Chung tay hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng
Sáng 27/9, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) và Toạ đàm với chủ đề “Hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet”.
Nhằm tăng cường sự kết nối giữa các bên liên quan, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, ngày 15/8, VNISA đã ra Quyết định thành lập CLB Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC - Vietnam Cyber Safety for Children Club) với sự tham gia của 11 thành viên ban đầu là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Chủ nhiệm CLB là ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch VNISA, Tổng giám đốc công ty SCS với Ban Chủ nhiệm gồm 5 thành viên.
Ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh: Việc thành lập một tổ chức trực thuộc làm nòng cốt cho các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em là ý tưởng đã được Hiệp hội chuẩn bị khá lâu, và đến nay là thời điểm thích hợp để ra đời “CLB Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng”. CLB sẽ kết nối các thành viên là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có cùng chung mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng, là cánh tay nối dài của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực này; giúp Hiệp hội thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng tại Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng trong hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
CLB VCSC sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước tuyền truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực; thúc đẩy xây dựng các nội dung hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, tổ chức chuyên môn này cũng sẽ giúp VNISA xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cơ sở của Hiệp hội cho các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh; góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em và nhóm giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.
Chia sẻ về mục tiêu và chương trình hành động sắp tới của CLB VCSC, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm CLB cho biết: Với mục tiêu lớn nhất “Vì sự an toàn, hạnh phúc của trẻ em trên không gian mạng”, thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình, VCSC sẽ có nhiều hoạt động cụ thể được triển khai để hướng tới mục tiêu này. Với sự quyết tâm của các thành viên CLB cũng như sự hỗ trợ từ Hiệp hội, VCSC mong muốn tạo ra được giá trị hữu ích và góp phần xây dựng không gian số an toàn cho mọi trẻ em Việt Nam khi tham gia vào không gian mạng.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT hoan nghênh sáng kiến thành lập CLB VCSC của VNISA bởi đây là hành động thiết thực, thể hiện trách nhiệm chung tay trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh sự tham gia của trẻ em vào không gian mạng ngày càng phổ biến trong khi đó việc thiếu kỹ năng, kiến thức đang là rủi ro lớn mà các em phải đối mặt như bị phát tán thông tin cá nhân, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, ép tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Toạ đàm với chủ đề “Hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet” với sự tham gia của các đại diện đến từ Cục Trẻ em; Cục An toàn thông tin, tổ chức World Vision Việt Nam, Childfun Việt Nam, VNPT-IT, TikTok Việt Nam.
Các diễn giả đã phân tích về tình trạng nghiện Internet của trẻ em Việt Nam và những hệ luỵ của nó tới sức khoẻ và nhận thức của trẻ; đánh giá về các nguy cơ và tác động, tổn thương mà trẻ có thể phải đối mặt khi bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường kiến thức, kỹ năng và các công cụ hỗ trợ nhằm có thể bảo vệ tốt hơn trẻ em trên môi trường mạng.