Độc đáo phát minh ống cứu sinh cứu nạn máy bay
“Cứu sống trên một máy bay gặp nạn hoàn toàn có thể”, kỹ sư hàng không Ukraina Vladimir Tatarenko khẳng định. Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu để phát minh ra công nghệ có tên gọi “ống cứu sinh” có thể giúp hàng ngàn người thoát chết vì tai nạn máy bay.
Trong thời gian còn công tác tại tập đoàn Antonov, doanh nghiệp sản xuất máy ở Kiev, ông Tatarenko từng là ủy viên ủy ban đặc biệt chuyên khám nghiệm hiện trường tai nạn.
Kỹ sư Tatarenko và bản vẽ ống cứu sinh. |
“Nhìn vào những cảnh tưởng khủng khiếp và biết được số liệu phân tích tai nạn, tôi đi đến kết luận chắc chắn thế này: Chúng ta đang nghĩ sai về thảm họa hàng không, bởi vì có khoảng 80% tai nạn xảy ra do lỗi của con người”, nhà sáng chế trả lời phỏng vấn báo điện tử Ukraina Ngày nay (AIN.UA).
“Trong khi giới kỹ sư máy bay trên toàn thế đang cố gắng chế tạo ra những chiếc máy bay đạt độ an toàn hơn so với trước đây, họ chẳng thế làm gì được vì lỗi do con người gây ra”, ông Tatarenko cho biết nhằm phân tích cách nghĩ ra ý tưởng về ống cứu sinh.
Sau 50 năm miệt mài, kiên trì nghiên cứu, kỹ sư Tatarenko đã nhận được bằng sáng chế cho phát minh hệ thống ống cứu nạn được thiết kế để cứu sống phi hành đoàn và hành khách đi trên một chuyến bay dân sự khi gặp tình trạng khẩn cấp.
Ý tưởng về một ống phóng dù thoát hiểm trong ngành hàng không thương mại - dân dụng từng có trước đây, cụ thể nhà sáng chế Nga Gamil Halidov cũng có ý tưởng tương tự về khoang hành khách sẽ tách rời và bật dù khổng lồ để cứu hành khách cùng phi hành đoạn khi gặp bất trắc.
Minh họa hoạt động của ống cứu sinh khi máy bay gặp tình huống khẩn cấp. |
“Đã nhiều năm trôi qua, giới nghiên cứu bất lực không thể tìm ra công nghệ có thể bảo vệ mạng sống những người đi trên máy bay gặp nạn, bởi vì kỹ sư không thể tìm ra vật liệu phù hợp. Nhưng chúng tôi sử dụng sợi carbon-một loại vật liệu vừa cứng vừa nhẹ hoàn toàn chứng minh được sự phù hợp”, ông Tatarenko chia sẻ.
Hệ thống của nhà phát minh Tatarenko có thể được đặt trong thân máy bay, khi gặp sự cố, chẳng hạn trục trặc động cơ, thời tiết xấu, nó sẽ nhanh chóng phóng ra sau đuôi máy bay chỉ 2-3 giây.
Tuy nhiên, ông Tatarenko thừa nhận: “Nó không thể bảo vệ mọi người nếu máy bay bị đánh bom trên khoang hành khách hoặc bị tên lửa tấn công".
Ông cũng cho biết mặc dù ý tưởng là một bước đột phát về công nghệ an toàn hàng không, nhưng việc sản xuất số lượng lớn ống cứu sinh khó có thể tiến hành trong thời gian tới vì cần đến số vốn đầu tư khổng lồ khoảng 1 triệu USD/ống, trong khi các hãng hàng không tỏ ra ít quan tâm đến sản phẩm vì cho rằng nó sẽ làm giảm lượng ghế hành khách và tăng chi phí nhiên liệu.