ huynh tại Hà Nội với số tiền lên tới 2,8 tỷ đồng.
Trước chiêu trò lừa đảo bằng các khóa tu mùa hè đang rộ lên trên mạng, Cục An toàn thông tin khuyên người dân cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin về các khóa học trên mạng xã hội; không tham gia các hội, nhóm không có thông tin rõ ràng, minh bạch. Người dân cũng cần lưu ý không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, nhất là những việc liên quan đến giao dịch chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân.