Cộng đồng trách nhiệm để phòng, chống tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo

08:48 04/12/2022

Theo thống kê của một số đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thời gian qua, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Lợi dụng thời điểm cuối năm, người dân gia tăng nhu cầu tiêu dùng, đi lại, các đối tượng lừa đảo thường xuyên đổi mới công nghệ, phương thức lừa đảo nhằm thu lợi bất chính, khiến nhiều nạn nhân “sập bẫy”. Cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để bảo vệ tốt hơn người dân trên không gian mạng; người dân cần làm gì để có thể tự bảo vệ mình, cộng đồng trách nhiệm với các đơn vị chức năng để từng bước đẩy lùi vấn nạn này?

PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT xung quanh câu chuyện này.

Ông Đặng Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam.

PV: Xin ông chia sẻ một số kết quả ban đầu sau hơn 1 tháng Bộ TT&TT triển khai thí điểm đầu số 156 để tiếp nhận phản ánh của người dân về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo?

Ông Đặng Huy Hoàng: Từ ngày 1/11/2022, Bộ TT&TT đã triển khai thí điểm tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Sau gần 1 tháng triển khai đầu số 156, Bộ TT&TT đã tiếp nhận khoảng 61 nghìn phản ánh của người dân về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Các phản ánh này đều được chuyển tiếp đến các đầu mối của các doanh nghiệp để xử lý. Do vậy, việc tích cực tham gia phản ánh thông tin của người dân sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông có đủ thông tin chính xác, tin cậy để tiến hành xử phạt các thuê bao vi phạm, trên cơ sở đó có thể bảo vệ người dùng tốt hơn trước tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

PV: Sau hơn 2 năm Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực, tình hình xử lý vi phạm trong lĩnh vực này diễn biến thế nào? Đã có bao nhiêu tổ chức, cá nhân bị xử phạt do vi phạm, thưa ông?

Ông Đặng Huy Hoàng: Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác có hiệu lực từ tháng 10/2020. Sau 2 năm triển khai mặc dù trải qua trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 nhưng Bộ TT&TT đã duy trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ để điều phối xử lý. Bộ TT&TT đã theo dõi, giám sát các phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số 5656, 100% các phản ánh đều được chuyển tiếp đến các nhà mạng xử lý. Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Sở TT&TT TP Hà Nội xử lý 3 tổ chức và 2 cá nhân vi phạm gọi điện thoại quảng cáo sai quy định, đồng thời yêu cầu tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 1 đầu số.

Từ tháng 10/2020 đến 10/2022, Sở TT&TT TP Hà Nội đã thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với 6 tổ chức, 4 cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 67,5 triệu đồng, đề nghị doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với 417 số điện thoại vi phạm. Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cảnh báo trên cổng thông tin điện tử chống thư rác các hình thức, thủ đoạn của các đối tượng để kịp thời cảnh báo người dùng trên mạng viễn thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế người dân rơi vào các cạm bẫy của các đối tượng tội phạm.

PV: Hiện nhiều người dùng di động than phiền vì nhận được nhiều cuộc gọi rác, tin nhắn quảng cáo. Tuy nhiên, khi nhà mạng gửi tin nhắn hỏi cuộc gọi họ vừa nhận có phải cuộc gọi rác hay không, tỷ lệ phản hồi rất thấp. Cần phải làm gì để nâng cao nhận thức của người dân trong việc cộng đồng trách nhiệm để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

Ông Đặng Huy Hoàng: Thời gian qua, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện gửi tin nhắn phản hồi về cuộc gọi rác với mục đích nhằm đánh giá hiện trạng cuộc gọi rác, tuy nhiên tỷ lệ phản hồi vẫn còn thấp do một số nguyên nhân: Người dân chưa nắm được lợi ích tương tác của việc phản hồi này; hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng vẫn còn một số hạn chế, nhiều trường hợp người dân chưa nhận được tin nhắn khảo sát hoặc không thể thực hiện trả lời. Để giải quyết vấn đề này, một mặt cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc cộng đồng trách nhiệm. Song song với đó, nhà mạng cũng phải rà soát, nâng cấp hệ thống kỹ thuật để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc tương tác phản hồi liên quan đến tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

PV: Thực tế cho thấy, việc xử lý các thuê bao phát tán cuộc gọi rác giữa các nhà mạng thời gian qua chưa có sự đồng đều. Vì sao lại có sự khác biệt này? Các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT nói chung và Cục An toàn thông tin nói riêng sẽ có giải pháp gì đối với các nhà mạng chưa kiên quyết xử lý thuê bao vi phạm?

Ông Đặng Huy Hoàng: Đúng là hiện nay việc xử lý các thuê bao phát tán cuộc gọi rác giữa các nhà mạng chưa có sự đồng đều, có sự khác biệt này một phần là do các nhà mạng đầu tư hệ thống kỹ thuật hỗ trợ ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác khác nhau. Một số nhà mạng có đầu tư hệ thống công nghệ AI hỗ trợ tốt hơn trong công tác ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Để tăng cường việc xử lý các nhà mạng chưa kiên quyết xử lý thuê bao vi phạm, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi tổng giám đốc, chủ tịch các doanh nghiệp viễn thông nhắc nhở nghiêm túc thực hiện việc ngăn chặn các thuê bao phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra việc xử lý các thuê bao vi phạm của các nhà mạng để đảm bảo hiệu lực thực thi.

PV: Với những giải pháp đồng bộ của Bộ TT&TT, đã có một số thời điểm tình trạng phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã tạm lắng xuống nhưng cứ vào dịp cuối năm lại có chiều hướng bùng phát trở lại, gây phiền toái cho người dùng. Cục An toàn thông tin có giải pháp gì để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, thưa ông?

Ông Đặng Huy Hoàng: Cuộc chiến chống cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn là cuộc chiến lâu dài, không chỉ Việt Nam mà ngay cả nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp vấn nạn này. Lợi dụng thời điểm cuối năm người dân gia tăng nhu cầu tiêu dùng, đi lại, các đối tượng lừa đảo thường xuyên đổi mới công nghệ, phương thức lừa đảo nhằm thu lợi bất chính.

Một số giải pháp mà Cục An toàn thông tin và các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT triển khai nhằm giảm thiểu tình trạng phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo gồm: Tăng cường theo dõi, giám sát hệ thống tiếp nhận phản ánh nhằm phát hiện sớm các phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an thanh, kiểm tra để xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo có nội dung ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng thường xuyên cập nhật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hình thức lừa đảo trên cổng chongthurac.vn; kênh antispam trên nền tảng tiktok để người dân tăng cường nhận thức phòng tránh các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra nhằm giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

PV: Trong thời gian qua, nhiều đối tượng đã sử dụng các cách thức phát tán tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo người dùng với danh sách nạn nhân ngày càng dài. Trong đó, có những thủ đoạn rất mới, rất tinh vi song cũng có những “thủ đoạn cũ nhưng nạn nhân mới”. Cục An toàn thông tin đã phối hợp giải quyết với các đơn vị chức năng của Bộ Công an trong lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Huy Hoàng: Trong thời gian qua, Cục An toàn thông tin thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an trong công tác phòng, chống, ngăn chặn tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo. Khi phát hiện các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Cục An toàn thông tin luôn chủ động thông báo bằng văn bản hoặc kênh thông tin nhanh với các cơ quan chức năng của Bộ Công an nhằm phối hợp xử lý.

PV: Cá nhân ông có khuyến cáo gì đối với khách hàng, người dùng?

Ông Đặng Huy Hoàng: Để phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo, nhất là vào dịp cuối năm, người dân cần lưu ý phải thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về các hình thức cảnh giác lừa đảo mạo danh trên trang chongthurac.vn. Khi nhận được các thông tin quảng cáo với lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn; các cuộc gọi tự xưng là cơ quan chức năng gọi điện thông báo, điều tra; mạo danh các ngân hàng thông báo tiêu dùng nước ngoài, nâng cấp kỹ thuật hoặc các thông tin trúng thưởng, nhận quà từ nước ngoài, bưu cục…, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp, đối tượng đăng tải qua nhiều nguồn khác nhau ngoài các thông tin số điện thoại đường link mà đối tượng cung cấp. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không truy cập đường link, tải ứng dụng lạ khi chưa rõ thông tin.

Đặc biệt, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên phản ánh ngay tới mạng viễn thông mà mình đang sử dụng, liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để yêu cầu hỗ trợ, xử lý hoặc phản ánh tới tổng đài 156 của Bộ TT&TT để kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã may mắn thoát chết và hiện đã vượt qua cơn nguy kịch sau khi bị một thành phần chính trị đối lập bắn 4 phát đạn vào vùng bụng hôm 15/5. Châu Âu bị một phen chấn động bởi vụ ám sát chính trị hiếm hoi xảy ra giữa những căng thẳng chính trị, ngoại giao xung quanh cuộc chiến tại Ukraine.

Nhiều công trình, dự án trên địa bàn Thủ đô đang được triển khai nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến tình trạng xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tối 18/5, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở đến các đơn vị thi công, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe bảo đảm TTATGT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文