Chủ các khách sạn ở Đà Lạt dừng đặt phòng qua fanpage để tránh lừa đảo
Hầu hết khách sạn lớn, có uy tín ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bị kẻ xấu lập các hội, nhóm để mạo danh, lừa rao bán phòng nghỉ du lịch qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Chủ các cơ sở lưu trú, khách sạn lớn ở TP Đà Lạt liên tục bất ngờ trước những vị khách “không hẹn mà tới”.
Khi tra cứu thông tin, dữ liệu lưu trữ để bố trí phòng nghỉ cho khách, nhân viên khách sạn phát hiện những vị khách này không có trong danh sách liên hệ đặt phòng nghỉ từ trước. Bị khách sạn từ chối phục vụ, du khách liền đưa ra thông tin đã chuyển khoản đặt phòng nghỉ từ trước đó, đồng thời cung cấp tài liệu để chứng minh mình đã đặt phòng nghỉ tại khách sạn. “Đối chiếu thông tin du khách cung cấp, chúng tôi phát hiện du khách đã bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tiền thông qua việc giả mạo trang fanpage của khách sạn chúng tôi!..”, anh Nguyễn Văn Trung, chủ một khách sạn ở khu Hòa Bình, TP Đà Lạt cho biết.
Theo anh Trung, từ đầu năm tới nay, khách sạn của anh đã nhiều lần bị kẻ xấu mạo danh nhằm mục đích lừa đảo. Hình thức phổ biến nhất là các đối tượng lập trang, nhóm trên mạng xã hội, nhất là facebook, tải hình ảnh, clip đã đăng tải trên trang chính thức của khách sạn về rồi đăng trên trang giả mạo do chúng tạo ra. Để lan tỏa, được nhiều người biết tới, đối tượng lừa đảo còn chạy quảng cáo trên trang fanpage giả mạo này với nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn, giá chỉ bằng một nửa so với thực tế khách sạn đang triển khai. Do không tìm hiểu kỹ, rất nhiều người đã liên hệ đặt phòng nghỉ qua trang fanpage giả mạo, chuyển tiền cọc vào tài khoản do các đối tượng lừa đảo cung cấp, thường là 50% tổng giá trị hợp đồng.
Hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo hình thức lập các hội, nhóm giả mạo các khách sạn, cơ sở lưu trú nhiều tới mức hầu hết các khách sạn nổi tiếng ở TP Đà Lạt phải liên tục ra thông báo về hành vi trên tới du khách. Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã nhiều lần cảnh báo về hình thức lừa đảo này, đồng thời hướng dẫn cách liên hệ đặt phòng nghỉ online an toàn tại các khách sạn ở Đà Lạt. Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất nhiều người trở thành nạn nhân của loại tội phạm trên. Số tiền nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng.
“Liên hệ đặt phòng đúng vào trang fanpage giả mạo và bị lừa tiền, khi tới khách sạn nhận phòng và bị chúng tôi từ chối phục vụ, có trường hợp đã vu khống, xúc phạm chúng tôi là… đồ lừa đảo!..”, chủ một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt cho biết.
Các hội nhóm trên mạng xã hội, nhất là trang facebook của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, cơ sở lưu trú bị giả mạo tràn lan, điều này không chỉ các nạn nhân bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của đối tượng bị mạo danh, có trường hợp còn làm phát sinh cãi vã căng thẳng giữa người bị hại và quản lý khách sạn.
Để ngăn chặn tình trạng trên, gần đây một số cơ sở lưu trú, khách sạn ở TP Đà Lạt đã quyết định tạm dừng nhận các đơn đặt phòng thông qua fanpage. Chủ hệ thống khách sạn G Village tại Đà Lạt cho biết, liên tục bị các đối tượng mạo danh lập trang fanpage để lừa đảo. Không chịu nổi hình thức lừa đảo này, G Village buộc phải ra thông báo từ ngày 15/12, đơn vị dừng hình thức nhận đặt phòng nghỉ qua trang fanpage mà bấy lâu nay vẫn vận hành. Chủ hệ thống khách sạn này khuyến cáo, để đặt phòng nghỉ tại G Villge, du khách phải liên hệ trực tiếp qua điện thoại hoặc zalo, email, các website đặt phòng như Agoda, Traveloka hoặc Booking…
Đại diện khách sạn MerPerle Dalat cũng cho biết, để tránh bị các đối tượng lừa đảo mạo danh, mọi thông tin giao dịch và thanh toán phải được thực hiện qua tư vấn viên trực tiếp trên hệ thống tổng đài ZALO OA hoặc các hình thức tin cậy khác. Trước tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội gia tăng, Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả và thông tin xấu độc, đồng thời thiết lập kênh tương tác qua Zalo “Chống tin giả Lâm Đồng” và số điện thoại đường dây nóng 0912010801 tiếp nhận trình báo tin giả, tin sai sự thật để cơ quan chức năng xử lý.